Nghệ An chỉ có hơn 1.200 con lợn được tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi

Q.A 31/12/2023 14:05

(Baonghean.vn) - Mặc dù tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh lớn, với trên 1 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi lại đang ở mức rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát và lây lan trong thời gian qua. 

Dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát trên địa bàn Nghệ An. Nhiều địa phương xuất hiện ổ dịch, số lượng lợn nhiễm bệnh và tiêu huỷ lớn. Việc tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được xem là giải pháp căn cơ để ngăn chặn dịch bệnh, tuy nhiên đến nay, tỷ lệ tiêm phòng dịch đạt ở mức rất thấp.

bna-nguoi-dan-nuoi-lon-lo-lang-vi-gia-lon-giam-dau-ra-e-am-6738.jpg
Nghệ An hiện có trên 1 triệu con lợn. Ảnh: Q.A

Cụ thể, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có trên 1 triệu con lợn, tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2023, mới chỉ tiêm phòng được 1.258 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi cho 1.258 con lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên tại 4 huyện: Yên Thành 488 con, Quế Phong 600 con, Quỳ Châu 150 con, và Hưng Nguyên 20 con. Hiện nay, theo đánh giá, đàn lợn sau khi tiêm vắc-xin đang sinh trưởng và phát triển bình thường.

Tuy nhiên, tại những huyện đang có dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp như Anh Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu… thì lợn vẫn chưa được tiêm vắc-xin này.

Sở dĩ tỷ lệ tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đạt thấp là do loại vắc-xin này chỉ tiêm cho những con lợn thịt đủ kiều kiện. Cụ thể, vắc-xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y NAVETCO là lợn thịt từ 8 - 10 tuần tuổi; các loại vắc-xin này không tiêm cho lợn nái và lợn đực giống.

Đối với các trang trại lớn muốn tiêm vắc-xin phải đảm bảo các điều kiện như chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, lứa tuổi phù hợp với từng loại vắc-xin, có đàn lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm...

Ngoài ra, giá vắc-xin dịch tả lợn châu Phi hiện nay là hơn 60.000 đồng/liều, người dân muốn tiêm cho vật nuôi sẽ phải tự bỏ kinh phí, đây được cho là mức giá khá cao đối với người chăn nuôi.

Bà Phan Thị Thanh ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu cho biết: Gia đình tôi có đàn lợn thịt 11 con, nếu tiêm đủ cả đàn thì sẽ tốn trên 600.000 đồng. Đây là chi phí khá cao đối với những hộ thuần nông như chúng tôi…

Thực tế cho thấy, đối với những hộ chăn nuôi có tổng đàn dưới 10 con thì vẫn chấp nhận bỏ kinh phí để tiêm phòng cho vật nuôi. Đối với những hộ chăn nuôi số lượng lớn như các gia trại, trang trại, số lượng lên đến hàng trăm con thì việc bỏ ra số tiền lớn để tiêm phòng khiến nhiều chủ hộ phải cân nhắc, tính toán kỹ.

bna-tpvinh-da-tieu-huy-tren-67-tan-lon-chi-sau-chua-day-1-thang-tai-dich-quang-an-7313.jpg
Nghệ An hiện đã tiêu huỷ trên 8.000 con lợn dịch trong năm 2023. Ảnh: Q.A

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 7296/UBND-NN về việc "tăng cường phòng chống dịch bệnh và sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi".

Theo đó, các địa phương căn cứ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn, xem xét, quyết định sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi để phòng chống dịch tại địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp và tình hình sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi để nhân dân được biết.

Lựa chọn, thống kê các trang trại chăn nuôi có nhu cầu tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đáp ứng đủ các điều kiện, tổng hợp danh sách gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để khâu nối với các công ty cung ứng vắc-xin kịp thời.

Lưu ý trong quá trình triển khai tiêm phòng vắc-xin, có thể các đàn lợn đã nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi thực địa và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Khi đàn lợn được tiêm vắc-xin, rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định.

Báo cáo kết quả sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (nếu có), cũng như kịp thời có văn bản phản ánh đầy đủ, chính xác khó khăn, vướng mắc đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp xử lý.

Tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở, đảm bảo phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra khi sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu đánh giá sau khi tiêm phòng vắc-xin.

Mới nhất
x
Nghệ An chỉ có hơn 1.200 con lợn được tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO