Nghệ An: Cảnh báo tình trạng dùng 'sổ đỏ' giả để lừa đảo

Đặng Cường 15/11/2022 09:31

(Baonghean.vn) - Để ngăn chặn tình trạng làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều khuyến cáo và có các hình thức xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tình trạng làm giả "sổ đỏ" vẫn xảy ra...

Dùng "sổ đỏ" giả để lừa đảo

Ngày 8/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Lê Xuân Thế (SN 1995), trú tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, do không có tiền tiêu xài và đánh bạc, Thế nảy sinh ý định đặt làm giả các loại giấy tờ, trong đó có GCNQSDĐ, sau đó mang đi cầm cố ở tiệm cầm đồ hoặc thế chấp cho người quen nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cán bộ Công an huyện Yên Thành kiểm tra giấy tờ giả là tang vật vụ án liên quan đối tượng Lê Xuân Thế. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Nghĩ là làm, tháng 7/2022, Lê Xuân Thế sử dụng tài khoản Facebook “Thế Bình” lên mạng xã hội tìm và kết nối với ý đồ làm giả GCNQSDĐ. Sau khi thống nhất giá cả, sau 5 ngày “đặt hàng”, Thế nhận được GCNQSDĐ giả bèn đưa giấy tờ này thế chấp cho người quen là anh L.Đ.B. (SN 1975), trú tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành với số tiền 200 triệu đồng. Đến tháng 8/2022, với thủ đoạn như trên, sau khi nhận GCNQSDĐ giả đặt qua mạng, Thế đưa giấy tờ này liên hệ với một người dân trên địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành để thế chấp vay 300 triệu đồng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Hành vi của Thế không qua mắt được lực lượng chức năng, vào 17h ngày 2/11/2022, Ban chuyên án của Công an huyện Yên Thành đã bắt giữ đối tượng Lê Xuân Thế về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại cơ quan Công an, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Lê Xuân Thế đã cúi đầu nhận tội.

Trước đó, ngày 11/5/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Âu Thị Thanh Hằng (SN 1996), trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh, về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thu và tạm giữ 2 GCNQSDĐ mang tên Âu Thị Thanh Hằng (được Hằng làm giả), 1 hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng đất, 1 xe ô tô Mercedes và nhiều giấy tờ liên quan tới hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tang vật vụ án liên quan đối tượng Âu Thị Thanh Hằng. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Tại cơ quan công an, bước đầu Hằng khai nhận, do thấy trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đất đang “sốt”, nhiều người dân đầu tư và kinh doanh bất động sản nên Hằng đã tự tạo cho mình “vỏ bọc” là một doanh nhân bất động sản thành đạt để kêu gọi chung vốn từ các nhà đầu tư. Để tạo niềm tin và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn, Hằng đã tự làm hợp đồng đặt cọc mua bán đất, làm giả GCNQSDĐ rồi chuyển cho những người bỏ vốn đầu tư đất với mình.

Với thủ đoạn như trên, bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 1/2022 đến nay, Âu Thị Thanh Hằng đã sử dụng 2 GCNQSDĐ làm giả để lừa đảo chị P.T.M.H. (SN 1991), trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Nêu cao cảnh giác

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc liên quan đến hành vi làm giả GCNQSDĐ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế trên bắt nguồn từ việc không khó để tìm địa chỉ làm giấy tờ giả, bởi hiện nay nhiều trang facebook, zalo… công khai nhận “làm sổ hồng”, “làm sổ đỏ” với cam kết giống đến 100% so với bản thật. Theo ông Lê Tuấn Anh - công chứng viên Văn phòng Công chứng Vinh: “Hiện nay, giấy tờ giả xuất hiện nhiều và tại các văn phòng công chứng cũng đã phát hiện được không ít trường hợp. Nhất là GCNQSDĐ, nếu công chứng viên ít có kinh nghiệm sẽ khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả bởi việc làm giả hiện rất tinh vi”.

Công an huyện Yên Thành làm việc với đối tượng Lê Xuân Thế. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Về vấn đề này, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vinh (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An) cũng đã từng cảnh báo khi liên tục xuất hiện tình trạng làm giả GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở để thực hiện các giao dịch bất động sản nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vinh khuyến cáo người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nên tìm hiểu một số thông tin liên quan đến thửa đất, nhà ở chuyển nhượng. Đó là, GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở có hợp pháp hay không (có bị làm giả hoặc có quyết định hủy bỏ hay không). Vị trí, kích thước, diện tích hiện trạng của thửa đất có đúng với giấy chứng nhận hay không. Tình trạng tranh chấp tại thửa đất; thửa đất có phần diện tích nào (hoặc toàn bộ) đã bị thu hồi hay chưa, có thay đổi về quy hoạch liên quan đến thửa đất hay không. Người nhận chuyển nhượng có thể liên hệ trực tiếp UBND phường, xã nơi có đất hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vinh để được cung cấp thông tin.

Có thể thấy, hiện nay việc cầm cố tài sản, chung vốn đầu tư bất động sản, cũng như tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là tại TP Vinh và các địa phương ven biển, vùng ven TP Vinh như ở huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ đang diễn ra nhiều. Trong đó, những người cầm cố tài sản, chung vốn đầu tư bất động sản, nhận chuyển nhượng… không tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở… Đó chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để làm giả GCNQSDĐ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Âu Thị Thanh Hằng. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Bởi vậy, trước sự bùng nổ về công nghệ làm giả giấy tờ, cùng với sự phát triển của internet, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác. Không giao dịch đất đai qua các trang mạng xã hội, cần xem xét thật kỹ các loại giấy tờ liên quan đến tài sản trước khi quyết định giao dịch. Tốt nhất khi thực hiện các giao dịch nên đến văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai huyện, thành phố để kiểm tra về độ chính xác của GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất.

Đồng thời, để phòng tránh tội phạm làm giả GCNQSDĐ chiếm đoạt tài sản, cán bộ địa chính hoặc những người có liên quan cần tạo điều kiện, nhanh chóng xử lý khi người dân có yêu cầu tìm hiểu thông tin liên quan đến đất đai, nhà ở. Các tổ chức hành nghề công chứng, UBND các xã, phường cần kiểm tra chặt chẽ tính pháp lý của GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở mà người dân cung cấp, qua đó phát hiện sớm các trường hợp làm giả để phối hợp lực lượng chức năng xử lý kịp thời./.

Mới nhất

x
Nghệ An: Cảnh báo tình trạng dùng 'sổ đỏ' giả để lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO