Nghệ An: Các địa phương, đơn vị đồng loạt triển khai phương án ứng phó bão Noru
(Baonghean.vn) - Dự báo trong những ngày tới, Nghệ An sẽ chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Noru. Các địa phương, đơn vị đang khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng, chống bão, nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
* Tại thị xã Hoàng Mai, từ chiều 24/9, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã tổ chức kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão Noru, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu an toàn, huy động 100% quân số trực phòng, chống bão.
Ngư dân xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) neo đậu tàu thuyền tránh bão. Ảnh: Trần Thanh Yên |
Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoàng Mai đã chuẩn bị sẵn sàng xuồng, phao, thuyền và các phương tiện cứu hộ, đồng thời huy động 30 chiến sỹ phối hợp với các xã, phường chủ động công tác phòng, chống bão.
Ông Lê Bá Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết, đến hết ngày 24/9, toàn bộ hơn 200 tàu thuyền của ngư dân đã cập cảng cá, neo đậu an toàn. Một số tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở Quảng Ngãi, Bình Định,... đã chủ động vào tránh trú bão an toàn tại các tỉnh.
Ban CHQS thị xã Hoàng Mai chuẩn bị công tác phòng, chống bão, cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Trần Thanh Yên |
Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai thông tin: Địa phương có hơn 700 tàu đánh cá, chính quyền đang phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân tránh trú bão an toàn; đồng thời, huy động nhân lực khơi thông cống rãnh, chủ động phòng, chống ngập lụt cho hoa màu, các đầm, hồ thủy, hải sản.
* Huyện Quỳnh Lưu hiện có 850 tàu thuyền đánh cá trên biển và hàng trăm ha rau màu, cùng với hàng trăm ha ao, hồ nuôi tôm. Đây là những vấn đề cần quan tâm trước khi bão Noru vào. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Do trùng với thời điểm ngư dân về sau đợt đánh bắt, nên phần lớn tàu thuyền đã vào bờ, chỉ còn một số ít tàu thuyền đánh bắt gần bờ, hiện các địa phương và cơ quan chức năng đang liên lạc kêu gọi về bờ.
Khi bão Noru vào, hàng trăm ha rau màu của huyện Quỳnh Lưu có nguy cơ ngập lụt. Ảnh: Việt Hùng |
"Lo nhất là hàng trăm ha rau màu ở vùng bãi ngang đang giai đoạn phát triển, nếu mưa lớn xảy ra sẽ bị ngập úng, hư hỏng. Tuy nhiên, huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân nắm bắt thông tin bão kịp thời để thu hoạch những diện tích rau có thể, nhằm giảm thiệt hại do mưa bão gây ra. Với tôm nuôi mặn lợ, bà con chủ động có những giải pháp tránh thất thoát khi hồ, đập bị ngập nước", ông Nguyễn Xuân Dinh cho hay.
* Huyện Tân Kỳ cũng đang chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm đối phó với với bão Noru. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay vẫn còn khoảng 1.000 ha lúa mùa ở các xã: Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình... chưa được thu hoạch. Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", huyện đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa trước khi bão vào.
Do những ngày qua xảy ra mưa to trên địa bàn huyện, nên hồ, đập đã cơ bản đầy nước, nếu mưa bão tiếp tục xảy ra thì sẽ có nguy cơ ngập một số tuyến đường. Trước đó, trong ngày 24/9, trên địa bàn Tân Kỳ đã có một số điểm tràn qua đường bị ngập nước, gây khó khăn cho người dân khi lưu thông.
* Trong khi đó, tại TP. Vinh, vẫn còn lượng lớn diện tích lúa hè thu – mùa chưa thu hoạch. Tại xã Hưng Hòa, đến sáng 25/9, địa phương mới chỉ thu hoạch được gần 20/144 ha lúa hè thu. Hiện xã đang chỉ đạo người dân gấp rút thu hoạch diện tích còn lại trước khi bão Noru đổ bộ. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã mở các cống thoát nước để tiêu úng kịp thời nước từ các cánh đồng ra sông Lam, phòng ngập úng trên diện rộng.
Người dân TP. Vinh thu hoạch rau trong những ngày mưa to. Ảnh: Quang An |
Theo thống kê từ Phòng Kinh tế TP. Vinh, toàn thành phố có gần 900 ha lúa hè thu, tập trung tại các xã ngoại thành như Hưng Hòa, Hưng Đông, Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Liên… đến nay mới thu hoạch được 163 ha (khoảng 18%). Nguyên nhân là do các địa phương gieo cấy muộn hơn so với các huyện khác. Đến nay, lúa cơ bản đã chín từ 70% trở lên, do đó, thành phố chỉ đạo các xã tập trung thuê máy gặt để đẩy nhanh thu hoạch số diện tích còn lại.
Đối với rau màu, các xã thường xuyên ngập úng như Hưng Đông, Nghi Ân... đang rốt ráo chỉ đạo bà con thu hoạch sớm diện tích rau còn lại. Hiện thành phố đã gieo giống được 8/150 ha rau vụ đông, những địa phương chưa làm đất, xuống giống rau vụ đông thì tạm dừng, qua đợt mưa bão này sẽ triển khai tiếp.
* Đối với huyện Nghi Lộc, với đặc thù tiến độ gieo cấy muộn hơn cũng như thường xuyên thiếu nước sản xuất, việc thu hoạch lúa hè thu thường muộn hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của huyện, cùng sự vào cuộc của chính quyền các xã, người dân, toàn huyện đã thu hoạch được 4.800/5.244 ha.
Các địa phương khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa còn lại. Ảnh: Quang An |
Hiện nay, còn hơn 400 ha chưa thu hoạch được, tập trung tại các địa phương như Quán Hành, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Trung,..., huyện Nghi Lộc chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động bà con thu hoạch sớm với những diện tích lúa đã chín trên 70%. Đối với những diện tích lúa còn non, chưa thể gặt được phải tập trung khơi thông kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi để nếu gặp mưa lớn đổ xuống thì nước cũng sẽ tiêu thoát nhanh, tránh tình trạng ngập úng.
* Tại Yên Thành, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện có mưa lớn trên diện rộng, lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru đang đổ bộ vào Biển Đông, lãnh đạo huyện và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện đã trực tiếp đi kiểm tra các công trình hồ, đập, hệ thống kênh tiêu thoát lũ ách yếu để có phương án đối phó khi có bão.
Thân đập Mã Tổ trên địa bàn xã Tân Thành phía hạ du đã xuất hiện rò rỉ nhỏ. Ảnh: Thái Dương |
Qua kiểm tra cho thấy, tại các hồ, đập như: Vệ Vừng, Xuân Nguyên, Kẻ Sặt, Đồn Húng, Nhà Trò, Quản Hài, lượng nước đã đầy hồ chứa và đã xả tràn. Tuy vậy, tại đập Mả Tổ, thông với hồ chứa Bàu Gia ở xã Tân Thành có sức chứa gần 10 triệu mét khối nước, do nhiều năm chưa được nâng cấp, hiện nay thân đập phía hạ du đã xuất hiện rò rỉ nhỏ.
Để tránh nguy cơ vỡ đập khi có mưa lớn kéo dài, huyện đã yêu cầu đơn vị chủ quản là Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An cùng với địa phương sở tại khẩn trương triển khai các phương án, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, nhằm bảo vệ công trình và an toàn cho hàng trăm hộ dân ở vùng hạ du.
Những ngày qua trời mưa to, nhiều vùng dân cư ở xã Lăng Thành (Yên Thành) đã ngập nước. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Yên Thành cũng đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 39 xã, thị trấn triển khai ngay phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt chú trọng những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, vùng ven sông, hồ, đập và các công trình thủy lợi xuống cấp, sẵn sàng các phương án đối phó, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra.
* Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cũng chủ động ứng phó với mưa lớn do cơn bão Noru đang di chuyển nhanh, cường độ mạnh vào bờ. Theo đó, đơn vị tiếp tục cử các tổ công tác xuống địa bàn các bản giáp biên kiểm tra các khu vực có nguy cơ gây ngập úng, sạt lở cao; cảnh báo người dân tránh xa các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa, lũ; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai, mưa lũ... không để bị động, bất ngờ.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn vận động người dân chủ động tránh trú bão. Ảnh: Lê Thạch |
* Lữ đoàn Vận tải thủy 873 (Cục Hậu cần, Quân khu 4) mới đây đã tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát nắm chắc tình hình phương tiện, nắm tình hình địa bàn nơi có thể xảy ra ngập lụt gây nguy hiểm cho người dân, đồng thời, xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão một cách chặt chẽ, sẵn sàng mọi phương tiện, lực lượng để ứng phó với mùa mưa bão năm nay.
Chuẩn bị trang bị, phương tiện sẵn sàng giúp nhân dân đến các nơi an toàn trong trường hợp cần thiết. Ảnh tư liệu: Lê Văn Phú |
Giao nhiệm vụ cho các đơn vị, Thượng tá Cao Xuân Hà - Lữ đoàn trưởng yêu cầu khẩn trương rà soát lại mọi công tác chuẩn bị, phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị và tại địa phương, chú trọng các khu vực 2 bên bờ sông Lam nhiều khả năng nước dâng cao. Các đơn vị thuộc Lữ đoàn sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm để khi cần thiết di dời người dân đến các nơi an toàn.
Với tinh thần tất cả vì nhân dân, đơn vị đã tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang bị nhằm duy trì và nâng cao chất lượng, sẵn sàng cơ động ngay khi có tình huống xảy ra.