Nghệ An chỉ đạo tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
(Baonghean.vn) - Thế giới công nghệ ngày càng phát triển, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ, là thế giới tri thức không biên giới và đem lại nhiều mặt tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường mạng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em.
Bất lực khi con cái “lạm dụng” mạng xã hội
Nhiều tháng nay, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hằng (38 tuổi, trú TP Vinh), phải làm đủ mọi cách để ngăn cậu con trai đang học lớp 8 vào mạng xã hội. “Mình tịch thu điện thoại thì nó mở máy tính. Khóa máy tính ở nhà thì nó lại tìm đến nhà bạn. Làm đủ mọi cách ngăn cấm mà vẫn không được”, chị Hằng thở dài.
Con trai chị Hằng từng là học sinh giỏi nhiều năm liền. 2 năm trước, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhà trường phải học online. Vợ chồng chị cũng mua cho con trai Smartphone để lên mạng học tập. Nhưng từ đó, thế giới ảo bắt đầu lôi cuốn đứa trẻ đang tuổi thích khám phá. “Từ đó nó cứ suốt ngày dán mắt vào điện thoại. Từ học sinh giỏi, kết quả học tập dần sa sút nghiêm trọng”, chị Hằng nói. Không chỉ ảnh hưởng thành tích học tập, điều khiến vợ chồng chị Hằng lo lắng nhất là cậu con trai thường xuyên lên mạng xã hội xem các “giang hồ mạng” livestream, những trang mạng khoe cơ thể, rồi học theo những câu nói tục tĩu…
Lo lắng của vợ chồng chị Hằng cũng là thực trạng chung của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Theo kết quả khảo sát suốt 3 tháng của Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số đó có 87% sử dụng hằng ngày. Trung bình trẻ em dành 5-7 tiếng mỗi ngày để lên mạng. Tuy nhiên, chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về việc đảm bảo an toàn trên mạng.
Học sinh học online trong giai đoạn dịch Covid-19. Ảnh: M.H |
Công nghệ ngày càng phát triển, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ, là thế giới tri thức không biên giới và đem lại nhiều mặt tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường mạng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em, như tiếp cận thông tin giả, truy cập nội dung xấu độc, bị xâm hại trên mạng, nghiện sử dụng mạng xã hội… Hay khiến nhiều trẻ em mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone. Rồi việc trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm trên môi trường mạng. Trẻ em cũng bị tiết lộ những bí mật đời sống riêng tư trên mạng.
Đặc biệt, tại các huyện miền núi Nghệ An, những năm gần đây, mạng xã hội chính là công cụ cho những kẻ buôn người tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân. Phần lớn trong số đó là những đứa trẻ người dân tộc thiểu số. Đã có không ít đứa trẻ bị lừa bán qua Trung Quốc, lừa vào làm việc nặng nhọc tại những bãi vàng ở Quảng Nam thông qua mạng xã hội.
Ngoài ra, sự bùng nổ của công nghệ số cũng gia tăng nạn xâm hại tình dục, bóc lột tình dục thương mại trẻ em. Trẻ em bị dụ dỗ, ép buộc tham gia phô bày cơ thể và “biểu diễn” tình dục qua mạng. Hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em được bán cho bên thứ ba.
Trong khi đó hiểu biết về môi trường mạng của người dân nói chung vẫn còn hạn chế. Trường học chỉ dạy kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, không dạy các em kiến thức tự bảo vệ bản thân trong môi trường mạng. Trẻ em phần lớn tự học hoặc học hỏi bạn bè cách sử dụng mạng. Còn các bậc phụ huynh, nhiều người không am hiểu công nghệ thông tin, gần như bất lực trước tình trạng con cái sử dụng mạng Internet.
Tập trung trang bị kiến thức cho trẻ
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”. Kế hoạch này nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Mục tiêu của kế hoạch này là để bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ và cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, gồm: sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
2 thiếu nữ mới 15 tuổi ở Kỳ Sơn được giải cứu sau khi bị lừa vào bãi vàng Quảng Nam làm việc thông qua mạng xã hội. Ảnh: Tiến Hùng |
Đồng thời, thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng. Góp phần hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.
Tỉnh Nghệ An cũng đưa ra mục tiêu cụ thể là 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Nghệ An sẽ tăng cường hiển thị trên kênh truyền hình của tỉnh (NTV), qua hệ thống thông tin cơ sở số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và số điện thoại 1800.599.963 của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An. Đây là kênh tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại trẻ em. Đồng thời truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, kỹ năng bảo vệ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Ngoài ra, sẽ lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Phấn đấu trong mỗi năm học, ở tất cả các cấp học, bố trí ít nhất 1 buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, giáo viên các trường học thực hiện công tác tuyên truyền về công nghệ thông tin và truyền thông, mạng Internet và mạng xã hội.
Nghệ An cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số phát triển các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử; cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành địa phương. Trong đó, Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ triển khai các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em liên quan đến môi trường mạng.