Ngành Thủy sản Nghệ An 65 năm vững tin bước vào hội nhập
(Baonghean.vn) - Cách đây vừa tròn 65 năm, trong lần về thăm làng cá Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng) ngày 1/4/1959, Bác Hồ đã thăm hỏi, động viên cán bộ và ngư dân huyện đảo, đồng thời căn dặn: “Miền Bắc nước ta đã giải phóng, rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ…”.
Từ đó đến nay, ngày 1/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam và lời căn dặn của Bác trở thành lời động viên, hiệu triệu để ngư dân nước ta ngày đêm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chặng đường vẻ vang
Khắc ghi lời Bác dạy “rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ…”, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Bác Hồ về thăm đảo Cát Bà, ngành Thủy sản chọn ngày 1/4 hàng năm để tổ chức ngày hội truyền thống ngành Thủy sản. Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ có quyết định tổ chức ngày truyền thống ngành Thủy sản vào ngày 1/4 hàng năm để động viên và giáo dục tinh thần yêu nghề trong cán bộ, công nhân viên ngành Thủy sản và các ngư dân. Kể từ đó, ngày 1/4 là ngày hội của không chỉ người dân trên đảo Cát Bà mà của ngành Thủy sản nước ta.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Thủy sản nước ta nói chung và nghề cá nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc. Trong chiến tranh, bà con ngư dân các tỉnh, thành ven biển miền Bắc đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tại Nghệ An, bà con ngư dân các huyện, thị ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò… đã bắn cháy nhiều máy bay và cùng bộ đội chủ lực bắt sống nhiều phi công Mỹ ném bom miền Bắc, góp phần bảo vệ bầu trời và biển, đảo Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng các danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bắt tay xây dựng lại đất nước, ngành Thủy sản càng có điều kiện để phát triển hơn. Nghề đánh bắt được tổ chức lại thành các HTX, nghiệp đoàn để vươn khơi đánh bắt, phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, khi chủ quyền quốc gia trên Biển Đông bị thế lực ngoại bang uy hiếp, ngư dân ta với những con tàu đánh bắt trên biển là những cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển đã cùng với lực lượng vũ trang đấu tranh, góp phần đẩy lùi ý đồ bá quyền trên Biển Đông…
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi và kinh tế có dấu hiệu phục hồi, liên tiếp 2 năm (2022 và 2023), giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD/năm, góp phần đưa nhóm nông, lâm, thủy sản chiếm gần 20% giá trị toàn ngành Nông nghiệp.
Ngành Thủy sản Nghệ An có tên gọi là Công ty Thủy sản Nghệ An, sau đó là Ty Thủy sản, Sở Thủy sản và nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, trong đó, trực tiếp tham mưu quản lý là Chi cục Thủy sản – Kiểm ngư tỉnh. Dù tên gọi có lúc khác nhau nhưng Thủy sản Nghệ An vẫn giữ được vị thế là lĩnh vực chủ đạo của nông nghiệp của tỉnh và phát triển ngày càng toàn diện, vững chắc. Hiện nay, ngành có đầy đủ các lĩnh vực, từ khai thác, nuôi trồng, chế biến đến phát triển nguồn lợi, nuôi giống, quản lý tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nghệ An có đội tàu khai thác gần 3.400 chiếc, trong đó, tàu cá từ 6m trở lên thuộc diện phải đăng ký là 2.458 chiếc, bao gồm 1.355 tàu có chiều dài dưới 15m và 1.103 tàu từ 15m trở lên hoạt động dài ngày trên biển. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 278 ngàn tấn, trong đó, khai thác trên 207 ngàn tấn, tăng 107,9% so với kế hoạch năm. Nhờ được quan tâm đầu tư, hạ tầng hậu cần nghề cá của tỉnh ngày càng phát triển đầy đủ hơn. Ngoài 4 cảng: Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn và Quỳnh Phương đủ điều kiện công bố và thực hiện truy xuất nguồn gốc, tỉnh đã xây dựng được 5 âu tàu là nơi neo đậu, tránh, trú bão cho tàu, thuyền.
Cùng với các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, Nghệ An đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ và lồng bè, nhằm từng bước chuyển dịch, cơ cấu lại ngành nghề thủy sản, giảm phụ thuộc vào khai thác. Nhờ vậy, Nghệ An là một trong những tỉnh có các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào nuôi tôm thâm canh.
Toàn tỉnh có 23.351 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó, diện tích nuôi ngọt 19.752 ha; diện tích nuôi mặn lợ 2.598 ha (tôm 2.350 ha). Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 70.788 tấn, tăng 112,68 % so với cùng kỳ năm trước…. Hàng năm, Nghệ An sản xuất trên 4 tỷ con tôm giống và là 1 trong những trung tâm sản xuất tôm giống ở miền Bắc.
Tích cực hội nhập quốc tế
Sau 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Thủy sản và nghề cá đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, một trong những yêu cầu, mục tiêu của thủy sản nước ta là nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, cũng như các ngành nghề khác, ngành Thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn khi hội nhập. Song song với đầu tư, chuyển đổi để nghề cá tiến lên hiện đại, bà con ngư dân phải thay đổi thói quen đánh bắt theo quy định của Luật Thủy sản và Công ước quốc tế về bảo vệ nguồn lợi hải sản di cư.
Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ đóng mới tàu vươn khơi của Chính phủ, Nghệ An đã ban hành các chính sách riêng để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi phương tiện, tiếp tục vươn khơi đánh bắt. Nhờ đó, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ tàu nhỏ sang tàu lớn vươn khơi; đồng thời, đầu tư thêm các phương tiện đánh bắt theo hướng chuyên sâu, nâng hiệu quả khai thác... Để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, ngư dân đã đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến ngày càng hiện đại hơn, góp phần giảm tiêu hao và tăng giá trị hải sản.
Bên cạnh kết quả nổi bật trên, một trong những thách thức mà ngành Thủy sản Nghệ An nói riêng và nước ta nói chung phải đối mặt là đánh bắt chấp hành quy định Luật Thủy sản năm 2017, nay chuyển sang đánh bắt quy mô lớn nên theo quy định phải được quản lý, giám sát. Cụ thể, các tàu cá dài từ 6m trở lên phải đăng ký, trong đó, tàu từ 15m trở lên, mỗi lần tàu xuất lạch ra khơi đánh bắt, chủ tàu cá phải báo cáo với cơ quan chức năng; quá trình đánh bắt phải ghi chép nhật ký và duy trì tín hiệu kết nối giám sát hành trình VMS 24/24h; tàu đánh bắt về bờ phải báo cáo sản lượng để xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc…
Sở dĩ nước ta cũng như cộng đồng quốc tế phải giới hạn và đưa ra quy định về khai thác ngày càng chặt chẽ hơn là vì nguồn lợi thủy sản biển đang ngày càng cạn kiệt. Các nước nhập khẩu mà cụ thể là EU đã khuyến cáo và chỉ nhập khẩu những thủy sản rõ nguồn gốc, đồng thời, không chấp nhận các thủy sản đánh bắt trái phép. Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn nên đây là thách thức vô cùng lớn. Vì thế, ngay trong dịp này, Ban Chỉ đạo IUU quốc gia và tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt và huy động trách nhiệm cả hệ thống chính trị các tỉnh ven biển vào cuộc để quản lý, giám sát các hoạt động đánh bắt theo IUU, góp phần gỡ thẻ vàng EC.
Quản lý chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng không phải là để đối phó với các khuyến nghị của EC đưa ra mà là cơ hội để thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường lớn thế giới. Chúng ta phải thực hiện nghiêm Luật Thủy sản và đảm bảo các hoạt động khai thác phải đúng quy định về IUU. Đây là uy tín, danh dự quốc gia khi hội nhập quốc tế và vì tương lai bền vững nghề cá nước ta.
(Trích phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi kiểm tra chống đánh bắt vi phạm IUU tại Nghệ An).
Tại Nghệ An, với nỗ lực lớn của cơ quan chức năng, hoạt động khai thác đã đi vào nề nếp, các vi phạm khai thác IUU ngày càng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn đó tình trạng tàu “3 không” đi đánh bắt, tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình VMS diễn biến phức tạp và tỉnh đang dồn sức xử lý.
Sắp tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nghệ An sẽ triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản hải sản tập trung, Nghệ An đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân lên bờ, giảm dần khai thác, khuyến khích các hoạt động khai thác theo hướng du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái biển... Hy vọng với những định hướng mới trên, ngành Thủy sản sẽ được tiếp thêm nguồn lực để phát triển hơn trong thời gian tới./.