Ngày vui trên quê mẹ

(Baonghean) - Trong cái lạnh hanh hao của ngày đầu tháng Chạp ta, bầu trời Thành phố Vinh chợt quang đãng đến lạ. Thấp thoáng cái Tết Quý Tỵ đang hiển hiện gần về. Cứ mỗi độ này, người đi xa đều vọng về quê, thu xếp công việc bận rộn để quây quần nơi chôn nhau, cắt rốn. Những ngày này, các trí thức, văn nghệ sỹ của xứ Nghệ quê nhà cùng trở về hội ngộ ở mảnh đất quê hương thủy chung cũng như là một lẽ tìm về của người Việt ngàn đời. Trong sáng ngày 11/1, tấp nập từ mọi nẻo đường đất nước, họ đã cùng về trên quê hương xứ Nghệ dấu yêu.

Về hội ngộ dịp này có 574 trí thức, văn nghệ sỹ của Nghệ An được tặng các giải thưởng, danh hiệu cao quý của Nhà nước. Trong đó Giải thưởng Hồ Chí Minh 24 người, Giải thưởng Nhà nước 29 người, Nghệ sỹ Nhân dân 6 người, Nhà giáo Nhân dân 10 người, Thầy thuốc Nhân dân 8 người, Nghệ sỹ Ưu tú 51 người, Nhà giáo Ưu tú 236 người, Thầy thuốc Ưu tú 196 người. Truyền thống hiếu học, yêu nước, khát khao vươn đến đỉnh cao trí tuệ vẫn ngày đêm chảy mãnh liệt trong hình ảnh các trí thức, văn nghệ sỹ quê hương. Hôm nay, họ về đây cùng bên nhau, như là một lần về báo công với quê hương, và quê hương cũng tự hào vinh danh những người con đã làm rạng danh xứ sở.

Các trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu đã hành hương về quê Bác, làng Sen, thành kính dâng hương tại nơi an nghỉ vĩnh hằng của thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trên dãy Đại Huệ và viếng đền thờ Vua Quang Trung trên đỉnh núi Quyết.   

Giữa tình cảm ấm nồng ngày hội ngộ, chúng tôi đã gặp PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Noãn. Trong ngành Vật lý thiên văn, ông được mệnh danh như là “người làm bạn với trăng sao”. Năm nay đã 80 tuổi, trải qua 50 năm giảng dạy tại Trường ĐH Vinh, vị Phó GS khả kính vẫn còn rất minh mẫn. Ông khoe với chúng tôi bức thư của Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước do Cục trưởng Đào Thi ký năm 1979, ghi nhận công lao của ông vì đã cung cấp 400 bản lịch sao để phục vụ cho công tác đo thiên văn ở vĩ độ thấp. Đây là điều theo ông là “tự hào nhất trong đời làm khoa học”, bởi những tài liệu của ông đã thực sự có tác dụng phục vụ công việc ngoài quần đảo Trường Sa. Về với dịp hội ngộ đầy ý nghĩa này, ông tâm sự: “Với cảm nhận của một người làm công tác khoa học trong ngành Giáo dục, chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo tỉnh nhà đã quan tâm đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ quê nhà. Chúng tôi cũng hết sức tự hào được đứng trong hàng ngũ của một xứ Nghệ giàu truyền thống và càng đau đáu thêm một nỗi niềm là làm thế nào để tiếp tục phát huy được vị trí của một xứ Nghệ đất học”. Lời của PGS, TS Nguyễn Đình Noãn có lẽ cũng là tâm sự của những người con quê hương về trong dịp gặp gỡ lần này.   

Sự kiện điểm nhấn của đợt gặp gỡ là đêm gặp mặt “Trí thức, văn nghệ sỹ tỉnh Nghệ An được giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước” đã bắt đầu diễn ra tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh tối 11/1.

Giao lưu với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo; GS, Ts Đinh Văn Nhã; Đại tá, Th.s Trần Văn Phác.

Tại đây, chúng tôi vinh dự được gặp đại gia đình 5 người của PGS, TS Đinh Văn Nhã. Ông đi cùng các anh em trong gia đình là PGS, TS Đinh Văn Thuận, Kỹ sư Đinh Văn Vinh, Thạc sĩ Đinh Văn Hiến, Kỹ sư Đinh Thị Lan Anh (con gái thạc sỹ Đinh Văn Hiến). Điều thật đáng kính nể khi cả 5 người trong một gia đình đều đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 với cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí - tự động hóa trong công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm". Ông tâm tình: “Quê hương Quỳnh Lưu cho tôi cái đức ham học, vượt qua khó khăn, tôi có một đại gia đình nền nếp, nhiều người thành đạt trong khoa học, thực sự giúp cho tôi có được những thành công như ngày hôm nay”.

Năm 2005, Nghệ An đã có đến 11 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2010 lại có thêm 10 người nhận được giải thưởng cao quý đó. Trong đó có Tiến sĩ, nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Thái Tự, người được mệnh danh “Người bạc tóc vì cá”. Sau phát hiện 162 loài cá nước ngọt ở Phong Nha - Kẻ Bàng trong tổng số 544 loài của cả nước; 72 công trình khoa học cấp quốc gia và quốc tế; 10 cuốn sách nghiên cứu về cá, trong đó có những giáo trình về động vật chí VN, thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và danh mục đỏ Việt Nam, ngày 20/1/2010 nhà ngư loại học Nguyễn Thái Tự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Trong dòng người đến với buổi lễ, Tiến sỹ Phạm Sỹ Tân, nhà khoa học của nông dân lặng lẽ như bản tính của ông vẫn vậy. Nhưng từ cốt cách của ông, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2002, làm người đối diện có cảm giác ông lại đang nghĩ về những cánh đồng lúa bao la ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông là Phó Viện trưởng Viện Lúa. Ông nhắn nhủ bà con nông dân xứ Nghệ: “Thành công của Nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã khẳng định phải biết chú trọng nhiều vào chất lượng, chứ không đơn thuần chạy theo sản lượng".

Và còn đó nhiều, rất nhiều những gương mặt, tên tuổi khả kính. Mỗi tên tuổi, mỗi con người mà khi nhắc đến, không chỉ người xứ Nghệ tự hào.

Trong lời khai mạc đêm gặp mặt, đồng chí Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh “Vai trò của các trí thức, văn nghệ sỹ đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, kiến quốc hôm nay. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An xin được gửi gắm đến các trí thức, văn nghệ sỹ tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống xứ Nghệ để hiến kế xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi”.

Đêm gặp gỡ được bắt đầu với phần giao lưu cùng những trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu. Đại tá, thạc sỹ Trần Văn Phác, người vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012, chia sẻ sự vinh dự khi được trao giải thưởng cao nhất tôn vinh trong cuộc đời làm khoa học của ông. “Làm khoa học phải say mê, kiên trì và tận tụy với công việc. Cuộc gặp mặt lần này là để những người con xa quê hương như chúng tôi có cơ hội đóng góp ý kiến của mình góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng vững mạnh”. Còn PGS, TS Nguyễn Đình Nhã, người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 đã khẳng định: “Trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo là yếu tố quan trọng bậc nhất để đem đến thành công. Nhưng muốn sáng tạo thì phải có kiến thức chuyên môn vững vàng và kinh qua thực tế rèn luyện”.

PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã rất xúc động khi về dự lễ gặp mặt. PGS chia sẻ: “Tôi quan niệm nguồn nhân lực chất lượng là điều kiện quyết định cho sự nghiệp CNH, HĐH. Cuộc gặp mặt lần này cũng là một giải pháp để những người ở xa, các em HS-SV tự hào để phấn đấu đóng góp cho xây dựng quê hướng, đất nước. Giải pháp thứ 2 là chính sách đãi ngộ về môi trường làm việc cho các nhà KH giỏi, chân chính để họ có điều kiện để họ cống hiến hết sức mình.

Không chỉ thành danh trong khoa học, xứ Nghệ còn được biết đến với nhiều văn nghệ sỹ đã thành danh trên cả nước. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự: “Tỉnh Nghệ An luôn đầy tiềm lực về văn học nghệ thuật. Vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều người giỏi về nghệ thuật trên mọi lĩnh vực. Tôi đã gặp rất nhiều người Nghệ ở Hà Nội, họ thường được gọi là “nghệ nhân” với nghĩa tôn vinh. Đó là nhờ truyền thống xứ Nghệ đã hun đúc nên phẩm chất để họ được tôn trọng như vậy”.

PGS, TS, NGND, Trung tướng Phan Đức Dư, nguyên Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, (quê Quỳnh Thiện-Quỳnh Lưu) đã đánh giá rất cao cuộc gặp gỡ, ông coi đây là một điểm nhấn, một sự kiện quan trọng của tỉnh trong năm.

NSƯT Thái Bảo, người sinh ra để hát những ca khúc cách mạng cũng đã rất xúc động, xa gia đình năm 10 tuổi, học tại Nhạc viện Hà Nội, chị vẫn nhớ tiếng Nghệ thân thương. Chị đi hát từ những năm bao cấp khó khăn, nếm trải đủ những khó khăn của người nghệ sĩ nghèo. Đến thời sôi động của âm nhạc thị trường, chị cũng không xa lạ, chị vẫn giữ cho mình một phong thái riêng, không bị trộn lẫn vào bất cứ ca sĩ nào.

Trải qua những giờ phút chân tình, sâu lắng về một sự kiện đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức tại quê nhà, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đã bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn đối với tấm lòng, nhân cách tài năng và sự cống hiến hết mình của các trí thức, văn nghệ sỹ cho quê hương, đất nước và nhân loại. Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta đều nhất trí rằng, Nghệ An có nhiều tài nguyên, nhưng nguồn tài nguyên quan trọng nhất chính là nguồn lực con người Nghệ. Ý thức được tầm quan trọng đặc biệt này, từ nhiều năm nay, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đã trăn trở, suy nghĩ về việc làm sao phát huy cho được nguồn lực con người Nghệ trong và ngoài tỉnh”.

Trong buổi lễ đầy xúc động này, PGS, TS Đinh Văn Nhã đã trích phần thưởng của Giải thưởng Hồ Chí Minh số tiền 100 triệu đồng dành tặng các em học sinh nghèo vượt khó ở quê hương Quỳnh Lưu của ông.

Cuộc gặp này thực sự là cầu nối để hội tụ những con người thành đạt hướng về và là thông điệp gửi đến mọi người dù đang ở đâu, làm gì cũng nhớ về quê hương, chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trần Hải

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.