Kinh tế

Nghệ An cần sớm làm đường lâm nghiệp để nâng cao giá trị rừng trồng

Văn Trường 01/07/2024 07:01

Nghệ An có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, tuy nhiên, do thiếu đường vận chuyển khiến cho giá trị gỗ bị giảm sút.

van truong 2
Người dân huyện Quỳ Châu khai thác, vận chuyển gỗ keo rất khó khăn do chưa có đường lâm nghiệp. Ảnh: Văn Trường

Trồng rừng chi phí lớn vì thiếu đường vận chuyển

Về huyện Quỳ Châu những ngày tháng 6, thấy bà con nhiều xã đang khai thác gỗ keo. Do nhiều nơi chưa có đường lâm nghiệp nên quá trình khai thác, vận chuyển keo nguyên liệu thêm tốn kém chi phí.

Ông Vi Văn Thuận ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cho biết: Mấy năm qua, keo nguyên liệu giá cả khá ổn định, 1 ha rừng sản xuất sau 5-6 năm cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng, nhưng lại phải trừ khoảng trên 30 triệu đồng chi phí khai thác và vận chuyển nên tính ra không có lãi.

Cụ thể, gia đình tôi có trên 10 ha keo cách đường lớn trên 3 km, nên phải thuê lao động bốc vác keo lên xe nhỏ, sau đó trung chuyển ra đường lớn mới chuyển được hàng lên xe vận tải đưa đi tiêu thụ. Do khó khăn về đường giao thông nên đa số người trồng rừng dễ bị người thu mua ép giá.

van truong 1
Các hộ dân ở huyện Quỳ Châu chung nhau mở đường vận chuyển keo. Ảnh: Văn Trường

Ông Lê Văn Toan - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: Xã Châu Bình có trên 3.200 ha keo nguyên liệu, hầu hết diện tích rừng keo đều ở vùng sâu, chưa có đường lâm nghiệp. Như ở bản Thung Khẳng, người dân phải chở gỗ trung chuyển từ đường vùng khai thác keo ra đường lớn trên 12 km, chi phí vận chuyển cao, tính ra trồng keo không có lãi.

Đến mùa khai thác keo, người dân đều tự chung nhau mở tạm các con đường lâm nghiệp nhỏ ngay trên các lô, khoảnh keo, đủ cho xe nhỏ từ 2-3 tấn vào. Diện tích keo của toàn xã Châu Bình là liền vùng, liền thửa, toàn xã đang cần khoảng trên 30 km đường giao thông lâm nghiệp. Bà con mong được Nhà nước đầu tư hệ thống đường lâm nghiệp, giúp bà con thuận lợi trong sản xuất, xe tải vào tận chân đồi được thì gỗ bán ra cũng cao.

Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu cho biết thêm: Huyện Quỳ Châu có trên 20.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm thu hoạch trên 4.000 ha keo. Huyện chưa có các tuyến đường lâm nghiệp để phục vụ vận chuyển keo, chủ yếu là do người dân tự mở đường tạm để ô tô loại nhỏ vào chở keo, sau khi khai thác xong họ thuê máy san gạt lại để trồng keo, vì thế, hàng năm chi phí để làm đường tạm chở keo rất tốn kém.

van truong m
Máy cày nhỏ theo đường dân tự mở vào tận đồi keo để vận chuyển nguyên liệu. Ảnh: Văn Trường

Qua tìm hiểu, huyện đang thiếu các tuyến đường lâm nghiệp nhỏ kết nối các đường trung tâm xã, với tổng chiều dài trên 250 km. Người dân huyện Quỳ Châu mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm các tuyến đường trên nhằm phát triển keo nguyên liệu theo hướng bền vững.

Tương tự, huyện Tân Kỳ cũng đang rất khó khăn về các tuyến đường lâm nghiệp. Có mặt tại cánh rừng xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, chúng tôi thấy người dân phải dùng sức người bốc vác keo thủ công lên xe vận tải rất vất vả. Ông Trần Văn Minh ở xã Nghĩa Dũng cho hay: Gia đình có 3 ha keo, cứ đến mùa làm keo là phải làm đường tạm, thuê máy móc, nhân công, mất chi phí trên 40 triệu đồng, tính ra có những mùa keo bị thua lỗ.

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ, toàn huyện có diện tích keo nguyên liệu lớn với trên 29.000 ha, nhưng hầu như các xã chưa có đường lâm nghiệp. Điều này khiến việc trồng và chăm sóc rừng gặp khó khăn trong việc vận chuyển cây giống, phân bón. Nhiều diện tích rừng đến tuổi khai thác khó bán, mà bán giá cũng thấp hơn nhiều so với các khu vực có đường giao thông thuận tiện.

Thời điểm này, chỉ mới có Công ty Nông lâm nghiệp Sông Hiếu quản lý các đơn vị lâm nghiệp ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong xây dựng được trên 100 km đường lâm nghiệp cấp phối. Hàng năm đơn vị này bỏ ra trên 200 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng sau mùa mưa bão bị hư hỏng.

Nhờ có đường lâm nghiệp nên các đơn vị lâm nghiệp nói trên trồng keo hiệu quả, từ khâu chăm sóc, bảo vệ đến vận chuyển; giá trị kinh tế từ cây keo khá cao, doanh thu đạt bình quân 220-250 triệu đồng/ha/chu kỳ trồng keo 8-10 năm.

van truong 1
Những con đường sau mưa lầy lội vào xã Châu Nga (Quỳ Châu) để chở keo. Ảnh: Văn Trường

Đường lâm nghiệp giúp nâng cao giá trị rừng trồng

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An chỉ mới có trên 220 km đường lâm nghiệp, các tuyến đường chủ yếu do đường mòn có sẵn, đường do các đơn vị lâm nghiệp làm, một số ít được cấp phối, vào mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng.

Nghệ An đang quy hoạch phương án phát triển lâm nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong đó, quy hoạch mở các tuyến đường lâm nghiệp trọng điểm khoảng trên 450 km để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tiêu chuẩn đường rộng 4,5-5 mét, rải cấp phối những đoạn phục vụ dân sinh. Những tuyến “xương cá” nối từ rừng khai thác tới đường trục chính có thể huy động xã hội hóa đầu tư. Hiện nay, một số huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn xây dựng đường nguyên liệu keo.

van truong 3
Nông dân bốc vác keo lên ô tô ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Như tuyến đường nối từ xã Lăng Thành, huyện Yên Thành đi xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu dài trên 10 km, là tuyến “huyết mạch” vận chuyển keo nguyên liệu. Nhiều năm qua, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Để tạo thuận lợi cho người dân phát triển vùng nguyên liệu keo, từ đầu năm 2024, huyện Yên Thành đã triển khai đầu tư nâng cấp tuyến đường này, với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2025, phát triển vùng keo nguyên liệu trên 10.000 ha cho các xã của huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu.

Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mới đây, ngày 24/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.

Theo đó, Điều 17 về hỗ trợ, xây dựng đường lâm nghiệp, đối tượng, điều kiện hỗ trợ là khu vực trồng rừng sản xuất có quy mô tập trung từ 500 ha trở lên. Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp tối đa 450 triệu đồng/km.

van truong 2
Huyện Tân Kỳ chưa có đường lâm nghiệp nên những đồi keo rộng lớn khi thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Trường

Đây là chính sách nhằm hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất, Nghệ An cần sớm có giải pháp để triển khai quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông lâm nghiệp. Việc mở rộng mạng lưới đường lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế rừng, làm giảm chi phí đầu tư sản xuất, khai thác, góp phần làm tăng thêm giá trị kinh tế rừng trồng cho nhân dân.

Mới nhất

x
Nghệ An cần sớm làm đường lâm nghiệp để nâng cao giá trị rừng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO