Nghệ An: 95% công nhân, lao động trở lại làm việc sau Tết
TheoLiên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, tỷ lệ công nhân lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ cao, quan hệ lao động ổn định. Nhiều doanh nghiệp tổ chức đón lao động với nhiều hoạt động sôi nổi như gặp mặt đầu Xuân, mừng tuổi, trao quà…
Quan hệ lao động ổn định sau Tết
Tính đến hết buổi sáng 5/2, ghi nhận tại Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An – doanh nghiệp có đông công nhân nhất tỉnh thời điểm hiện tại, gần như tất cả lao động đã quay trở lại làm việc với khí thế vui tươi, phấn khởi. Đây cũng là ngày doanh nghiệp này triển khai chương trình tuyển dụng đầu năm với nhiều vị trí việc làm. Trước Tết, Công ty đã nâng lương cơ bản và thưởng Tết cho người lao động. Hiện thu nhập bình quân của doanh nghiệp này khoảng 8 triệu đồng/tháng, nhiều công nhân có mức thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Theo tổng hợp từ Khu kinh tế Đông Nam, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trực thuộc, tỷ lệ lao động trở lại làm việc bình quân là 98%, tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận là 95%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có 100% công nhân quay lại làm việc như Công ty Mavin, Hoa Sen Nghệ An, VSIP Nghệ An… Để chào đón công nhân trở lại, hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức hoạt động lì xì đầu năm từ 50 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
Tại huyện Diễn Châu - một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp lớn, tất cả các công ty trên địa bàn đã trở lại làm việc từ đầu tuần. Liên đoàn Lao động huyện đã đến nắm bắt tình hình và chúc mừng năm mới một số đơn vị có đông công nhân, lao động. Ghi nhận tại các công ty, công nhân đi làm trở lại khoảng 97%, quan hệ lao động ổn định. Hầu hết các doanh nghiệp đều trao lì xì động viên tinh thần cho người lao động trong ngày đầu ra quân sản xuất.
Tương tự, tại các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn…, một số doanh nghiệp chọn mở cửa trở lại vào ngày 8 Tết. Tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc cao so với các năm trước, quan hệ lao động ổn định, các cấp công đoàn thiết thực chào mừng người lao động trở lại bằng những món quà thiết thực.
Quan tâm, chăm lo trước và sau Tết
Trong bối cảnh lao động ngày càng khan hiếm, tỷ lệ lao động trở lại cao và quan hệ lao động ổn định cho thấy các doanh nghiệp đã làm tốt việc thu hút và giữ chân lao động.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng”, các cấp Công đoàn Nghệ An (bao gồm Tổng Liên đoàn; Liên đoàn Lao động tỉnh; công đoàn huyện, thành, thị; Công đoàn ngành và công đoàn cơ sở) đã chi gần 40 tỷ đồng cho việc chăm lo Tết, cho hơn 40.000 đoàn viên, công nhân, lao động được thụ hưởng.
Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp chỉ đạo tổ chức 2 chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” 2025 tại Khu công nghiệp WHA và Nhà Văn hóa Lao động tỉnh với sự tham gia của gần 2.500 công nhân, lao động.
Tại Khu công nghiệp WHA, chương trình đã trao 1.000 suất quà cho 1.000 công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mỗi suất quà trị giá 800 nghìn đồng); tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, đã biểu dương 95 công nhân, lao động tiêu biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); Trao Bằng khen của LĐLĐ tỉnh cho 95 công nhân, lao động tiêu biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chương trình “Chợ Tết công đoàn năm 2025” trực tuyến qua sàn thương mại điện tử do Tổng Liên đoàn tổ chức đã giúp cho 3.500 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất nhận được những món quà thiết thực.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, 95% công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam đã tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy" với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như khen thưởng, trao quà, liên hoan, bốc thăm may mắn… Tổng số tiền Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, công đoàn cơ sở chi để chăm lo cho đoàn viên, người lao động là 14,5 tỷ đồng. Trong đó, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chi 1,8 tỷ đồng cho đối tượng lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, mở rộng kinh doanh ngày một nhiều. Hiện tại, dù hơn 40.000 việc làm đang trống nhưng nhiều lao động Nghệ An chưa mặn mà với mức lương cơ bản tại quê hương. Bên cạnh việc cải thiện chính sách tiền lương, đãi ngộ cho công nhân trên địa bàn để tương đương với thị trường lao động chung của cả nước, cần tiếp tục đầu tư, chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, nhà trẻ cho con công nhân... Như vậy mới có thể thu hút lao động xa quê trở về làm việc tại quê hương.
Ông Kha Văn Tám -Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh