Nghệ An chỉ có 618 website thương mại điện tử đăng ký hoạt động
(Baonghean.vn) - Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có hơn 2.000 website hoạt động dưới dạng thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có 618 website TMĐT đã đăng ký hoạt động. Con số này khá khiêm tốn so với lượng website TMĐT mà các cá nhân, tổ chức, DN đang quản lý và so với hơn 10.000 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 tên miền đang hoạt động, trong đó có hơn 2.000 website hoạt động dưới dạng TMĐT và có 618 website TMĐT đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Nhằm thúc đẩy phương thức kinh doanh TMĐT, Sở Công Thương đã xây dựng sàn giao dịch TMĐT Nghệ An, có địa chỉ truy cập 37nghean.com.
Đến nay, đã có 426 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng, thu hút trên 6,8 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.350 các sản phẩm và dịch vụ; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Nghệ An. |
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam hàng năm của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (EBI index), Nghệ An là một trong những tỉnh được xếp hạng ở mức khá cả nước. Cụ thể: Năm 2014 đứng thứ 9, năm 2015 đứng thứ 14 tỉnh thành trong cả nước, năm 2016 đứng thứ 17/63 tỉnh thành được khảo sát, năm 2017 đứng thứ 16 cả nước.
Tuy nhiên, TMĐT mới chỉ tập trung phát triển mạnh ở khu vực thành phố, thị xã; còn địa bàn nông thôn, miền núi mức độ hiểu biết và ứng dụng vẫn còn nhiều hạn chế.
Số lượng website dưới dạng TMĐT và website TMĐT đã được đăng ký hoạt động còn khá khiêm tốn so với lượng website TMĐT mà các cá nhân, tổ chức, DN đang quản lý và hơn 10.000 DN đang hoạt động trên địa bàn.
Lý giải về những rào cản trong khi tiềm năng phát triển TMĐT ở Nghệ An còn rất lớn, ông Hoàng Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Sở Công Thương, Phó Ban TMĐT tỉnh cho biết: Nhiều doanh nghiệp Nghệ An về TMĐT chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích và quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; chưa đầu tư, nâng cấp website, làm mới thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến với khách hàng và người tiêu dùng.
Nguồn nhân lực hoạt động TMĐT tại các doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế. Chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực về TMĐT trên địa bàn cung cấp cho các doanh nghiệp. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển TMĐT ở địa phương còn hạn chế.
Vẫn tồn tại nhiều trang website hoạt động không đúng quy định của trang TMĐT và tội phạm công nghệ cao ngày càng có hoạt động tinh vi. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức kiểm tra và xử lý 13 doanh nghiệp vi phạm về pháp luật TMĐT, thu phạt 270 triệu đồng. Tình trạng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã tác động tiêu cực đến quá trình phát triển TMĐT.
Mặt khác, kinh doanh theo phương thức truyền thống vẫn là thói quen không dễ thay đổi của DN và người tiêu dùng.
Website thương mại điện tử được một số DN sử dụng hiệu quả để quảng bá, tư vấn, giao dịch với khách hàng làm tăng hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Đinh Nguyệt |
Định hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, góp phần đưa TMĐT trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, ngành Công Thương đề ra các giải pháp: Tăng cường xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT cho doanh nghiệp, HTX, sinh viên.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch TMĐT Nghệ An: 37nghean.com; Nâng cao năng lực quản lý trong hoạt động TMĐT bằng hình thức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý TMĐT có chuyên môn, nghiệp vụ và pháp luật về TMĐT; Từng bước triển khai xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT từng ngành, từng địa phương phù hợp; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TMĐT nhằm tạo môi trường thương mại điện tử tin cậy, an toàn cho người dân và doanh nghiệp./.