Ngày cuối năm trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Đã vào Tết Quý Tỵ, sắc Xuân lại về trên mọi nẻo đường làng quê, phố phường. Từ vẻ e ấp hồng nơi những nụ sung đảo của người lính đảo Ngư, đảo Mắt đón Tết, đến đào, quất tràn ngập phố phường hay đào rừng nơi muôn nẻo miền Tây bừng nở trong sương mờ, xuôi theo xe mà về với cõi nhân gian chờ đón. Chúng tôi làm chuyến ngược đường, lên với những bản làng nằm giưã mênh mông trời nước của lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
(Baonghean.vn) - Đã vào Tết Quý Tỵ, sắc Xuân lại về trên mọi nẻo đường làng quê, phố phường. Từ vẻ e ấp hồng nơi những nụ sung đảo của người lính đảo Ngư, đảo Mắt đón Tết, đến đào, quất tràn ngập phố phường hay đào rừng nơi muôn nẻo miền Tây bừng nở trong sương mờ, xuôi theo xe mà về với cõi nhân gian chờ đón. Chúng tôi làm chuyến ngược đường, lên với những bản làng nằm giưã mênh mông trời nước của lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Từ thị trấn Hòa Bình, xe lắc lư qua từng cung đường mạn ngược, lên với vùng thủy điện Bản Vẽ ( huyện Tương Dương). Nơi đây, mùa Xuân vẫn còn chưa hiện diện nơi những dáng người đang tất bật với cuộc mưu sinh. Chừng non buổi sáng, trong làn mưa xiên xiết cuối năm nơi bến Thượng Lưu, điểm kết thúc con đường, những người lính của Bộ CHQS tỉnh đã hối hả dỡ từng kiện hàng, quà của nghĩa tình trong chương trình “Tết ấm biên cương” xếp lên từng chiếc xuồng máy để vào với bà con. Bến thuyền nhỏ xôn xao trong sắc màu hàng hóa cuối năm và những chuyến xe khách cũng nhỏ bé, lầm lũi đi về chở theo gửi gắm và niềm mong chờ Tết của bản làng xa xôi quá đỗi. Những giọng nói tiếng Thái, Khơ Mú chen tiếng Kinh ríu rít trao đổi mời chào, gặp gỡ làm bến thuyền thoắt mang màu sắc sơn cước đến lạ kỳ. Xuôi theo chân dốc dựng đứng, trơn trượt xuống thuyền, hồ Bản Vẽ đã hiện ra, long lanh sắc núi in bóng vào mặt hồ mênh mông như tấm gương vô tận. Anh Vy Văn Hòe, khởi động chiếc máy cole đuôi dài cho thuyền quay mũi, bảo: “Các anh chịu khó lui vào không ướt người, hơn 2 tiếng nữa ta mới đến được xã Hữu Khuông”.
Trên sông nước lòng hồ Bản Vẽ.
Chuyến đi lần này của chúng tôi theo chân đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh, đi thăm và tặng quà trong chương trình “Tết ấm biên cương” cho đồng bào và các em học sinh xã Hữu Khuông (Tương Dương) nhân dịp Tết cổ truyền. Đây là một trong nhiều chương trình nghĩa tình của những người lính xứ Nghệ để góp phần sẻ chia với đồng bào mà ngay từ tên gọi, đã thấm đẫm tình quân dân “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”. Thượng tá Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh, trầm ngâm: “Đây là một cuộc vân động lớn của toàn thể CBCS LLVT tỉnh Nghệ An. Chúng tôi chỉ muốn từ đây, mỗi CBCS của Nghệ An đều thấu hiểu hơn cảm giác được sẻ chia, giúp đỡ ngay từ những đóng góp rất đỗi nhỏ bé nhưng trĩu nặng nghĩa tinh “quân với dân như cá với nước”.
Qua làn mưa xiên, những chiếc thuyền máy xuôi ngược, bọt tung trắng xóa trong tiếng máy giòn giã. Ngước lên, những đỉnh núi trước kia cao vòi vọi, nay đã ở thật gần trong tầm mắt bởi bản làng xưa đã ngập tràn dưới hàng trăm thước nước mênh mang, nhường chỗ cho dòng điện tuôn trào. Màu hoa đào năm cũ nở hồng bên mái nhà sàn, bản làng, dưới dốc núi bản Com (Kim Đa), bản Chà Coong, Xốp Lằm... nay đã không còn có thể thấy lại. Nhớ lại một thời, khi đứng trên cầu treo cao vòi vọi của bản Com với nguyên chủ tịch UBND huyện Tương Dương Vy Lưu Bình, ông đã nói: “Cây cầu ta đang đứng đây, sau này sẽ chìm dưới nước hàng trăm mét khi thủy điện hoàn thành”. Nay, xuồng máy đang đưa chúng tôi lướt qua trên những bản làng, cầu treo một thủa ấy.
Bí thư huyện đoàn Tương Dương Mạc Văn Nguyên, người được huyện ủy giao phụ trách xã Hữu Khuông, cho hay rằng, nơi chúng tôi sắp đến là xã thuộc diện nghèo nhất nhì của huyện, nằm lọt trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Hữu Khuông có 8 bản, trong đó có 4 bản Khơ Mú, 2 bản Thái và 1 bản người Mông. Hiện tại, xã đang có 4 điểm “không” - không đường, không điện, không chợ và không sóng điện thoại di động. Ngay trước hôm chúng tôi vào, Đài THVN vừa phát sóng về nỗi niềm “4 không” ấy của vùng đất ngập nước này. Toàn bộ diện tích gần 26,5 ngàn ha của xã gần như lọt thỏm giữa lòng hồ. Toàn xã có 554 hộ, 2242 nhân khẩu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ. Số hộ nghèo đói chiếm đến gần 94%. Sự học nơi đây đã rất được quan tâm với đầy đủ 3 cấp học. Mầm non có 143 cháu, tiểu học có 192 và xã còn có hẳn một trường phổ thông dân tộc bán trú THCS với 182 học sinh. Mặc dầu đã được quan tâm về trường lớp, điều kiện dạy và học, nhưng cách trở đường xa nên nghiệp gieo chữ ở chốn sơn cùng thủy tận này vẫn ngậm ngùi dập dềnh theo con nước xuống lên.
Vòng vèo mãi trên lòng hồ, qua những chân núi, bản Con Phen - điểm trung tâm của Hữu Khuông đã hiện ra với những mái tôn xanh lá mạ của trạm xá, trường học mới xây nằm vắt vẻo trên đỉnh dốc. Gặp 2 cụ bà Xeo Thị Na và Moong Thị Nệ đi rẫy về, lưng cúi hằn ngược dốc. Trong bế đeo trên lưng chỉ chỏng chơ mấy củ măng và bó củi nhỏ. “Tết có chi chưa bà ơi?’. “Ầy chà, có chi mô con, mới có chút lợn nít, vài bế gạo để dành. Quần áo mới cho trẻ con, lại phải chờ Nhà nước thôi!”. Nỗi niềm cay cay chợt như tạm ngưng khi từ trên dốc đổ xuống là một đoàn các em học sinh cấp 2 tươi tắn ào xuống thuyền, hồ hởi giúp chúng tôi khiêng quà vượt dốc vào bản. Nhớ cữ năm trước, gặp thầy giáo Nguyễn Tất Thìn, hiệu trưởng trường THCS Hữu Khuông, nghe tâm sự về nỗi khó khăn của học sinh nơi đây. Bên cạnh rất nhiều trở ngại về đi lại bởi lòng hồ đã ngập, những bản làng thường ở độc lập trên vị trí cao, từ điểm dân cư đến nơi các em học rất xa. Nhiều em phải dựng lán quanh trường để ở. Nay, nhìn vẻ tươi tắn của các em trong đồng phục, vui vẻ cùng chúng tôi mang quà lên bản mà đã thấy ấm lòng trước mùa Xuân mới hôm nay. Nơi cái Tết hiện diện đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được, có lẽ bắt đầu từ những bạn nhỏ Hữu Khuông.
Trước sân khu nhà làm việc khá khang trang của xã, công việc chuẩn bị cho buổi lễ trao quà cũng đã gần hoàn tất. Gặp vội bí thư Đảng ủy Hữu Khuông, ông Lô Văn Chuyến nói gọn: “Khó khăn của Hữu Khuông còn nhiều lắm. Xã có 8 bản: Con Phen, bảm Xàm, Pủng Pón, Tùng Hốc, Huồi Pùng, Huồi Cỏ, và bản Mông Chà Lâng thì cả 8 đều cách trở hoàn toàn về giao thông. Từ bản trung tâm đi xa nhất đến Chà Lâng, Huồi Cỏ phải mất trên 20km, mà cũng phải đi bằng thuyền, còn đến Chà Lâng phải đi bộ hết 4 tiếng. Nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp, chúng tôi đang cố gắng giảm nhanh số hộ đói nghèo từ 94% xuống mạnh nữa trong năm mới 2013 này. Để dân đói nghèo là cán bộ cũng phải xấu hổ thôi”.
Những món quà, tấm áo được CBCS Bộ CHQS tỉnh dành tặng học sinh nghèo xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương)
Chương trình tặng quà đã diễn ra trong cái nắng hiếm hoi chợt bừng sáng ở lòng hồ. Hàng trăm học sinh đã tề tựu đông đủ trong đồng phục xanh trắng và khăn quàng đỏ thắm. Mấy em nhỏ mẫu giáo mỗi em một chiếc ghế nhựa bé xinh tranh nhau ngồi hàng trước. Đợt này, Đoàn đã tặng quà của Bộ CHQS tỉnh cho xã Hữu Khuông và 28 suất quà (mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng), trong đó có 20 suất của Bộ CHQS tỉnh và 8 suẩt của Ban Thanh niên quân đội (Bộ Quốc phòng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách. Ngoài ra, Đoàn cũng đã trao tặng 1.200 bộ quần áo do Ban Thanh niên Quân đội phối hợp cùng Ban Bí thư TW Đoàn phát động trong Chương trình “Tết ấm biên cương” phát động đóng góp từ tuổi trẻ và các em Học sinh Thủ đô (1 phần cho học sinh Hữu Khuông, 1 phần cho học sinh xã Tam Hợp).
Ông Lô Văn Phòng, 65 tuổi ở bản Pủng Pón, là một trong 5 gia đình chính sách được nhận quà, đã lặng im mãi mới nói được: “Biết ơn, biết ơn lắm, biết ơn bộ đội, chính phủ lắm!”. Nhà ông bây giờ chỉ có 2 ông bà quẩn quanh với 5 sào ruộng, 5 tạ lúa mỗi năm. Cả 6 cô con gái đã đi lấy chồng huyện xa, hoàn cảnh cũng không hơn gì cha mẹ. Tết này, mong ông bà sẽ có tấm áo ấm hơn để mặc, ấm như tấm lòng của những người vượt đường xa để cùng san sẻ với gia đình và đồng bào của ông. Còn em Lô Văn Xay, học sinh lớp 9B, trường THCS bán trú Hữu Khuông thì rành rọt: “Chúng em xin cảm ơn tấm lòng của các chú bộ đội, chúng em sẽ học thật giỏi để sau này lớn lên, góp thật nhiều công sức để dựng xây quê hương, bản làng không còn phải đốt nương làm rẫy như bố mẹ nữa”. Thượng tá Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh thay mặt Đoàn công tác đã phát biểu cảm xúc rất chân tình của mình: “...Những món quà tuy không nhiều về giá trị vật chất nhưng là tất cả tấm lòng của những CBCS, những người lính xứ Nghệ góp thêm một phần san sẻ đến bà con, cùng bà con đón Tết Quý Tỵ được ấm áp, yên vui hơn”.
Một góc Hữu Khuông hôm nay.
Mặc dầu còn là xã nghèo, nhưng Hữu Khuông nhờ sự quan tâm của huyện ủy, UBND huyện Tương Dương đã có thể tự tin vào thế đi mới khởi sắc. Sau khi thủy điện Bản Vẽ hoàn thành, xã được thêm nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho một bước đi dài. Các mô hình trang trại kết hợp nuôi lợn đen, vịt bầu, cá lồng đã bắt đầu được triển khai và nhân rộng. Đề án “trồng rừng, trồng cỏ và chăn nuôi” theo đề án 02 của huyện cũng bắt đầu có tín hiệu khả quan. Tổng đàn trâu bò cũng đang dần tăng, hình ảnh thưa vắng xưa nay đang phục hồi trở lại với những chú bò đủng đỉnh với tiếng mõ lốc cốc trong núi vắng.
Trở về bến Thượng Lưu, chúng tôi về lại miền xuôi. Dọc đường về, bên những bến nhà thuyền nổi trên lòng hồ của người dân, đã thấy sắc cờ đỏ tươi in dấu trên nền thẫm xanh đại ngàn và sắc nước thẳm xanh. Chợt nhớ lời của quyền chủ tịch xã Lô Văn Tùng mới 28 tuổi: “Hữu Khuông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chúng tôi rất biết ơn điều đó. Bởi vậy, Hữu Khuông sẽ cố gắng hết sức mình để người dân không còn lo lắng với cái nghèo, Hữu Khuông sẽ đi lên bằng chính sức lực của mình”. Đó là tâm nguyện của người lãnh đạo trẻ, cũng là mong ước của chúng tôi.
Ngước nhìn lên đỉnh Pù Hóp xa, đã thoáng thấy sắc đào ẩn hiện. Xuân đang về nơi một nẻo mênh mang lòng hồ Bản Vẽ.
Trần Hải