Ngành Thuế Nghệ An tìm cách gỡ khó để tăng nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản
(Baonghean.vn) - Việc thất thu thuế tài nguyên hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp kê khai thiếu sản lượng tài nguyên khai thác thực tế nhưng cơ quan thuế không có đủ thẩm quyền, điều kiện kỹ thuật để xác định chính xác được sản lượng tài nguyên khai thác.
Cục Thuế Nghệ An cho biết: Theo thống kê, Cục Thuế đang quản lý 215 doanh nghiệp với 254 giấy phép khai thác được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác. Cụ thể, năm 2021, tổng số thu liên quan đến lĩnh vực khoáng sản đạt 904,2 tỷ đồng, tăng 109% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Thuế tài nguyên: 524 tỷ 415 triệu đồng; Phí bảo vệ môi trường: 113 tỷ 949 triệu đồng; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 265 tỷ 898 triệu đồng. 6 tháng đầu năm, theo con số chưa thống kê đầy đủ, số thuế thu cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 224 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra tình hình sụt lún tại Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Duy |
Tuy nhiên, theo ngành Thuế, hiện vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Cụ thể: Về việc kê khai, nộp thuế Tài nguyên: Tại Điều 3, Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 quy định: “Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Trường hợp tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, được phép hợp tác với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và có quy định riêng về người nộp thuế thì người nộp thuế tài nguyên được xác định theo văn bản đó”.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp chưa được cấp phép nhưng vẫn khai thác, kinh doanh khoáng sản. Theo đó, cơ quan Thuế gặp vướng mắc đối với việc kê khai, nộp thuế Tài nguyên đối với các trường hợp này.
Khó khăn thứ hai là các điểm mỏ thường nằm ở vùng sâu, vùng xa dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các doanh nghiệp.
Đối với hoạt động khai thác cát: Tình trạng khai thác, tập kết kinh doanh cát trái phép trên các tuyến sông diễn ra phức tạp, thời gian hoạt động cả ngày lẫn đêm gây khó khăn trong công tác quản lý.
Việc thất thu thuế tài nguyên hiện nay vẫn còn, chủ yếu do doanh nghiệp kê khai thiếu sản lượng tài nguyên khai thác thực tế nhưng cơ quan thuế không có đủ thẩm quyền, điều kiện kỹ thuật để xác định chính xác được sản lượng tài nguyên khai thác thực tế.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp khai thác không thực hiện đầy đủ việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, các tài liệu liên quan theo quy định.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã có Quyết định cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa có Quyết định thuê đất, hoặc doanh nghiệp đã có Quyết định thuê đất, cơ quan Thuế đã lập bộ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc lập bộ thu tiền thuê đất nhưng thực tế doanh nghiệp chưa được giao đất hoặc chưa được khai thác vì những lý do khách quan. Điều này dẫn đến doanh nghiệp cũng không thực hiện được nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Trước tình hình tiềm ẩn thất thu thuế khai thác khoáng sản, Cục Thuế Nghệ An đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương giải pháp quản lý; Thực hiện đầy đủ công tác quản lý theo các chức năng như: tuyên truyền, hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp; Hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp tự kê khai theo quy định; xử lý thu hồi nợ đọng thuế; phân loại rủi ro về thuế để thực hiện kiểm tra thuế…
Ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cũng cho biết: Hiện nay Cục Thuế rất khó trong việc giám sát sản lượng kê khai so với số lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp vì tự khai tự nộp là quyền của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tự chịu trước pháp luật theo Luật Quản lý thuế, còn sau này hậu kiểm doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm nếu khai không đúng không đủ. Và việc kiểm tra sản lượng thực tế ngành Thuế cũng cần sự phối hợp của các ngành liên quan.
Hàng năm, Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó quy định các nội dung về trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc phối hợp cơ quan Thuế thực hiện công tác quản lý lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Khai thác cát làm sạt lở đất ở Sông Con - Tân Kỳ. Ảnh: P.V |
Cục Thuế gửi Sở Tài nguyên và Môi trường số liệu đối chiếu sản lượng khoáng sản đã kê khai thuế với sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo đúng quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Cục Thuế cũng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính rà soát giá tính thuế Tài nguyên để tham mưu UBND trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 234 ngày 21/01/2020 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, tham gia đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập để thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn./.