Ngày đầu lễ hội Đền vua Mai: Nghiêm kính, linh thiêng
(Baonghean) - Theo thông lệ, hằng năm cứ đến rằm tháng Giêng người dân Nam Đàn lại náo nức với lễ hội Đền vua Mai. Vào chiều qua 15/2 (tức 13/1 âm lịch) lễ hội đã chính thức bắt đầu tại núi Đụn Sơn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), hậu cứ của nghĩa quân và là nơi vua Mai Thúc Loan trút hơi thở cuối cùng.
Lễ yết cáo tại đền thờ vua Mai.
Lãnh đạo huyện Nam Đàn dâng hương tại đền thờ.
Dù là ngày đầu nhưng không khí lễ hội đã tràn ngập khắp thị trấn Nam Đàn. Từ đê Vân Diên đến nơi diễn ra lễ hội chính, cờ phướn băng rôn được treo khắp hai bên đường. Niềm vui trẩy hội tràn ngập trên gương mặt, ánh mắt mọi người.
Lễ hội Đền vua Mai là dịp quan trọng để người dân Nghệ An nói riêng, người dân cả nước nói chung bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Vua Mai Thúc Loan, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường và xưng Đế ở thế kỷ thứ VIII (722 - 2011), người anh hùng của quê hương Nghệ An và dân tộc Việt Nam. Lễ hội mở đầu cho chuỗi lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng. Đây cũng là dịp kỷ niệm 1289 năm khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
Màn múa rồng trong ngày khai mạc.
Thời tiết quả đã chiều lòng người, bởi sau những ngày lạnh giá và mưa rả rích thì ngay trong ngày đầu khai hội trời đã chuyển sang khô và ấm áp. Trong ngày mở màn, lễ yết, lễ cáo do các vị bô lão và lãnh đạo huyện Nam Đàn tổ chức tại phần mộ ở núi Đụn Sơn và Đền thờ ở thị trấn Nam Đàn, lễ dâng hương, dâng hoa tại khu mộ mẹ vua Mai Hắc Đế tại núi Nam Thái và đền thờ Nậm Sơn (nơi thờ 1 trong 4 tứ trụ của triều đình) cùng nhiều lễ nghi tôn nghiêm khác. Trong buổi lễ này, vị chủ trì đền thờ thay mặt mọi người dâng sớ báo cáo với Vua Mai cùng các thần linh những công việc đã làm được trong một năm qua và cầu mong cho các đấng bề trên phù hộ độ trì một năm mới sức khỏe, hạnh phúc đến với tất cả mọi nhà.
Sau phần lễ nghi trang trọng, người về lễ hội vào thắp hương ở khu điện chính của đền thờ vua Mai và khu mộ ở ngay phía sau điện thờ. Từ đền thờ đi thêm khoảng 50 mét, leo theo bậc thang dọc chân núi Đụn Sơn sẽ đến một nơi tôn nghiêm khác. Đó là nơi thờ Mai Thúc Huy, người con trai thứ ba được Mai Thúc Loan tin tưởng truyền ngôi Hoàng Đế và tiếp tục chống trả các cuộc xâm lấn của nhà Đường tới năm 723. Đây là nơi được nhiều bạn trẻ lui tới nhất, vì từ đây có thể nhìn bao quát được toàn bộ lễ hội với núi non hùng vĩ, khung cảnh hữu tình.
Hội thi đấu vật.
Thi đấu bóng chuyền.
Ngày khai hội, dù chỉ chú trọng phần lễ, nhưng một số hoạt động về hội cũng đã bắt đầu. Tâm điểm là hội thi đấu vật có hàng nghìn người tham gia cổ vũ. Tương truyền, thi đấu vật được bắt nguồn từ những lần tuyển quân của vua Mai Hắc Đế. Hàng năm, vào mùa Xuân, vua Mai thường cho tổ chức thi vật ở các địa phương để chọn những trai tráng khoẻ mạnh, linh hoạt bổ sung cho đội quân tiên phong của mình… Ngày nay, hàng năm người dân ở đây vẫn ngưỡng mộ, đam mê môn thi đấu này, ở sàn đấu vật người xem vây kín cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Tiếng hò reo, vỗ tay vang dậy đất trời.
Giải bóng chuyền của nữ cán bộ công nhân viên các trường học trong vùng cũng được nhiều người quan tâm. Năm nay, với 12 đội chia thành 4 bảng, qua ngày thi đấu đầu tiên các đội đều thể hiện “ngang sức ngang tài”. Xung quanh bến thuyền khu mộ vua Mai hội trại cũng được dựng lên. Đây là địa điểm chính để 5 đội thuyền cùng đua sức đua tài.
Hội trại của xã Nam Lộc với chủ đề “xây dựng nông thôn mới”.
Đông đảo bạn trẻ về dự Hội.
Trao đổi với chúng tôi về Lễ hội Đền vua Mai năm nay, ông Phạm Tiến Dũng (Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Nghệ An) khẳng định: Đây là một lễ hội đậm chất truyền thống dân tộc, chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn những bản sắc đặc biệt của lễ hội này.
Ngày 16/2 (tức 14 tháng Giêng) lễ hội diễn ra nhiều hoạt động đậm nét văn hóa dân gian gắn với công tích của Vua Mai, như: cắm trại, bóng chuyền, vật, chọi gà, cờ thẻ, đu tiên, đu quay, ném bi sắt, đua thuyền…
bài, ảnh: Mỹ Hà