Ngày hội của người làm báo
(Baonghean.vn) - Lễ kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng VN là ngày hội của những người làm báo trên quê hương Bác Hồ; là dịp để đồng nghiệp sẻ chia những câu chuyện dọc đường tác nghiệp…
Những nụ cười lấp lánh trên khuôn mặt người làm báo, nhưng vẫn thấy khắc khoải nỗi niềm suy tư. Đã trót đa mang cái nghiệp buồn-vui, sướng-khổ, cay-đắng, đã chấp nhận công việc ghé vai trách nhiệm với xã hội thì ngại chi vất vả, nhọc nhằn.
Văn nghệ chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Là anh lính Cụ Hồ, trở về làm báo, nay đã gần 60, nhà báo Phan Văn Toàn (Báo Nghệ An) vẫn hai lần ra Trường Sa để được thấy, viết về cuộc sống những đồng đội mình. Anh tâm sự: Tôi luôn vẫn thấy nợ Trường Sa – nơi cha ông mình đã hiến bao máu xương để dựng nên hình hài Tổ quốc; được chứng kiến cuộc sống anh em chiến sỹ mình trên đảo thấy mình còn phải cống hiến nhiều hơn.
Nhà báo Phan Sáng (Báo Tiền Phong), là một trong những người lăn lộn nhiều ở sơ sở. Tham gia Giải báo chí Nghệ An năm 2011, phóng sự điều tra “Lật tẩy đường dây cò thi tiếng Hàn” của anh được tặng giải nhì. Về dự lễ, Phan Sáng chia sẻ: Tôi viết về những điều tốt đẹp của cuộc sống, của con người chứ không nhấn mạnh cái tiêu cực. Nói những điều tiêu cực, những cái xấu để cuộc sống tốt đẹp hơn; người làm báo phải có trách nhiệm với xã hội.
Có thật sự yêu nghề mới dám cháy hết mình với nghề, các phóng viên Thanh Lê, Mỹ Hà, Thành Duy (Báo Nghệ An) với loạt bài phóng sự 4 kỳ “Xung quanh chuyện tìm mộ” đã lật tẩy những điểm tìm mộ biến tướng, thương mại hóa, gây mất ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn. Tác phẩm này đã đạt giải B Giải Báo chí Nghệ An và được UBND tỉnh tặng bằng khen do tác phẩm có hiệu ứng tốt đối với xã hội.
Thực tế đã cho thấy không ít nhà báo nữ vì đam mê nên bị cuốn theo nghề; họ phải vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống, vừa giữ lửa trong gia đình mà vẫn “cháy” trong từng trang viết. Nhà báo Lê Thị Hiến Chương (Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An) tâm sự: Phụ nữ làm báo có hạn chế về thể lực, thời gian nhưng lại có lợi thế là sự tinh tế, khéo léo và thận trọng; biết phát huy lợi thế trong công việc sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
Trăn trở với từng trang viết, tìm cách viết cho hay, hấp dẫn, lấy ngòi bút làm vũ khí phản ánh chân thực cuộc sống để tác phẩm có sức lan tỏa, nhà báo Minh Thư (Báo Nhân dân) phải lăn lộn, trải nghiệm, thâm nhập sâu vào đời sống xã hội để “đãi cát tìm vàng”, tìm được các điển hình tiêu biểu, qua đó có bài viết đáp ứng được những điều công chúng đòi hỏi, đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống.
Giữa niềm vui ngày lễ truyền thống, bất chợt nhớ tới một bài thơ tự sự như rút ra từ ruột gan của Nhà báo Nguyễn Thanh Tiên - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An: “Nhà nông cày trên thửa ruộng / Ta cày trên trang giấy mỗi đêm thâu / Nhà nông sợ nắng nung bão lụt / Ta sợ lòng nông cạn chẳng đằm sâu”…/.
Thành Chung