Ngày 30 tháng 4, giữa Sài Gòn 45 năm trước

Mùa xuân năm 1975, tôi đang là phóng viên quân sự thuộc Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Những tin tức, bài ảnh phát qua Hãng thông tấn xã Việt Nam. Ra Tết, chúng tôi nhận được lệnh:

– Chuẩn bị đi mặt trận Quảng Trị – Thừa Thiên Huế.

Đã 3 năm, kể từ năm 1972 là một phóng viên quân sự, chuyện ra mặt trận không có gì là bất ngờ. Đây là mặt trận quen thuộc đối với chúng tôi. Năm 1972, chúng tôi lăn lộn nơi đây hàng mấy tháng trời với những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất. Nhắc đến Quảng Trị tôi không thể nào quên kỷ niệm ở Thành cổ. Ngày 19/6, ngày kỷ niệm quân lực Việt Nam cộng hòa (quân đội Thiệu), những trận đánh dữ dội nhất đã xảy ra với mưu toan tái chiếm Thành cổ của quân ngụy. Súng phun lửa bắn trực tiếp vào từng ngách hào, từng hố cá nhân, nơi các chiến sĩ ta bám trụ. Tôi đã chứng kiến đức tính ngoan cường, quả cảm có một không hai của một thế hệ chiến sĩ anh hùng trong trận chiến này.

Năm ấy, mặt trận Quảng Trị chứng kiến sự hy sinh to lớn của bao cán bộ, chiến sĩ, như một nhà thơ đã viết: “Nếu các anh trở về đông đủ/ Sư đoàn ta đã thành mấy sư đoàn”. Có bao anh hùng, dũng sĩ như Vũ Trung Thướng, Nguyễn Như Hoạt, Mai Ngọc Thoáng.

Trên các chiến hào chúng tôi đã gặp những cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn còn trẻ măng, có người chưa đến tuổi 30 lớp chiến sĩ từ học sinh vừa tốt nghiệp lớp 7, lớp 10, trong số họ không ít người là sinh viên đại học. Họ hoạt bát và vui nhộn, ít nghĩ đến gia đình, cái “tôi”, cái riêng tư của mình. Họ sung sức và thông minh trong đánh giặc. Có người mới được luyện tập vài ba chục ngày đã ra trận. Trong môi trường như thế, viết về người chiến sĩ không đến nỗi phải trăn trở, cân nhắc nhiều. Bản thân cuộc đời mỗi người lính là một câu chuyện hấp dẫn với hậu phương. Lúc đó lợi ích của mỗi con người gắn với vận mệnh của dân tộc. Không ở đâu mảnh đất lớn lên từ những nấm mồ hữu danh và vô danh lại nhiều như ở Quảng Trị.

Nhớ lại kỷ niệm những ngày tháng đó ở mặt trận Quảng Trị, chúng tôi háo hức lên đường. Mà ai cũng nghĩ lần này lên đường sẽ được đi xa hơn, vào sâu hơn, có khi là được vào tận thành phố.

Những ngày đầu tháng 3 tin tức chiến thắng từ chiến trường Tây Nguyên và trận đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột làm nức lòng hậu phương. Giữa tháng 3 chúng tôi rời Hà Nội lên đường. Tôi và Hoàng Thiểm được phân công cùng đi một mũi vào Quảng Trị.

Rạng sáng ngày 26/3/1975, chúng tôi cùng một tốp phóng viên TTXVN tiến vào Huế. Tôi nhớ như in suốt đêm 25 vượt sông Mỹ Chánh chạy bộ vào Huế, sau những ngày hành quân gian khổ chúng tôi thở không ra hơi. May mà anh Lâm Hồng Long, nhà nhiếp ảnh lớn tuổi nhất đoàn còn ít sâm củ chia cho chúng tôi một người một lát mỏng để ngậm nên còn sức để vào Huế. Những giờ phút đầu tiên Huế giải phóng, ghi lại qua những tấm ảnh chúng tôi chụp được trên đường phố trong tiếng đạn, pháo nổ, giờ đây còn lưu lại như những tấm ảnh lịch sử. Tôi vẫn tự hào khi nhìn thấy tấm ảnh các cô du kích và bộ đội giương cao lá cờ giải phóng trên chiếc xe tiến vào Ngọ Môn. Cán bộ chiến sĩ K3, K8, đoàn Phú Xuân khẩn trương chốt chặt các điểm trung tâm, then chốt của thành phố. Gương mặt ai cũng rạng ngời.

Niềm vui sau ngày giải phóng của người dân Thừa Thiên - Huế.
Niềm vui sau ngày giải phóng của người dân Thừa Thiên - Huế.

Sáng 29/3, chúng tôi đã có mặt ở Đà Nẵng. Tôi, anh Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng và Hoàng Thiểm vượt đèo Hải Vân bằng xe Honda. Dọc đường thỉnh thoảng những loạt súng của tàn quân ngụy lại réo qua sườn núi. Chúng tôi vẫn bình tĩnh vì qua đài BBC, được biết từ ngày 23/3 thành phố Đà Nẵng đã trở nên hỗn loạn. Địch buộc phải bỏ kế hoạch co cụm ở Đà Nẵng và tranh nhau di tản. Buổi sáng 29/3 trời Đà Nẵng lất phất mưa, khi chúng tôi có mặt thì bộ binh và xe tăng Quân đoàn II cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã có mặt ở thành phố, chiếm giữ sân bay Đà Nẵng.

Gần một tháng hoạt động ở vùng mới giải phóng, ở thành phố Huế, tôi và Hoàng Thiểm lại được lệnh từ Cục Tuyên huấn TCCT chủ động tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn II tiến về Sài Gòn. Những phóng viên mặt trận chúng tôi luôn luôn được cán bộ, chiến sĩ, người dân vừa mới được giải phóng trở về ưu ái, giúp đỡ.

Điều mới lạ nhất chính là tình cảm quý mến, sự giúp đỡ hết lòng của những người dân bao nhiêu năm sống trong lòng địch, các thế lực cầm quyền của Mỹ – ngụy tuyên truyền, xuyên tạc hòng làm ly tán lòng dân, gây hận thù với cách mạng. Vậy mà khi bắt gặp những chiến sĩ giải phóng sau những giây phút e dè, bỗng chốc bất ngờ ai cũng trở nên tự tin hỏi chuyện chúng tôi.

Trên đường tiến quân vào Sài Gòn, chúng tôi ai cũng thấy gấp gáp, rất khẩn trương nên cứ “nhảy cóc” dựa vào xe đò, xe lam của người dân chạy theo đường quốc lộ 1. Nhớ lại khi vào đến Quảng Ngãi, qua huyện Tư Nghĩa vào lúc chập choạng tối. Tình thế buộc phải nghỉ lại ở đây. Thấy ven đường có ngôi nhà nhỏ sáng ánh đèn, chúng tôi mạnh dạn bước vào. Chủ nhà đứng chắn trước cửa là người  thấp bé, trạc tuổi ngoài 60. Thấy chúng tôi trong bộ quân phục quân giải phóng, dường như ông không hề ngạc nhiên vồn vã mời:

– Mời, mời vào!

Sau khi chúng tôi trình bày công việc, ông lộ vẻ vui mừng trả lời, giọng nói chân thành: “Các đồng chí yên tâm, bây chừ lực lượng tự vệ, du kích quản lý địa bàn này. Tui là Tý Bồ, hồi chống Pháp là cầu thủ đội bóng Sông Vệ nay được cử làm Trưởng ban bảo vệ thị trấn Tư Nghĩa…”. Ông gọi bà vợ chuẩn bị cơm nước, nhưng chúng tôi từ chối vì đã mang theo lương khô. Sáng hôm sau chúng tôi được ông nhờ người lái xe lam chở theo mấy người dân thẳng tiến Sài Gòn. Một cuộc hành quân may mắn, ở những đoạn đường nguy hiểm xe dân không hoạt động, chúng tôi lại bám theo các đoàn xe bộ đội ta đang hối hả tiến vào Sài Gòn.

Chiều 28/4, sau khi tiến vào ngã 3 Xuân Lộc. Chúng tôi nhờ đồng chí lái xe con của Tổng cục Chính trị quen biết tìm được Sở chỉ huy cánh quân hướng Đông – Nam nằm sâu trong cánh rừng cao su. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, lúc đó là Cục trưởng Văn hóa, đặc trách công tác chính trị chỉ dẫn cho chúng tôi tìm cách liên hệ với Quân đoàn 2.

Buổi chiều 29/4, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, lúc đó là Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2 cho chiến sĩ liên lạc đưa chúng tôi đến mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn xe tăng 203. Đây là lực lượng chủ công theo ý đồ tác chiến sẽ tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Xe tăng Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập (ảnh chụp lúc 11h ngày 30/4/1975).
Xe tăng Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập (ảnh chụp lúc 11h ngày 30/4/1975).

Rạng sáng ngày 30/4, sau khi đã vượt căn cứ Nước Trong, chúng tôi theo xe tăng của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 bắt đầu theo đường 15, vượt cầu Xa lộ sông Đồng Nai đè bẹp các ổ đề kháng còn lại của quân ngụy ở Thủ Đức nhằm thẳng hướng nội thành mà tiến.

Chiến tranh đã qua, nhưng cuộc tiến quân vào Sài Gòn 45 năm trước đối với chúng tôi giờ đây vẫn còn in đậm trong trí nhớ. Hàng trăm nghìn người dân trên tay cầm cờ giải phóng, ảnh Bác Hồ hò reo. Ngã ba Hàng Xanh bây giờ, lối rẽ về đường Hồng Thập Tự, qua cầu Thị Nghè bà con đứng chật hai bên đường. Các chiến sĩ đặc công, biệt động với sắc quân phục riêng, nhảy lên xe tăng, xe bọc thép hòa vào đội hình tiến quân. Chứng kiến hình ảnh sinh động đó mới hiểu hết chiến công của những người lính, không chỉ dũng cảm, thông minh đã bén nhạy lạ thường về chính trị, trái tim  hòa nhịp đập với hạnh phúc của nhân dân. Chiến thắng này là của nhân dân, của cả dân tộc.

11 giờ 24 phút ngày 30/4, chúng tôi có mặt trước Dinh Độc Lập. Trong những giây phút lịch sử đầu tiên đó, chúng tôi đã ghi lại được những tấm hình lịch sử: Nội các ông Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203. Hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Lữ đoàn 204 Phạm Xuân Thệ uy nghi, cao lớn, nghiêm khắc mà rất khoan dung. Chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, từ xe tăng 843 nhảy lên tầng thượng của Dinh Độc lập treo lá cờ Tổ quốc được đặc tả, nụ cười chiến thắng reo vui trên khuôn mặt còn lấm đen khói đạn. Chúng tôi đã ghi được lại cả những nhân chứng sự kiện xe tăng 390 với sự có mặt của nữ nhà báo Pháp Phrăng-xoa Đơ Muyn-đô trong những phút giây lịch sử đó.

Nhờ  anh lái xe cảnh sát Võ Cự Long của chính quyền ngụy mà chúng tôi nhanh chóng đến Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay tại sân bay tôi chụp ảnh nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm Tân Sơn Nhất.

Buổi chiều hôm chúng tôi quyết định dùng chiếc xe Zep 6 máy và động viên Võ Cự Long một sĩ quan ngụy, trưởng một công sa dẫn đường cho các yếu nhân của chính quyền Sài Gòn lúc đó hãy lập công cho cách mạng đưa tôi và anh Hoàng Thiểm về Đà Nẵng. Một mình Long lái xe suốt tối 30 đến rạng sáng 2/5 (trên đường chỉ nghỉ vài giờ) đưa chúng tôi về Đà Nẵng.

Ngay buổi trưa hôm đó, anh Thiểm theo máy bay C130 đưa tài liệu ra Hà Nội sớm nhất. Báo Nhân dân và Quân đội nhân dân ngày 3 tháng 5 đã đăng những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử ngày 30 tháng 4.

Là người lính trong cuộc mà chúng tôi cũng không thể ngờ rằng thành phố lại đón chờ ngày chiến thắng nhanh đến thế. Bà con cô bác đón chào các anh bộ đội giải phóng quân không còn dò xét mà đã cảm nhận rõ niềm vui, tràn ngập nụ cười. Lác đác những người lính của chính quyền cũ Sài Gòn vứt cả bộ quần áo lính nhảy vào  hàng ngũ của đông đảo đồng bào vẫy tay chào đón các chiến sĩ giải phóng. Giọng miền Nam, miền Bắc, miền Trung hỏi nhau nghe rõ mồn một, không còn cách trở vùng, miền.

45 năm đã trôi qua, kể từ ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Giờ đây mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh trong tôi dường như mỗi đoạn đường, mỗi góc phố, trên những dòng sông vẫn thấp thoáng hình ảnh người chiến sĩ mũ tai bèo thuở nào. Thành phố nay trở nên hiện đại, ồn ào, sôi động vẫn không làm mất đi tất cả những gì thuộc về quá khứ của một thời oanh liệt, nơi hội tụ những người anh hùng.