Nghệ An: 7.692 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp
(Baonghean.vn) - Thực hiện chủ trương đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017- 2020 của Chính phủ, trong 2 năm 2017 - 2018, Nghệ An đã mở được 235 lớp đào tạo nghề, với 7.692 lượt người tham gia, đạt 64,64%.
Đó là thông tin được nêu tại Hội nghị đánh giá kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức sáng 27/12.
Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi thú y, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm… Tổng số người học xong là 7.521 người, đưa tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97,78%.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT định hướng một số giải pháp thực hiện đào tạo nghề trong thời gian tới. Ảnh: Phú Hương |
Theo đánh giá, tuy công tác đào tạo nghề không đạt kế hoạch đề ra về mặt số lượng do nhiều nguyên nhân, nhưng các lao động được đào tạo nghề đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; thông qua đào tạo nghề đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Việc triển khai thực hiện các ngành nghề đào tạo đã đáp ứng nhu cầu thực tế trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phú Hương |
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn một số hạn chế. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đa dạng; chưa gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, đầu ra sản phẩm thiếu thị trường tiêu thụ…
Trong giai đoạn 2019 - 2020, Nghệ An phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề nông thôn đảm bảo kế hoạch đề ra là 11.515 lao động. Sau đào tạo có ít nhất 80 - 85% số người học nghề có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, góp phần đưa tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo toàn tỉnh đạt 35%.
Lao động nữ nông thôn ở huyện Yên Thành học nghề may xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hải |
Các giải pháp được đề ra gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát của các cấp ngành; xây dựng kế hoạch và đổi mới công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu để từ đó xác định danh mục và đối tượng cần đào tạo cũng như xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm sau học nghề để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề với kế hoạch, mục tiêu phát triển sản xuất của các địa phương.