Ngày Cà phê Việt Nam... không có ở Nghệ An

Tiến Đông 11/12/2023 10:50

(Baonghean.vn) -Từ năm 2016, Chính phủ chọn ngày 10/12 hàng năm để làm Ngày Cà phê Việt Nam – đây là ngày Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu (10/12/1961). Ý nghĩa là vậy, nhưng ở Nghệ An, nơi từng có những đồn điền cà phê rộng lớn hay nông trường cà phê bạt ngàn, giờ đã “sạch bóng” cây cà phê...

Dấu ấn người tiên phong

Theo tư liệu lịch sử còn ghi lại, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi chiếm được Đông Dương (3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia), thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914). Thời gian này, thực dân Pháp đã chú trọng khai phá, lập nhiều đồn điền tại các khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Tây Nguyên. Không ngoại lệ, khu vực Phủ Quỳ với đất đỏ bazan có hàm lượng dinh dưỡng cao đã trở thành khu vực được lựa chọn để phát triển các đồn điền cà phê, cao su rộng lớn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các chủ đồn điền Pháp và một số ít người Việt thân Pháp dưới sự giúp sức đắc lực của chính quyền bảo hộ đã bao chiếm được khoảng 15.498 ha đất, và thành lập rất nhiều đồn điền cà phê tại đây. Thời điểm này, cà phê của các đồn điền ở đây chủ yếu xuất sang Pháp dưới nhãn hiệu "Arabica du Tonkin" (Cà phê Arabica từ Bắc Kỳ), và chất lượng được đánh giá là tương đương với cà phê của Brazil, Colombia.

BNA_tư liệu cà phê.jpg
Hình ảnh chăm sóc cà phê tại Nông trường Đông Hiếu. Ảnh: Tư liệu

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, các đồn điền về tay chính quyền cách mạng, được gọi chung là Ban tổng quản đồn điền. Cuối năm 1947, Ban tổng quản đồn điền đổi tên thành Hạt khẩn hoang di dân Nghệ An và đến năm 1949 đổi thành Trại doanh điền Quốc gia Phủ Quỳ.

Người có công lớn trong việc phát triển vùng cà phê Phủ Quỳ ngay sau khi các chủ đồn điền người Pháp và người Việt thân Pháp bỏ chạy, là Giáo sư Ngô Văn Hoàng (mất năm 2013). Ông là người gốc Phú Yên, năm 1944 tốt nghiệp Trường Canh nông Đông Dương và từ năm 1945, ông đã đi theo cách mạng, đồng hành với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Gần như cả cuộc đời của ông gắn bó với miền Tây xứ Nghệ, đặc biệt là tại vùng đất đỏ Bazan Phủ Quỳ.

BNA_GS Ngô Văn Hoàng.jpg
Giáo sư Ngô Văn Hoàng. Ảnh tư liệu lưu trữ của kỹ sư Lê Đình Định

Kỹ sư Lê Đình Định - một đồng nghiệp có nhiều năm gắn bó với Giáo sư Ngô Văn Hoàng tại Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu (trực thuộc Viện Cây công nghiệp – Bộ Nông trường), nay là Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, từ những ngày đầu mới tiếp quản các đồn điền của Pháp, kể lại: Năm 1946, Giáo sư Ngô Văn Hoàng là thành viên của Bộ Canh nông được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa giao vào tiếp quản các đồn điền của người Pháp khi đó đã bỏ chạy, để lập ra Doanh điền Quốc gia Phủ Quỳ, tiền thân của nhiều nông, lâm trường quốc doanh sau này. Nhiệm vụ của Doanh điền Quốc gia Phủ Quỳ lúc đó là tổ chức quản lý, phục hồi các vườn cà phê đã bỏ hoang mà các chủ đồn điền Pháp, hay chủ đồn điền người Việt thân Pháp đã bỏ lại, để thu hoạch.

Tại đây, Giáo sư Ngô Văn Hoàng đã có một thời gian ngắn tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Canh nông Liên khu 4, lúc đó sơ tán từ Huế ra khu vực đồi Yên Tâm (thuộc Nông trường Đông Hiếu). Sau một thời gian được điều động theo sự phân công của Bộ Canh nông, khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, Giáo sư Ngô Văn Hoàng trở về Phủ Quỳ phụ trách Nông trường Tây Hiếu trong những năm đầu xây dựng.

Thời điểm này, ông nhận thấy nơi đây cần có một cơ quan khoa học kỹ thuật để nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phụ trách phát triển kinh tế. Nhân dịp có đoàn chuyên gia của nước Cộng hoà Dân chủ Đức đến làm việc, ông bày tỏ ý tưởng xin thành lập một Viện Cây nhiệt đới và được các chuyên gia ủng hộ. Sau đó, Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu đã ra đời (4/1960) và Giáo sư Ngô Văn Hoàng được giao làm Giám đốc đầu tiên.

BNA_Cây cà phê tại Nông trường Tây Hiếu 1. Ảnh Tư liệu.jpg
Cây cà phê chè tại Nông trường Tây Hiếu 1. Ảnh tư liệu

Với cây cà phê, qua nghiên cứu các tài liệu của các nhà nông học người Pháp về nông nghiệp Đông Dương, sau khi Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu ra đời, Giáo sư Ngô Văn Hoàng và các cộng sự của mình đã trực tiếp đi tìm những cây cà phê chè đã bị bỏ quên, trở thành hoang dại tại vùng Bố Trạch (Quảng Bình), là một trong những nơi mà người Pháp đưa cây cà phê đến trồng đầu tiên. Trong suốt những năm 1960-1961, cán bộ của Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu đã lăn lộn đến những đồn điền cà phê cũ như Tiên Sinh, Nai Sinh (Phủ Quỳ); Vực Rồng, Hạ Sưu (Tân Kỳ); Phúc Do (Thanh Hoá), Ghềnh, Hữu Viện (Ninh Bình); Chi Nê (Hà Nam)… để tìm nguồn gen cây cà phê chè, về nghiên cứu phát triển ra giống cà phê phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất đỏ bazan này.

Có thời điểm, Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu và sau này là Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ đã nghiên cứu trên tập đoàn 37 giống, xác định được cà phê chè Catimor là giống thích hợp với vùng Phủ Quỳ, sau đó được trồng đại trà trên nhiều nông trường, trong đó nhiều nhất là Tây Hiếu, Đông Hiếu.

Trong một thời gian dài, cà phê được xác định là một cây công nghiệp mũi nhọn của Nghệ An. Đặc biệt, trong hơn 13.400 ha đất đỏ bazan của vùng Phủ Quỳ có lúc đã có đến hơn 7.000 ha trồng cà phê. Thậm chí có thời điểm, diện tích cà phê dự kiến được phát triển lên 9.400 ha hoặc 10.000 ha để có sản lượng 9.300 tấn đến 10.000 tấn cà phê nhân...

BNA_Hình ảnh cây Cà phê chè ở Nghệ An thời kỳ còn hiệu quả. Ảnh Tư liệu.jpg
Có thời điểm, cây cà phê trên vùng Phủ Quỳ đã lên đến 7.000 ha. Ảnh tư liệu

“Vắng” Ngày Cà phê ở Nghệ An

Vào thời kỳ các nông trường quốc doanh phát triển sôi nổi nhất, một sự kiện trọng đại đã diễn ra trên vùng đất Phủ Quỳ, đó là vào ngày 10/12/1961, trong dịp về thăm quê lần thứ 2, Bác Hồ đã đến thăm Nông trường Đông Hiếu, một trong những mô hình kinh tế quốc doanh tiêu biểu của miền Bắc lúc bấy giờ. Tại đây, Bác đã đi thăm lô cà phê 119 tại đồi cà phê Nai Sinh và thăm một số mô hình chăn nuôi khác.

Sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu lúc bấy giờ có ảnh hưởng rất lớn đối với Nông trường Đông Hiếu nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung. Bởi điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với mô hình kinh tế quốc doanh tại Nông trường Đông Hiếu. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của cán bộ, công nhân nông trường, nhưng đồng thời cũng là hành động động viên, khích lệ để không những cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu mà cả cán bộ, công nhân các công trường khác, nông dân huyện Nghĩa Đàn cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cũng chính từ sự kiện có ý nghĩa này mà vào ngày 29/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 6306/VPCP-KTN, chọn ngày 10/12 hàng năm là Ngày Cà phê Việt Nam. Hàng năm, cứ đến ngày này, nhiều địa phương trong cả nước đã sôi nổi tổ chức Lễ hội Cà phê, đó cũng trở thành một dịp quảng bá du lịch hiệu quả gắn với loại thức uống có từ lâu đời này.

Công nhân làm cỏ cà phê tại Nông trường Tây Hiếu 1. Ảnh Tư liệu.JPG
Công nhân làm cỏ cà phê. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù ngày Cà phê Việt Nam được ra đời trên cơ sở một sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với vùng đất Phủ Quỳ ở Nghệ An, nhưng hiện nay, cây cà phê đã sạch bóng tại các nông trường, từ Tây Hiếu cho đến Đông Hiếu. Theo đó, diện tích cây cà phê thời điểm cao nhất là hơn 7.000 ha, đã bắt đầu sụt giảm xuống còn 500 ha vào những năm 2005-2006 và xuống còn hơn 100 ha vào năm 2012-2013, đến nay gần như đã không còn.

Có nhiều lý do khiến cho việc cây cà phê biến mất trên địa bàn Nghệ An, trong đó phần lớn là do sâu bệnh, năng suất thấp và sự thay thế các loại cây trồng khác như cao su, cam, sắn, mía… có giá trị kinh tế hơn. Thậm chí là do hạn chế trong công tác quản lý, sự thay đổi trong tổ chức, thông qua việc sáp nhập, cơ cấu lại các nông trường… cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê.

BNA_Người dân chặt bỏ cây Cà phê tại xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Ảnh Tư liệu.jpg
Người dân xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn) chặt bỏ cây cà phê. Ảnh tư liệu

Ông Ngô Hoàng Khanh - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật - khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Hiện nay, trong quy hoạch phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì cây cà phê không còn được đưa vào quy hoạch, bởi đã có sự thay thế của nhiều loại cây trồng khác cho năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, do cây cà phê sau một thời gian dài bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh, nhất là các loại bệnh hại rễ, khiến năng suất bị giảm sút. Nếu muốn trồng lại thì cũng cần ít nhất 3-5 năm sau khi đã luân canh cây trồng để đảm bảo không còn các loại sâu bệnh gây hại đối với cây cà phê.

BNA_Cây Cà phê bị chặt bỏ. Ảnh tư liệu.jpg
Cây cà phê đã bị chặt bỏ gần như không còn. Ảnh tư liệu

Việc khôi phục lại cây cà phê trên vùng đất Phủ Quỳ cũng rất khó, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc đầu tư, chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm. Nếu sản xuất chỉ để bán sản phẩm thô thì không hiệu quả, trong khi đầu tư chuỗi sản xuất khép kín thì chưa có nhà đầu tư nào đủ tiềm lực tham gia...

Ông Ngô Hoàng Khanh - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật – khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An

Chưa kể, vào ngày 2/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 1392/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quan điểm của Đề án này là phát triển cà phê đặc sản trên những vùng đất có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội thích hợp để đem lại chất lượng cà phê tốt nhất. Trong giai đoạn này, cà phê đặc sản được định hướng phát triển tại 8 tỉnh, là: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng và tuyệt nhiên không có tại Nghệ An.

Mới nhất
x
Ngày Cà phê Việt Nam... không có ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO