Nghệ An: “Bom bẩn” vẫn treo trên núi sau 2 năm thảm họa vỡ đập chứa bùn thải

Nhóm PVĐT 17/10/2018 08:00

(Baonghean.vn) - Núi Lan Toong được biết đến là điểm gây ô nhiễm môi trường thông qua vụ vỡ đập chứa bùn thải thiếc của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hồi tháng 3/2017. Dù sau sự việc, các Bộ TN&MT, Công thương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh nhưng trở lại nơi đây dịp này, tình trạng khai thác thiếc gây ô nhiễm môi trường vẫn hiện hữu.

Huyện Quỳ Hợp được biết đến và vùng mỏ đá và quặng của Nghệ An. Ảnh Đào Tuấn
Huyện Quỳ Hợp được biết đến và vùng mỏ đá và quặng của Nghệ An. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Núi "độc" Lan Toong

Biết chúng tôi sẽ ngược núi Lan Toong, anh bạn ở Quỳ Hợp bảo: “Sao không lên khi có mưa bão, đấy mới là thời điểm dân cần đến báo tìm hiểu, phản ánh…”. Nhưng rồi anh trao đổi: “Nói thế thôi, cứ lên đi. Lên núi Lan Toong để chứng kiến các công ty khai thác thiếc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường như thế nào…”.

Núi Lan Toong nằm tại vị trí giao nhau giữa xã Châu Hồng và Châu Thành. Để lên đây, từ thị trấn Quỳ Hợp, theo Quốc lộ 48C ngang qua các xã Châu Quang, Châu Cường. Ngày 15/10, trời nắng to, từ chân núi, đã thấy rõ các lều bạt lúp xúp của thợ khai thác thiếc nằm trên đỉnh núi.

Đường lên núi Lan Toong, nơi địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Châu Thành và Châu Hồng. Trong ảnh: Một người dân mót thiếc trên núi Lan Toong. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Từ đây, nhờ một người dân bản địa làm hướng đạo, chúng tôi theo con đường đất nhỏ, ngoằn nghèo, đầy hủm, hố, đá núi lởm chởm để lên núi. Thi thoảng từ trên núi lại có một vài chiếc xe máy lao xuống. Trên xe là các bao tải gồ ghề, người lái mặt mũi tay chân lấm lem bùn đất. Theo người hướng đạo: “Đấy là người địa phương. Họ lên núi mót thiếc. Người ta hay gọi họ là “thiếc tặc”…. Và anh nói rằng, trên núi Lan Toong có tất cả 3 công ty khai thác thiếc, gồm: Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc và Công ty TNHH Thiếc Hà An.

Trên núi Lan Toong hiện có 3 công ty được cấp phép khai thác thiếc, Trong ảnh là khu vực khai thác chính của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Ảnh: Đào Tuấn
Trên núi Lan Toong hiện có 3 công ty được cấp phép khai thác thiếc, Trong ảnh là khu vực khai thác chính của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Từ năm 2017, sau khi xảy ra vụ vỡ đập chứa bùn thải, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh bị đình chỉ khai thác, hiện nay chưa hoạt động trở lại. Cũng sau vụ vỡ đập, hai công ty Hồng Bảo Ngọc và Hà An cũng dừng khai thác một thời gian cho đến cuối năm 2017. Còn hiện tại, chỉ có Công ty TNHH Thiếc Hà An tổ chức khai thác thiếc rầm rộ, ở cả hai mái núi của xã Châu Thành và Châu Hồng.

Trèo núi chừng dăm chục phút, chúng tôi đến được điểm khai thác chính của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Ở đây, ngoài các cụm lều bạt là chỗ nghỉ của công nhân còn một số nhà xây cấp bốn, một trạm nghiền sàng tuyển quặng đang hoạt động, tiếng máy nghiền vang động cả núi. Lựa chọn vị trí quan sát thuận lợi để có cái nhìn toàn cảnh, khẳng định công ty này không chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Thể hiện ở chỗ, ngay dưới vị trí nghiền sàng tuyển quặng, có một núi bùn thải đen lớn. Núi bùn thải đen này có những dòng bùn thải tràn dài xuống sườn núi. Anh hướng đạo giải thích: “Khu vực có núi bùn thải ấy từng là bể chứa bùn thải. Tuy nhiên bể chứa nhỏ nên bùn thải lấp mất…”.

bna_Chất thải được chất thành núi hoàn toàn không có bể chứa
Chất thải quặng thiếc được thải trực tiếp ngay trong khu vực sản xuất, hoàn toàn không có bể chứa của Công ty Thiếc Hà An. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Tình trạng này có lâu chưa? Người hướng đạo bức xúc: “Như Công ty CP Kim loại màu thì đang có đập chứa bùn để mà vỡ. Còn các công ty khác trên núi này, sau vụ vỡ đập thì mới làm vài cái hố chứa. Mà cũng làm cho có thôi. Như Công ty TNHH Thiếc Hà An đấy, chỉ khoét sơ sài vài cái hố chứa nhỏ lưng chừng núi, một thời gian ngắn là bùn thải đã tràn đầy tràn cả núi. Nắng còn đỡ. Nếu có mưa, những thứ độc hại này sẽ bị tống xuống, gây ô nhiễm cho suối Mai, suối Bắc ngay…”

Khu vực lán trại và khai thác của Công ty TNHH Thiếc Hà An
Các nhà kho, lán trại của công nhân tại điểm khai thác quặng của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Tiếp tục ngược núi, chúng tôi phát hiện thêm trên núi Lan Toong, mạn bên xã Châu Thành cũng có một điểm nghiền sàng tuyển quặng thiếc đang hoạt động. Tại đây, đập chứa nước thải và bùn thải là một chiếc hố nhỏ, hết sức tạm bợ. Bùn thải đen chất cạnh hố thành đống cao. Theo người hướng đạo “điểm này cũng của Công ty TNHH thiếc Hà An…”.

bna_cận cảnh núi chất thải
Khi trời mưa "núi" chất thải này chảy tự do xuống hạ nguồn, và đây là một trong những nguyên nhân gây thảm cảnh ô nhiễm môi trường cho người dân các xã Châu Hồng, Châu Quang và thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

bna_khu khai thác của Công ty TNHH Hà An
Khu sản xuất, khai thác của Công ty TNHH Hà An trên núi Lan Toong. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Coi thường pháp luật

Tìm hiểu được biết, tháng 3/2017, sau vụ vỡ đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, bên cạnh việc buộc công ty này đình chỉ hoạt động khai thác, khắc phục sự cố môi trường, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đối với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Qua kiểm tra 56 tổ chức khai thác khoáng sản, đoàn kiểm tra đã phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp có những lỗi phạm. UBND tỉnh đã xử phạt các doanh nghiệp có vi phạm với tổng số tiền là 2,448 tỷ đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn đối với 7 giấy phép khai thác của 7 doanh nghiệp.

Điểm khai thác nằm trên địa bàn xã Châu Thành của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Ảnh: Đào Tuấn
Điểm khai thác mới nằm trên địa bàn xã Châu Thành của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Với 9 doanh nghiệp khai thác khoáng sản thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đều chưa tuân thủ những cam kết mà chính họ đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đó là việc xây dựng các công trình hồ đập xử lý nước thải từ hoạt động tuyển quặng, bãi thải chưa đúng nội dung báo cáo ĐTM được duyệt; thực hiện quan trắc, giám sát môi trường không đủ tần suất theo nội dung ĐTM được duyệt; Khu vực lưu trữ chất thải có quy cách chưa đúng quy định; chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành…

Hình ảnh khai thác quặng thiếc trên núi Lan Toong

Riêng Công ty TNHH Thiếc Hà An, qua kiểm tra xác định chưa đảm bảo tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác; chưa tuân thủ nguyên tắc chung về quản lý chất lượng công trình. Đối với khai trường 1 đã xây dựng 2 hồ lắng với tổng diện tích khoảng 500m2, bờ hồ rộng khoảng 3m được đắp bằng đất đá thải có thể bị sạt lở khi có mưa lớn; đã tạo các rãnh để thoát nước mưa chảy tràn tuy nhiên hệ thống này chưa hoàn thiện; bùn thải từ quá trình tuyển quặng được đổ ngay bên cạnh các hố lắng; một phần đã được chuyển đổ tại bãi thải có diện tích rộng khoảng 2.000m2, tuy nhiên vị trí bãi thải không đúng với vị trí quy hoạch và hiện đã đổ thải ngang đường vận tải…

Khu vực chất thải chảy xuống hồ chứa

Khu vực chất thải do khai thác quặng chảy xuống từ trên núi. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Vào cuối tháng 11/2017, UBND huyện Quỳ Hợp thành lập đoàn kiểm tra theo Quyết định số 2737, thực hiện kiểm tra đột xuất Công ty TNHH thiếc Hà An. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này đã hoạt động khai thác trở lại. Tuy nhiên, vẫn có lỗi phạm về bảo vệ môi trường. Đó là tại khu vực tuyển quặng, bể lắng đã được xây dựng, nhưng bùn thải đã đầy; bể lắng có nguy cơ sạt lở khi gặp mưa lũ. Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH thiếc Hà An vận chuyển bùn thải về nơi tập kết theo phương án được duyệt; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xây dựng thêm bể lắng thật an toàn để tránh sạt lở; thực hiện việc báo cáo về bảo vệ môi trường và chương trình giám sát môi trường theo quy định của pháp luật…

Như vậy là chỉ trong năm 2017, cấp thẩm quyền đã hai lần kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Thiếc Hà An, và đã chỉ ra những vi phạm trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với những gì chứng kiến trong ngày 15/10 trên núi Lan Toong, Công ty TNHH Thiếc Hà An lại tái diễn vi phạm!.

Có tình trạng buông lỏng?

Làm việc với Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp được biết năm 2018 UBND huyện này từng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thanh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, ngày 11/4/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1342/QĐ-UBND thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, thế nên đoàn của huyện đã dừng và bàn giao toàn bộ các tài liệu liên quan.

Tìm hiểu về việc kiểm tra chấp hành pháp luật môi trường của Công ty TNHH Thiếc Hà An của Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 1342, ở thời điểm tháng 6/2018, đoàn kiểm tra chỉ “phát hiện” ra hai tồn tại nhỏ của công ty này. Đó là: “Bờ bao và đáy hồ lắng chưa được phủ bạt; Còn để lẫn lộn chất thải nguy hại chưa phân loại theo quy định”.

bna_Nước thải chảy xuống từ trên núi
Dấu hiệu bùn thải từ hoạt động khai thác quặng thiếc trên núi Lan Toong chảy xuống chân núi. Ảnh: Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Theo Giấy phép khai thác quặng thiếc của Công ty TNHH Thiếc Hà An, khu vực khai thác thiếc tại phần Đông mỏ thiếc Suối Bắc, thuộc địa bàn hai xã Châu Hồng và Châu Thành. Tổng diện tích 17,12ha; trữ lượng 423.246 tấn quặng; công suất khai thác 20.000 tấn/năm; thời hạn khai thác 24 năm. Với công suất khai thác như trong giấy phép là hết sức lớn, bởi vậy cần đặt ra câu hỏi: Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường mà Công ty TNHH Thiếc Hà An thực hiện trước khi tổ chức hoạt động khai thác đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá đúng với Báo cáo đánh giá tác động môi trường mà UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định 2495/QĐ-UBND.ĐC hay chưa?

bna_một điểm luyện thiếc dưới chân núi
Một điểm tuyển thiếc dưới chân núi Lan Toong. Ảnh chụp ngày 15/10/2018.

Từ thực tế đã mục sở thị ngày 15/10 trên núi Lan Toong, khẳng định đây vẫn là điểm đen ô nhiễm môi trường, tiếp tục gây hại cho các địa phương Châu Hồng, Châu Cường, Châu Quang và thị trấn Quỳ Hợp. Vì vậy đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt hoạt động của các công ty khai thác khoáng sản, đặc biệt là với Công ty TNHH Thiếc Hà An và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên núi Lan Toong, để qua đó xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật!.

Nghệ An: “Bom bẩn” vẫn treo trên núi sau 2 năm thảm họa vỡ đập chứa bùn thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO