Ngáo

Ngáo là một từ mà hình như gần đây mới được người ta trọng dụng. Buồn là mỗi khi dùng đến từ này thì niềm vui, niềm hạnh phúc chính đáng bị đẽo gọt đi một chút. Ngáo thường được mặc định gắn liền với tình trạng phê thuốc của các con nghiện sau khi sử dụng một dạng ma túy tổng hợp – ngáo đá. Tuy nhiên, nếu chiết nó ra thì “ngáo” là một chuyện còn “đá” là một chuyện khác. Ngáo có thể là động từ hay tính từ nhưng đá ở đây đơn thuần chỉ là một danh từ. Bởi vậy, ngoài ngáo đá người ta hoàn toàn có thể ngáo cái khác, mà tuần này cư dân mạng đã phải rụng rời chân tay khi phát hiện ra một trạng thái ngáo rất mới – ngáo danh!

Ngáo là gì nhỉ? Tra từ điển thì chưa thấy nhưng có lẽ nó là một dạng bệnh lý tâm thần của động vật có não, xuất hiện khi chịu một tác động nào đó từ ngoại cảnh. Đặc điểm của ngáo là chỉ người ngoài nhận thấy, còn “bệnh nhân” thì không biết họ đang ngáo bao giờ.

Thôi, tạm thời gác lại những thứ thuộc về y học để nói về một chuyện khác “nóng” hơn. Là thế này, bây giờ nếu được hỏi vật gì danh giá nhất mà lại rẻ nhất thì có lẽ tôi sẽ trả lời là “thẻ nhà báo quốc tế”. Thật, không mỉa mai đâu, rõ là với chi phí trên dưới 4 triệu đồng (“giá” này đã được nhiều tờ báo tìm hiểu và đăng công khai) mà lại sở hữu ngay một tấm thẻ hầm hố đến như vậy thì rẻ quá chứ gì nữa. Rẻ ngoài tưởng tượng. Tuy nhiên, nói thẻ nhà báo quốc tế rẻ như bèo thì cũng không nên bởi như vậy là hơi coi thường… bèo!

Vụ việc Trường Trung học phổ thông NL3 trống giăng cờ mở tổ chức lễ nghênh đón rùm beng một người xưng là “Nhà báo quốc tế” đã gây rúng động dư luận. Cư dân mạng ngỡ ngàng, không ít “nhà báo quốc nội” giật bắn mình trước tấm phông dày đặc chữ mà có lẽ không dưới 80% dung lượng trong đó là liệt kê chức danh một người tự nhận là trò cũ. Trong cùng một sự việc, cảm nhận của từng người có khi khác nhau, với kẻ ham hố phô danh thì như vậy là “phê”, là thỏa mãn các “cơn sướng” nội sinh trong não, còn với người bình thường thì quá là… xấu hổ! Thú thật, với cá nhân tôi, đọc xong tấm phông là cứ muốn kéo xuống vò vứt đi cho khỏi ngượng. Theo lời giải thích của cô hiệu trưởng thì tấm phông này là do “Nhà báo quốc tế” tự in, tự đưa đến treo. Riêng điều này thì tôi tin. Vậy là rõ, có cả ngàn cách khoe nhưng người ta đã không tránh được cách trưng bày trực quan thô thiển nhất, nhố nhăng nhất, và cũng là lố bịch nhất. Phía sau cái phông bạt kia là cái phông văn hóa con người, phô trương, thiếu khiêm tốn và thiếu cả lễ phép. Về trường cũ “tri ân” những người dạy dỗ mình mà với tư thế bề trên khệnh khạng thế thì rõ là câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” chỉ là sản phẩm của đầu môi chót lưỡi. Về trí tuệ thì tôi nghi ngờ khả năng phân tích và dự báo, hoặc là kém, hoặc là bị hội chứng cuồng danh thống trị hết cả sự khôn ngoan chăng? Cho rằng trương cái mớ chức danh ấy lên sẽ hù dọa được thiên hạ thì quả là nông cạn, nếu không nói là ngáo.

Khi sự việc được phát giác, cư dân mạng sục sôi, lãnh đạo nhà trường bấy giờ mới tá hỏa giở danh sách trò cũ xem thì hỡi ơi chả có anh L.H.A.T. nào cả. Khổ thân trường, tự nhiên lại mang tiếng là “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Sang thì rõ ràng rồi, hãy nhìn mớ chữ dày đặc dấu chấm trên cái phông rộng 10 mét vuông kia kìa: “Trường THPT NL3/Chào mừng nhà báo quốc tế. Thạc sĩ Luật học. L.H.A.T, Tiến sĩ/ cựu học sinh khóa 1995 – 1998/Tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh/ Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế…”. Trên mạng đồn rằng anh này thực chất là một tài xế taxi, tôi không tin cho đến khi cất công đọc hết cái ma-két trình bày lủng củng và chưa sạch ngữ pháp ấy. Ước gì anh ấy là tài xế taxi thật thì hay biết mấy. Không phải để “hạ giải” anh ấy mà để mấy vị chẳng may phải tháp tùng rình rang kia nhận ra bệnh ngáo danh còn nguy hiểm hơn chứng ngáo đá nhiều, vì nó có tính truyền nhiễm! Không tránh nhanh, tránh xa, tránh dứt khoát thì chả bao lâu cái con vi rút “ngáo danh” nó cho “hack não” bao giờ chả biết.

Cuối tuần xin phép bạn đọc được kể một câu chuyện vui vui như này: Hồi đang công tác ở cơ sở, một lần dự tiếp xúc cử tri, người viết bài này được nghe vị trưởng thôn oang oang giới thiệu: “Về dự với buổi tiếp xúc cử tri xóm 5 chúng ta hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu có đồng chí cử nhân cao đẳng Nguyễn Văn A. – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Làm vườn huyện, ủy viên Ban Thường vụ Hội Làm vườn xã, quyền Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn thôn, đại biểu Hội đồng nhân dân các khóa 5, 6, 7, nguyên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, nguyên Phó ban Văn hóa thông tin xã, nguyên Tổ trưởng tổ điện”. Hội trường vỗ tay rào rào, không phải vì sự long trọng mà vì… buồn cười. Cũng may tổ hợp chức danh mà vị trưởng thôn thống kê ở trên là thật chứ không phải chức danh “phô tô sốp” hay “ba trăm sau mươi độ” như quần thể chức danh được in dõng dạc trên tấm bạt nhiều màu treo ở trường cấp 3 kia.

Tôi từng đọc đâu đó một câu danh ngôn, đại ý: “Chỉ khi khoa học tìm ra trung tâm của vũ trụ thì một số người mới hoảng hốt nhận ra đó không phải là mình”. Năm ngoái, cư dân mạng cũng đã phải chết khiếp trước một tấm cac-vi-dit dày đặc chức danh của một “nhà thơ thần” nào đó. Vừa rồi lại phải chua chát chứng kiến nụ cười rạng rỡ cùng với cái dáng đi catwalk mãng xà, cái vẫy tay điệu hơn cả “sâu bít” của một nữ tội phạm vừa được Tòa án Malaysia phóng thích mà hãi hùng về một kiểu sống vốn dĩ không thuộc về con người. Ngáo là có thật, mức độ có thể khác nhau, biểu hiện “lâm sàng” có thể khác nhau nhưng đáng sợ nhất là mật độ xuất hiện thì ngày càng cao trên cùng một đơn vị diện tích. Cách đây chưa lâu, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trước khi vào “lò” để lộ ra chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 39 tỷ đồng. Đúng là nhất, đúng là vô địch khi tính ra giá trị của nó tương đương với 10.000 chiếc thẻ “nhà báo quốc tế”! Quá xứng đáng để vinh danh “thiên hạ đệ nhất nhởi”. Nhưng trời ạ, đường đường lúc ấy ông đang vào vai là công bộc của dân cơ mà, người ta tìm mọi cách giấu tiền đi chả được, đàng này lại trương tuột ra tồng ngồng như vậy thì gì mà chả bị “củi hóa”! Ngáo.

Nếu ngáo được ghi nhận như là một căn bệnh thì xin đừng chủ quan. Đã là bệnh thì có thể nhiễm nếu không tạo ra cơ chế phòng ngừa. Con người ai cũng có cảm xúc nhưng ai cũng phải có bổn phận quản trị cảm xúc của chính mình. Cuộc sống đời thực có những “nút like” chân thành nhưng cũng có những “nút like” xã giao. Không có nó, chúng ta mất đi gia vị, sự ghi nhận, nguồn động viên… nhưng cuồng nó là triệu chứng ban đầu của bệnh ngáo. Đừng sống thiếu cảm xúc nhưng cũng đừng để cảm xúc thôn tính, lũng đoạn và dắt mũi. “Tấm áo không làm nên thầy tu”, một chiếc xe biển xanh, một chiếc thẻ nhà báo hay vài ba cái bằng thạc sĩ không phải là ngôn ngữ để thưa chuyện với cuộc sống này. Bài học về vụ “nhà báo quốc tế” không chỉ dành riêng cho vài ba con người có mặt hôm ấy, đấy là bài học chia đều cho chúng ta. Đừng ngáo, cũng đừng ngáo ộp!