Nghệ An: Chật vật tìm kiếm tàu xe sau Tết

Văn Trường - Quang An 29/01/2020 10:17

(Baonghean.vn) - Sau Tết, do nhu cầu của hành khách lớn, phương tiện vận chuyển có hạn nên nhiều nhà xe tăng giá vé một cách đột biến, đặc biệt vé xe khách ngoài luồng chạy tuyến ngoại tỉnh, tăng giá gấp đôi so với ngày thường.

Mùng 4 Tết, người dân xã Diễn Kỷ, Diễn Châu đợi bắt xe ra Hà Nội. Ảnh: Hải An

Ngay từ ngày mồng 4 Tết, hành khách đã tụ tập tại các ngã ba, ngã tư, các cây xăng, quán cơm ven Quốc lộ 1A đoạn qua các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu để bắt xe. Tại ngã 3 Cầu Bùng, Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, chị Trần Thị Liên ngồi bắt xe cùng đống đồ đạc than: Đã chờ hơn 2 tiếng đồng hồ mà chưa bắt được xe, cứ thấy xe treo biển Bắc - Nam chạy gần đến, chị lại chạy ra đón nhưng xe không dừng do đã đầy khách.

Chị Nguyễn Thị Minh ở Nam Thành, Yên Thành làm công nhân may ở miền Nam cho biết thêm: Sau Tết chúng tôi phải mua vé xe với giá đắt đỏ tăng gần gấp 3 ngày thường. Cụ thể giá vé tuyến Yên Thành đi TP Hồ Chí Minh ngày bình thường từ 600.000 đồng/vé, nay giá từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/vé. Biết vậy, nhưng vẫn chấp nhận để kịp thời gian làm việc.

Mặc dù giá vé tăng hơn gấp đôi so với ngày thường, tuy nhiên, qua khảo sát tại địa bàn ở huyện Yên Thành vẫn xảy ra tình trạng "cháy vé", xe khách không đáp ứng được nhu cầu đi lại của khách hàng.

Một số người dân ở Hòa Sơn, Đô Lương phản ánh. Ngày thường xe khách từ Yên Thành vào Đà Nẵng 200.000 đồng/vé, nhưng ngày mồng 4-5 Tết phải mua vé 400.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi lên xe, nhà xe xếp chỗ nằm chật chội khiến hành khách rất bức xúc.

Sau Tết người dân chen chúc nhau bắt xe trở về nơi công tác. (Ảnh chụp tại xã Hợp Thành, Yên Thành). Ảnh: Hải An

Tìm hiểu một số nhà xe cho thấy, xe khách ngoài luồng sau Tết Nguyên đán hầu hết tự tăng giá vé rất cao. Như tại các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Con Cuông… giá vé xe giường nằm bình thường đi Hà Nội 150.000 đồng/vé, từ mồng 2 tết tăng lên 250.000 đồng/vé. Lý giải cho việc tăng giá, một số nhà xe cho biết, là phụ thu cho chiều chạy về xe hầu như không có khách.

Bên cạnh đó, thay vì phải chấp nhận nhồi nhét và giá vé cắt cổ, nhiều người đã chọn giải pháp mạo hiểm là đi xe máy từ quê ra thành phố lớn, như một số sinh viên đi xe máy từ Nghệ An ra Hà Nội. Hầu hết hành khách lựa chọn cách này đều có cung đường di chuyển không quá dài, thường từ 400km trở lại.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: Sở giao thông vận tải đã thành lập đoàn công tác, qua kiểm tra trực tiếp tại bến xe Bắc Vinh, bến xe phía Đông và bến xe miền Trung cho thấy các bến đã thực hiện niêm yết giá vé, số xe, đường dây nóng.

Theo quy định, các nhà xe tự kê khai, xây dựng giá vé rồi trình ngành thẩm quyền duyệt tăng giá trong mức cho phép. Nếu các nhà xe không kê khai là sai quy định. Trong quá trình hoạt động, lực lượng công an, thanh tra giao thông kiểm tra nếu phát hiện nhà xe tăng giá quá mức cho phép, sẽ xử lý theo quy định. Sau Tết, ngành giao thông tăng cường thêm 150 đầu xe để đáp ứng nhu cầu xe sau Tết cho nhân dân.

Người dân chờ xe trên tuyến đường tránh Vinh. Ảnh: Q. A

Đối với ngành đường sắt, các ngày cao điểm từ mồng 4, 5, 6 Tết, vé đi Vinh - TP Hồ Chí Minh đã hết giường nằm chỉ còn vé ghế phụ. Tuyến Vinh - Hà Nội phải tăng thêm 6 đoàn tàu, tuyến Vinh –TPHCM tăng thêm 12 đoàn tàu. Dịp ra tết mỗi ngày ga Vinh xuất bán từ 5.000 - 6.000 vé, tăng gấp 3 lần so với các ngày bình thường. Về giá vé, trong giai đoạn cao điểm trước và sau Tết, giá vé tàu trong dịp Tết tăng khoảng 5 -10% so với giá vé Tết năm trước.

Người dân mua vé tàu sau Tết tại ga Vinh. Ảnh: Quang An.

Trước tình trạng vé xe dịp trước, trong và sau Tết tăng đột biến, người dân đề nghị các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét hành khách để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Mới nhất

x
Nghệ An: Chật vật tìm kiếm tàu xe sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO