Ngành thuế TP HCM muốn người ăn nhà hàng trả tiền bằng thẻ

08/12/2017 11:28

Giải pháp trên được đề xuất áp dụng cho nhà hàng quy mô lớn, có nhu cầu xuất hóa đơn chứ chưa dùng cho những quán ăn nhỏ.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, cơ quan này rất muốn ngành hàng ăn uống, dịch vụ cao cấp sử dụng máy tính tiền có kết nối với thuế, không dùng tiền mặt trong thanh toán... Đồng thời, các đơn vị này cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử để xác minh chính xác doanh thu thực tế phát sinh. Đây được coi là biện pháp nhằm tăng cường quản lý thuế với hoạt động kinh doanh ngành ăn uống, dịch vụ cao cấp.

"Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, và sẽ còn thông qua việc lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình UBND TP HCM để nơi này trình cấp có thẩm quyền", ông Tâm chia sẻ.

Lý giải về đề xuất, ông Tâm cho rằng những giải pháp trên trước hết sẽ hướng đến việc áp dụng cho những nhà hàng có quy mô lớn, có nhu cầu xuất hóa đơn chứ chưa dùng cho những quán ăn nhỏ.

nganh-thue-tp-hcm-muon-nguoi-an-nha-hang-tra-tien-bang-the

Tỷ lệ thanh toán thẻ khi đi ăn nhà hàng vẫn còn thấp. Ảnh: PV.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, trong Luật sửa đổi các luật thuế đã quy định hóa đơn từ 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng. Nhưng tới đây, theo nhiều đề xuất, có khả năng ngưỡng trên sẽ hạ xuống mức 5 triệu đồng nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đó, vào năm 2015 tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam, vấn đề hạ ngưỡng 20 triệu xuống 5 triệu đồng cũng đã được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Tài chính đề xuất với các Bộ, ngành và Chính phủ. Ông khẳng định Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử. Theo ông, đây sẽ là công cụ mạnh nhất thúc đẩy thanh toán điện tử bởi về công nghệ, hạ tầng thanh toán của Việt Nam đều đã cho phép điều này.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dân dùng thẻ để thanh toán khi ăn uống tại các nhà hàng ở TP HCM vẫn chưa cao. Ông Sang - Chủ chuỗi nhà hàng hải sản lớn tại quận Bình Tân (có 4-5 chi nhánh) cho biết, mặc dù ông đã lắp đặt máy POS khoảng 5 năm nay nhưng đến giờ tỷ lệ khách hàng thanh toán qua thẻ vẫn rất khiêm tốn, chiếm chưa tới 15-20% so với việc thanh toán bằng tiền mặt.

Hiện nay, với khách hàng dùng thẻ nội địa, ngân hàng tính phí cho nhà hàng ông khoảng 2% tổng số tiền thanh toán. Nếu dùng thẻ Visa hoặc Master thì có ngân hàng trừ 4-5%.

"Khi lắp máy POS là chúng tôi muốn thu hút lượng khách đáng kể dùng thẻ, nên sẵn sàng đóng phí cao cho ngân hàng. Nhưng sau thời gian triển khai, lượng khách dùng thẻ không nhiều nên hiệu quả thu lại không cao bằng mức phí bỏ ra", ông nói và cho biết, một số thời điểm, nhà hàng phải thu thêm phần phí từ khách để chia sẻ chi phí khiến khách cự cãi.

Đó là chưa kể đến một số lý do khác như nhân viên một số nhà hàng lạnh nhạt, không thích khách dùng thẻ thanh toán vì họ sợ không được cho tiền tip, hoặc là bản thân khách hàng còn tâm lý ngại rủi ro khi cà thẻ...

Trước thực tế này, một chuyên gia cho rằng, song song với những giải pháp mà Cục Thuế nêu ra, Bộ Tài chính nên có chính sách giảm thuế hoặc tương tự để khuyến khích các điểm giao dịch thực hiện thanh toán qua thẻ...

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tuy chưa phát triển xứng với tiềm năng nhưng đã và đang có những bước tiến, đặc biệt có sự đột phá trong phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.

Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.

Ngoài ra, Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến nay tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016).

Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trên thiết bị điện thoại di động như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,...

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai thí điểm phát triển một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (trong đó có thanh toán qua điện thoại di động) ở khu vực nông thôn nhằm mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ngành thuế TP HCM muốn người ăn nhà hàng trả tiền bằng thẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO