Kinh tế

Nghệ An ban hành phương án ứng phó với thiên tai

Hoài Thu 17/05/2025 12:31

Tại Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 14/5/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2025. Phương án bao gồm các tình huống và kế hoạch, phương án cụ thể ứng phó với các hình thái thiên tai có thể xảy ra, giúp các địa phương, ban ngành, lực lượng chủ động trong mọi tình huống.

Hạn chế thấp nhất các thiệt hại

Năm 2024 các địa phương Nghệ An đã chịu ảnh hưởng của 16 đợt không khí lạnh (trong đó có 10 đợt gió mùa Đông Bắc); 02 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn (đặc biệt là các đợt mưa lớn hoàn lưu bão số 3, số 4, mưa lớn ngày 30/9…).

Hậu quả thiên tai năm 2024 làm chết 07 người, bị thương 02 người, 74 nhà bị sập, thiệt hại trên 70%; 2.005 nhà tốc mái, hư hỏng; 201 nhà bị di dời khẩn cấp. Đồng thời gây ra nhiều thiệt hại lớn về sản xuất nông lâm nghiệp và công trình hạ tầng; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 486,464 tỷ đồng.

Ảnh màn hình 2025-05-17 lúc 10.49.41
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế hơn 486 tỷ đồng. Ảnh tư liệu

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất của cả nước; địa hình, khí hậu, thuỷ văn phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,.. gây không ít thiệt hại đến đời sống, sản xuất, cơ sở hạ tầng của nhân dân, nhà nước. Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, ngày 14/5/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1355/QĐ-UBND về phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2025. Phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2025 nhằm giúp cho các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh chủ động hơn trong công tác ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất của nhân dân, nhà nước và các hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Việc chủ động các phương án ứng phó cũng giúp kịp thời di dời, sơ tán người dân ở khu vực xung yếu đến nơi ở an toàn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em. Nâng cao hơn nữa tính chủ động của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp và nhận thức của cán bộ, người dân trong công tác phòng chống thiên tai. Thống nhất và chủ động trong chỉ đạo điều hành, phối hợp Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành và các huyện, thành phố, thị xã. Trang bị phương án ứng phó thiên tai tổng quát để các địa phương, các ngành thực hiện. Đồng thời xây dựng phương án cho địa phương, đơn vị mình.

Ảnh màn hình 2025-05-17 lúc 10.50.45
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị lên kế hoạch chi tiết ứng phó với thiên tai. Ảnh tư liệu

Nghiêm túc thực hiện kế hoạch ứng phó

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, các lực lượng vũ trang và các địa phương, đơn vị... tổ chức thực hiện phương án PCTT-TKCN nghiêm túc. Trước mùa mưa bão, các công trình phòng chống lụt bão (PCLB) như thuỷ lợi, giao thông, xây dựng... đều được kiểm tra. UBND tỉnh phê duyệt phương án PCLB các công trình trọng điểm như: đê Tả Lam, các hồ đập lớn do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý. UBND các huyện phê duyệt phương án PCLB các hồ đập do UBND xã, hợp tác xã quản lý.

Việc chỉ đạo ứng phó, phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt được triển khai kịp thời, nghiêm túc: Hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cơ sở được triển khai nghiêm túc. Việc cập nhật, tổng hợp thông tin về thiên tai, ban hành và thông tin đầy đủ các Công điện, Chỉ thị, Quyết định của UBND tỉnh để ứng phó với các diễn biến của thiên tai tương đối kịp thời. Chỉ đạo tích cực, khẩn trương công tác phòng, chống bão lụt. Đảm bảo trực ban thường xuyên để theo dõi tình hình, để chỉ đạo cụ thể ứng phó phó với bão lụt. Triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện tốt các phương án đã xây dựng.

Ảnh màn hình 2025-05-17 lúc 10.51.30
Các địa phương ven sông suối thường xảy ra ngập lụt, vùng miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Ảnh tư liệu

Các nội dung trọng tâm của phương án ứng phó:

Bảo vệ các công trình trọng điểm: đê, kè, cống qua đê và các công trình phụ trợ trên đê. Hệ thống tiêu úng lớn: các cống Bến Thuỷ, Nghi Quang, Diễn Thành, Diễn Thuỷ, các kênh tiêu lớn (Vách Bắc, Sông Bùng, Kênh Thấp, Kênh Gai) và các trạm bơm tiêu úng. Các công trình hồ đập. Khu neo đậu tàu thuyền.

Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất: gồm 5 kịch bản ứng phó bão các cấp. Chuẩn bị cụ thể các phương án: Sơ tán dân vùng ngập lụt; vùng bị sạt lở, lũ quét và sau các hồ đập. Đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc. Phối hợp xử lý, chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai và TKCN. Huy động nguồn nhân lực ứng phó khi có thiên tai. Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm.

Chuẩn bị các biện pháp cơ bản ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro: Ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; mưa lớn; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; hạn hán, xâm nhập mặn; rét hại sương muối; lốc, sét, mưa đá; nắng nóng; sương mù; nước biển dâng; gió mạnh trên biển; động đất; sóng thần…

anh-man-hinh-2025-05-17-luc-10.50.21(1).png
Lốc xoáy làm hư hỏng nhà cửa, cây cối ở địa bàn huyện Thanh Chương năm 2024. Ảnh tư liệu

Chuẩn bị các phương án đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn: Sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương. Cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người, phương tiện mất tích. Lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn. Huy động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn. Dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở. Cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu. Các biện pháp cần thiết khác phù hợp với đặc điểm thiên tai của địa phương và khu vực.

Tại Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 14/5/2025, UBND tỉnh cũng quy định trách nhiệm của địa phương, đơn vị liên quan.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương căn cứ phương án này rà soát, bổ sung hoàn chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai ở địa bàn quản lý. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị theo nhiệm vụ trong phương án, kiểm tra, rà soát lại phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai để thực hiện tốt nhiệm vụ. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công chỉ đạo thực hiện. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn phải chịu mọi sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND địa phương và Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN địa phương đảm bảo cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả đảm bảo quá trình xử lý được kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An ban hành phương án ứng phó với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO