'Ngay cả huyện điểm Quốc gia cũng bị chậm hỗ trợ nông thôn mới'

04/11/2016 18:18

(Baonghean.vn) - Đề nghị Chính phủ quyết liệt rà soát nợ đọng xây dựng nông thôn mới, ưu tiên bố trí thanh toán dứt điểm nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án mới, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An) phản ánh, huyện Nam Đàn là huyện điểm Quốc gia trong xây dựng nông thôn mới mà đến nay vẫn chậm nhận được sự hỗ trợ kinh phí.

Xây dựng nông thôn mới còn "hình thức, nặng về thành tích"

Trong ngày hôm nay (4/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Toàn cảnh phiên làm việc ngày 26/10 của Quốc hội khóa XIV.
Toàn cảnh phiên làm việc ngày 4-11 của Quốc hội khóa XIV.

Góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Trần Văn Mão ghi nhận, sau 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, kinh tế phát triển khá, văn hóa, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng khó khăn. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thôn, xóm, khối, bản được xây dựng khang trang.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, bất cập, khó khăn. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp chưa vào cuộc quyết liệt. Việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng nông thôn mới chưa rõ ràng, cụ thể, làm hạn chế đến tiến độ thực hiện dự án, chương trình.

Vị đại biểu đánh giá, việc triển khai ở một số địa phương còn hình thức, nặng về thành tích. Do cơ chế, chính sách quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn nên thực tế ở các địa phương, chọn các đơn vị thuận lợi để về đích sớm, dễ làm trước, khó làm sau. Có thực tế là thị xã, thành phố về đích nông thôn mới trước so với các vùng nông thôn, vùng miền núi.

Ông Mão cũng cho rằng, các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện chương trình của Trung ương còn thiếu thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn giữa các vùng miền, lĩnh vực, nhất là áp dụng đại trà 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho tất cả các địa phương, vùng, miền trong cả nước.

Ông Trần Văn Mão phát biểu
Ông Trần Văn Mão phát biểu tại hội trường.

Hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới

Quá trình triển khai có sự thay đổi về cơ chế hỗ trợ, thực hiện chương trình dẫn đến các địa phương lúng túng khi triển khai và gây ra nợ đọng đối với những xã chủ động, tích cực về đích tốp đầu.

"Số nợ tính đến nay là 15.277 tỷ đồng, thậm chí, có địa phương nợ cao đến 971 tỷ đồng. Cá biệt có địa phương mất khả năng thanh toán, gây dư luận không tốt cho người dân. Số nợ đọng chủ yếu tập trung ở các công trình, dự án như xây dựng trụ sở, đường giao thông trục chính, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa", ông Mão cho hay.

Đại biểu tỉnh Nghệ An phân tích, do điều kiện tự nhiên, do sự phát triển không đồng đều tại các vùng miền nên không thể có một khuôn mẫu về mô hình nông thôn mới áp dụng chung cho cả nước. Ví dụ như tiêu chí nông thôn phải có sân vận động là rất khó. Ở những vùng núi cao, địa hình mấp mô để chọn một khu vực bằng phẳng làm sân là rất khó. Điện, đường, trường, trạm, cầu treo đòi hỏi phải huy động vốn quá lớn, vượt khỏi khả năng của ngân sách địa phương.

Ông Trần Văn Mão cũng đưa ra đánh giá, nguồn lực cần thiết cho xây dựng nông thôn mới là rất lớn. Chính phủ đã đưa ra công thức hướng dẫn là vốn đóng góp của nhân dân khoảng 10%, từ doanh nghiệp 20%, từ tín dụng 30%, từ ngân sách là 40%, trong đó giai đoạn đầu vốn ngân sách đóng vai trò rất quan trọng có ý nghĩa tạo đà và tạo niềm tin. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp đều chưa mặn mà và chưa tin tưởng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Một số tiêu chí, cơ chế chính sách cũng được cho là chưa phù hợp, vận dụng máy móc kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả. Đường hẹp, chợ to, nhưng người dân vẫn thích ngồi bán ở các chợ cóc, chợ tự phát, ngồi bán sao cho tiện người mua nên chợ xây xong thì bỏ đó.

Để đến năm 2020, cả nước đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Mão đề nghị, cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn tiến độ, tiêu chí, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn đầy đủ biểu mẫu số liệu thống kê để có sự thống nhất tiêu chí báo cáo từ trung ương đến địa phương.

Đại biểu Trần Văn Mão cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể về huy động nguồn lực trong nhân dân để tránh việc huy động quá sức dân, huy động không đúng đối tượng tạo gánh nặng về nợ xây dựng nông thôn mới ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt rà soát nợ đọng xây dựng nông thôn mới, ưu tiên bố trí thanh toán dứt điểm nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án mới, không để nợ phát sinh, bố trí vốn cho những xã có thể về đích nhanh hoặc xã đạt nhiều tiêu chí, sớm hỗ trợ kinh phí cho các huyện điểm trong cả nước.

Riêng Nghệ An có Nam Đàn là huyện điểm Quốc gia trong xây dựng nông thôn mới mà "đến nay vẫn chậm nhận được sự hỗ trợ kinh phí", ông Mão cho hay.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Mão cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi mức hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, đặc biệt là các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn đặc biệt về cơ sở, hạ tầng.

Dương Gim - Tuấn Anh

TIN LIÊN QUAN

'Ngay cả huyện điểm Quốc gia cũng bị chậm hỗ trợ nông thôn mới'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO