Nghệ An: Cần trên 2.090 tỷ đồng để phát triển mạng lưới y tế cơ sở

08/06/2017 17:53

(Baonghean.vn) – Để thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2025, Sở Y tế Nghệ An dự toán cần trên 2.090 tỷ đồng.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án do UBND tổ chức vào chiều 8/6. Đồng chí Lê Minh Thông – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế cần phải xây dựng kế hoạch với mục tiêu cụ thể từng năm trên cơ sở bám sát tình hình thực tế từng năm, cũng như có phương án nguồn lực kèm theo. Ảnh: Thanh Sơn
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế cần phải xây dựng kế hoạch với mục tiêu cụ thể trên cơ sở bám sát tình hình thực tế từng năm. Đồng thời phải có phương án nguồn lực kèm theo. Ảnh: Thanh Sơn

Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ -TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” và các văn bản, hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế Nghệ An đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2025 và đã xin ý kiến góp ý của các ngành, đơn vị y tế

Dự thảo nêu rõ: Ở Nghệ An, tuyến huyện hiện có 12 trung tâm y tế thực hiện hai chức năng khám chữa bệnh và y tế dự phòng; 9 trung tâm y tế thực hiện chức năng y tế dự phòng; 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 2 bệnh viện đa khoa khu vực; 8 Phòng khám đa khoa khu vực. Tuyến xã hiện có 480 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thôn, xóm, bản có nhân viên y tế đạt 98%.

Phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương. Ảnh: Thanh Sơn
Phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhìn chung, mạng lưới y tế cơ sở ở Nghệ An không ngừng được củng cố; cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư. Các bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh tuyến huyện thực hiện danh mục kỹ thuật tuyến huyện đạt bình quân 48,7%. Các trạm Y tế xã thực hiện danh mục kỹ thuật đạt bình quân 33,6%. 90% số xã có bác sỹ công tác... Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 397/480 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Y tế tuyến cơ sở đã tích cực, chủ động làm tốt công tác y tế dự phòng; ngày càng đáp ứng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tại tuyến cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tuy nhiên, y tế tuyến cơ sở hiện có nhiều tồn tại, hạn chế: tổ chức bộ máy y tế cơ sở luôn thay đổi, chưa thống nhất mô hình trên toàn tỉnh, nhiều đầu mối, khó quản lý; nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định; nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh; Nhân lực làm công tác y tế dự phòng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế còn thiếu và yếu...

Kế hoạch thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg đề ra mục tiêu nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở tuyến huyện, xã và y tế thôn, bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo đúng mục tiêu, nội dung, lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kiểm tra thị lực cho người dân ở Trạm Y tế xã Diễn Vạn. Ảnh: Thanh Sơn
Kiểm tra thị lực cho người dân ở Trạm Y tế xã Diễn Vạn. Ảnh: Thanh Sơn

Dự thảo đề ra 5 giải pháp thực hiện, gồm: Củng cố hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025:

+ Thống nhất mô hình trung tâm y tế tuyến huyện 2 chức năng trên địa bàn tỉnh;

+ 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu theo đúng quy định, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã;

+ 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện;

+ 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã;

+ Phấn đấu đạt 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Tổng kinh phí dự tính thực hiện đề án là 2.090,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng là 1.225, 391 tỷ đồng, đầu tư trang thiết bị y tế là 864, 679 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, thành, thị.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số sở ngành cho ý kiến: Đề án có phạm vi hoạt động lớn, lộ trình thực hiện tương đối dài, do đó cần chia theo mốc thời gian gắn với nội dung cụ thể để khi đi vào thực hiện có tính khả thi cao, tránh việc phân khúc trùng lặp dẫn đến những xáo trộn không cần thiết trong quá trình đổi mới.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông ghi nhận các ý kiến đóng góp của các thành viên dự họp và giao cho Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát đánh giá kỹ thực trạng mạng lưới y tế cơ sở hiện nay, đảm bảo khi Đề án được ban hành, triển khai sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực y tế. Đồng chí Lê Minh Thông nhấn mạnh: Sở Y tế cần phải xây dựng kế hoạch với mục tiêu cụ thể từng năm trên cơ sở bám sát tình hình thực tế từng năm, cũng như có phương án nguồn lực kèm theo.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Cần trên 2.090 tỷ đồng để phát triển mạng lưới y tế cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO