Nghệ An cần tăng cường liên kết để thúc đẩy xuất khẩu

Thu Huyền 24/02/2021 06:13

(Baonghean.vn) - Tăng cường giải pháp liên kết vùng để tăng khả năng cạnh tranh, phát triển nhóm hàng công nghiệp chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao là giải pháp mà Nghệ An cần tính đến để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.

Những thách thức

Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An đạt 1.123 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 813 triệu USD. Nhìn chung, số lượng các mặt hàng có tăng trưởng trong năm 2020 vẫn nhiều hơn số mặt hàng có kim ngạch giảm sút. Đó thực sự là một nỗ lực đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP của tỉnh.
Hàng hóa từ Nghệ An được xuất khẩu tới hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông…; các doanh nghiệp tăng thêm được 15 thị trường. Vận dụng lợi thế từ các FTA, một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh sang các nước thuộc EU và CPTPP.

Chế biến gỗ dăm xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Yên
Chế biến gỗ dăm xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Yên

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu trên 57 nhóm/mặt hàng các loại. Cơ cấu các nhóm mặt hàng cũng đã có sự thay đổi rõ nét: kim ngạch nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ 77,5%; nhóm hàng nông lâm thủy sản năm 2020 chiếm 11,44%. Hoạt động xuất khẩu năm 2020 diễn ra với sự tham gia của 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 5 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 12 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD; 24 doanh nghiệp đạt mức kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Nghệ An vẫn chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương; xuất nhập khẩu của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Quy mô hàng hóa xuất khẩu vẫn còn nhỏ, kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chưa tận dụng được nguồn nguyên liệu tiềm năng của tỉnh như sắn và tinh bột sắn, sản phẩm gỗ,... Sản phẩm xuất khẩu của Nghệ An chưa có thương hiệu, giá cả và chất lượng chưa có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp. Chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Nghệ An nói chung được xem là thấp hơn các tỉnh trong cả nước; chủng loại, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chưa thu hút được người tiêu dùng.

Biểu đồ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường 122 nước trên thế giới. Đồ họa: Thu Huyền
Biểu đồ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường 122 nước trên thế giới. Đồ họa: Lâm Tùng

Đến nay, nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa khi nước ta tham gia các FTA thế hệ mới là rất lớn bởi theo lộ trình cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ dần được cắt giảm và xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường lớn. Đặc biệt, các cơ hội tích hợp của các FTA mang lại là rất lớn, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA với EU (EVFTA) và hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội, chúng ta cũng cần nhận diện rõ các thách thức để chủ động vượt qua.

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương

Liên kết để phát triển

Để Nghệ An là một cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển, có tính bao trùm bền vững của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, đòi hỏi giải pháp bứt phá, đồng bộ. Và một trong những giải pháp cần được tính đến đó là tăng mối liên kết vùng để nâng tính cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả từ các nguồn vốn đầu tư.

Sản xuất bột đá siêu mịn phục vụ xuất khẩu tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh Thanh Lê
Sản xuất bột đá siêu mịn phục vụ xuất khẩu tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Lê

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, thì trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực cạnh tranh để kịp thời thích ứng với tình hình xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước những cơ hội và thách thức mà các FTA thế hệ mới mang lại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, Nghệ An cần xác định một số định hướng phát triển xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đó là, rà soát, xây dựng các quy hoạch, phương án thu hút dự án đầu tư phát triển nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao, có tính đến mối liên kết vùng chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hạ tầng thương mại, công nghiệp để phát huy tối đa lợi ích từ các nguồn vốn đầu tư. Quy hoạch và hạ tầng phải đi trước một bước, đóng vai trò định hướng và khuyến khích thu hút đầu tư; tăng cường hiệu quả của công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển nhằm đảm bảo tập trung khai thác tối ưu và có hiệu quả thế mạnh của tỉnh.

Xuất khẩu 50.000 tấn tôn cuộn sang Châu Âu, Châu Mỹ. Ảnh: Mạnh Hùng
Xuất khẩu 50.000 tấn tôn cuộn sang châu Âu, châu Mỹ. Ảnh: Mạnh Hùng

Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh là các tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, kinh tế - xã hội và các mặt khác còn gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp giữa các tỉnh để hình thành và phát triển các vùng kinh tế là rất quan trọng.

Do đó, một số ý kiến cho rằng Nghệ An cần phối hợp Thanh Hóa, Hà Tĩnh hình thành vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng là xây dựng vùng công nghiệp sạch, trung tâm thương mại, du lịch, tài chính và dịch vụ, là hạt nhân thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn. Cần nghiên cứu, tận dụng có hiệu quả các nguồn lực tư - nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, các dự án đầu tư trong tỉnh và liên vùng để phát triển nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, mang lại giá trị gia tăng cao. Phát triển xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như gỗ và các phẩm từ gỗ, vật liệu xây dựng, dệt may,...

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Ảnh: Thu Huyền
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Ảnh: Thu Huyền

Với quy hoạch gần 200.000 ha rừng trồng, mỗi năm Nghệ An có khả 15.000 ha, thu hoạch khoảng 500.000 m3 nguồn nguyên liệu tiềm năng để phát triển gỗ và các sản phẩm gỗ. Ngoài ra, rừng Nghệ An (khoảng trên 685.000 ha, trong đó rừng kinh tế trên 176.000 ha) còn có các loại lâm sản, song, mây, dược liệu tự nhiên phong phú để phát triển các mặt hàng xuất khẩu. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi các thị trường xuất khẩu lớn của ngành hàng gỗ, mỹ nghệ tiếp tục duy trì đà phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời thâm nhập mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng, thị trường mới.

Dệt may là mặt hàng được kỳ vọng sẽ đem lại kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực. Do đó, trong thời gian tới, Nghệ An có thể nghiên cứu, tăng cường thu hút đầu tư các nhà máy sợi, dệt, may trong tỉnh, sản xuất sợi nhân tạo gắn với khu hóa dầu ở Nghi Sơn tại vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An.

Mây tre đan xuất khẩu. Ảnh: Thanh Hải
Mây tre đan xuất khẩu. Ảnh: Thanh Hải

Với nguồn nguyên liệu tự nhiên, Nghệ An có nguồn cung dồi dào về vật liệu xây dựng như xi măng, tấm lợp, bê tông đúc sẵn,...Vật liệu xây dựng là một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển mà Nghệ An có thể nghiên cứu, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt liên quan đến sản xuất và chế biến các hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Trong bối cảnh nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc,... Nghệ An cũng cần chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, tăng cường kiểm soát nguồn cung, đảm bảo chất lượng sản phẩm và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường./.

Mới nhất

x
Nghệ An cần tăng cường liên kết để thúc đẩy xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO