Nghệ An: Chăn nuôi VietGAP chiếm ưu thế

Xuân Hoàng 24/01/2018 10:03

(Baonghean) - Thị trường thực phẩm từ chăn nuôi phục vụ Tết Nguyên đán năm nay trên địa bàn tỉnh được đánh giá đa dạng, dồi dào theo hướng sạch, an toàn. Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi hiện đã “kín” đơn đặt hàng.

Nuôi lợn rừng, “bưng” hàng trăm triệu đồng
Nhờ có quỹ đất đồi rộng hơn 30 ha liền kề, gia đình Bùi Hoàng Ngân, xóm 2, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ đầu tư chăn nuôi lợn rừng từ 10 năm nay. Hiện nay, gia đình tập trung chăm sóc hơn 100 con lợn rừng, trong đó 50 con lợn thịt, phục vụ thị trường Tết. Ông Ngân cho biết, với vùng đất đồi rộng, ông đầu tư trồng keo. Khi rừng keo phát triển tốt, ông tận dụng nuôi thả gà, lợn dưới tán rừng để “lấy ngắn nuôi dài”. Do tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cùng với nguồn thức ăn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp nên nguồn thực phẩm bảo đảm sạch. Với cách nuôi ban ngày thả đồi, ban đêm nhốt chuồng, nên gà, lợn chắc thịt, thơm ngon, chất lượng tốt.

Ông Ngân phấn khởi cho biết thêm: Với 50 con lợn giống, sinh sản quanh năm, được bao nhiêu nuôi bấy nhiêu, không phải mua lợn giống ngoài nên chất lượng thịt luôn đảm bảo. Do vậy, lợn rừng của ông nuôi bán với giá 150 nghìn đồng/kg (lợn hơi), khách đặt hàng liên tục trong năm. Riêng 50 con lợn dành để bán vào dịp Tết, hiện khách hàng đã đặt hết. Tính trung bình mỗi con có trọng lượng 15 kg thì tết này gia đình ông Ngân có khoản thu trên 100 triệu đồng, chưa kể tiền bán gà, ngan.

Lợn rừng của ông Bùi Văn Ngân ở xã Hương Sơn (Tân Kỳ) hiện đã có nhiều khách hàng đặt mua sử dụng trong dịp Tết. Ảnh: Xuân Hoàng
Lợn rừng của ông Bùi Văn Ngân ở xã Hương Sơn (Tân Kỳ) hiện đã có nhiều khách hàng đặt mua sử dụng trong dịp Tết. Ảnh: Xuân Hoàng
Ở Tân Kỳ có các đặc sản gà thả đồi, lợn rừng do người dân đầu tư nuôi trên các triền đồi, được khách hàng ưa chuộng. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, hiện trên địa bàn có 12 hộ đầu tư nuôi lợn rừng hàng hóa, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng tấn lợn thịt. Riêng dịp Tết này, dự kiến các gia trại, trang trại chăn nuôi lợn rừng ở Tân Kỳ cung cấp cho thị trường khoảng 2 - 3 tấn lợn rừng. Còn ở các huyện miền núi: Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Thanh Chương... cũng có hàng trăm hộ đầu tư nuôi lợn rừng hàng hóa, xuất bán trong dịp Tết. Lợn rừng chủ yếu được nuôi thả rông, cho ăn ngô, khoai sắn, măng, chuối... nên chất lượng thịt thơm ngon. Trọng lượng lợn khi xuất chuồng từ 10 - 40 kg/con được người tiêu dùng ưa chọn làm thực phẩm để chế biến món ăn trong ngày Tết.
Gà VietGAP tăng đàn
Khoảng 3 - 4 tháng nay, nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi, phục vụ thị trường Tết. Tại HTX Chăn nuôi VietGAP xã Diễn Trung (Diễn Châu) các cơ sở chăn nuôi gà thịt quy mô lớn đều tăng đàn để phục vụ thị trường dịp cuối năm. Anh Cao Văn Thành ở xóm 2a, xã Diễn Trung - chủ trang trại gà quy mô 4.600 con/lứa cho biết: Nắm bắt nhu cầu Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ gà sẽ tăng mạnh, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư với số lượng lớn hơn dự định và kỳ vọng tiêu thụ loại gà giống lai cỏ này sẽ thuận lợi dịp cuối năm... Hiện đàn gà của anh đã đạt trọng lượng trên 1,2 kg/con, dự kiến đến sát Tết, trọng lượng sẽ đạt trên 1,5 kg/con, phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Hiện HTX Chăn nuôi VietGAP xã Diễn Trung có 187 hộ chăn nuôi gà, trong đó có 142 hộ được công nhận nuôi theo quy trình VietGAP. Ông Đậu Ngọc Hòa - Giám đốc HTX cho biết: Dịp Tết, HTX dự kiến bán ra thị trường 66 nghìn con gà thịt, tương đương khoảng 100 tấn gà thịt. Hiện các xã viên đang tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt để đảm bảo nguồn hàng đạt chất lượng cung ứng cho thị trường.

Trang trại gà quy mô 4.600 con của anh Cao Văn Thành, xóm 2a, xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng
Trang trại gà quy mô 4.600 con của anh Cao Văn Thành, xóm 2a, xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng
Ở các huyện, nhiều trang trại gà chủ yếu nuôi giống đặc sản như: Gà lai chọi, gà ri, gà cỏ, vịt trời... theo hình thức thả vườn, chất lượng thịt bảo đảm an toàn, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Hiện, tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt. Ngoài tiêm phòng đúng định kỳ, người chăn nuôi còn thường xuyên phun hóa chất khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại... Các hộ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa cũng đang tích cực vỗ béo đàn để phục vụ thị trường Tết, đặc biệt là bò của đồng bào Mông vùng Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong cho giá trị kinh tế cao. Cùng đó, nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo nguồn hàng phục vụ Tết. Ông Lê Khánh, cán bộ khuyến nông xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 30 ha tôm vụ 3, trong đó có gần 20ha tôm được nuôi theo VietGAP. Đến Tết Nguyên đán bà con sẽ thu hoạch, dự kiến trọng lượng đạt 50 con/kg. Đặc thù của tôm vụ đông là khó nuôi, thời gian nuôi kéo dài, nên ít hộ đầu tư, do vậy dự tính giá bán sẽ cao.
Diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu đã gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi trong năm 2017. Do vậy, dịp Tết Nguyên đán là kỳ vọng của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao vào dịp Tết, thì việc chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng đảm bảo chất lượng sẽ là cơ hội tốt khẳng định “vị thế” cho hoạt động chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Mới nhất
x
Nghệ An: Chăn nuôi VietGAP chiếm ưu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO