Nghệ An:Chỉ 400 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn
(Baonghean.vn)- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Tử Phương cho biết, toàn tỉnh chỉ có 400 trong tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá hoạt động năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh vào sáng 2/3. Hội nghị do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại chủ trì.
Năm 2016, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã quán triệt, triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, Tỉnh ủy về thực hiện QCDC ở cơ sở; các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị tiếp tục có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh xây dựng 76 điểm sáng về thực hiện QCDC ở cơ sở.
Đến nay, 459/480 cấp xã, phường, thị trấn, 25/25 sở, ngành cấp tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”, một số sở, ngành và 13/21 huyện, thành thị đã triển khai thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính. Toàn tỉnh có 480/480 xã, phường, thị trấn có ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng và 100% số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đều thành lập ban thực hiện QCDC ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Lê. |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá việc triển khai các loại hình dân chủ cơ sở ở trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các phường, xã, thị trấn.
Liên quan đến các mô hình hoạt động quy chế dân chủ ở loại hình doanh nghiệp, Chủ tịch MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Huy cho rằng vẫn còn nhiều bất cập cần phải chấn chỉnh. Nhất là ban thanh tra nhân dân ở các doanh nghiệp không hoạt động, hoặc các nội dung hoạt động còn hình thức.
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Tử Phương đánh giá: Loại hình thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Nghệ An có trên 10.000 doanh nghiệp chỉ có 400 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà BCĐ tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở đã đạt được trong năm 2016.
Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần quan tâm làm tốt việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong cả 3 loại hình, trong đó cần tập trung đẩy mạnh làm tốt hơn việc thực hiện trong các doanh nghiệp; nắm bắt tình hình sâu sát đưa ra giải pháp làm chuyển biến các chủ doanh nghiệp, phát huy vai trò dân chủ trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế chính sách; tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân; quan tâm củng cố hệ thống cơ sở, phát huy vai trò đoàn thể chính trị ở cơ sở trong thực hiện quy chế DCCS ở cơ sở.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh tư liệu minh họa. |
Đồng chí Lê Xuân Đại yêu cầu, các thành viên Ban chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở; phát huy vai trò của báo chí trong công tác phản biện xã hội; làm tốt vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện giám sát phản biện xã hội của MTTQ; đưa việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết TW 4 (Khóa XII).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc trong khối doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân còn nhiều bất cập, hạn chế. Người lao động được bàn, được nghe, được giám sát quyền lợi của mình còn hạn chế; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động còn nhiều; từ đó đòi hỏi phải quan tâm phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Thanh Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|