Nghệ An: Chi mua tài sản công năm 2016 chiếm 1,36% chi thường xuyên
(Baonghean.vn) - Chi mua sắm tài sản nhà nước năm 2016 của tỉnh Nghệ An là 357,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,36% chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Đó là thông tin từ cuộc họp sáng 20/11 của UBND tỉnh để nghe và cho ý kiến về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 3164/QĐ-UBND về ngày 30/6/2016 về việc công bố danh mục mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham cuộc họp có các sở ngành liên quan: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Kho bạc Nhà nước; đại diện một số huyện, thành phố, thị xã và một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng |
Thực hiện Quyết định số 58/2015 của thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3164/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngày 30/6/2016 về danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo đó tài sản mua sắm tập trung gồn 16 mặt hàng: xe ô tô chuyên dùng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy in, máy poto copy, máy điều hòa nhiệt độ, máy chiếu, máy fax, máy scan, máy hủy tài liệu, bàn ghế làm việc, bàn ghế hội trường, bàn ghế giáo viên, học sinh, tủ tài liệu, thiết bị y tế.
Theo tính toán của Sở Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15% tổng giá trị mua sắm.
Cụ thể, chi mua sắm tài sản nhà nước năm 2016 của tỉnh là 357,3 tỷ đồng chiếm khoảng 1,36% chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Nếu triển khai mua sắm toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách 53,5 tỷ đồng/năm, bởi mua sắm với số lượng lớn thì giá mua sẽ giảm. Hơn nữa, mua sắm tập trung còn giảm được đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu và giảm đầu mối thực hiện.
Hiện nay có khoảng hàng trăm đơn vị đầu mối cùng tiến hành các thủ tục về đấu thầu mua sắm những loại tài sản như nhau, nhưng khi thực hiện mua sắm tập trung chỉ thực hiện một, hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết một số khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Đó là một số tài sản có giá trị nhỏ, khối lượng mua không nhiều nhưng vẫn phải thực hiện mua sắm tập trung như: máy fax, máy scan, máy hủy tài liệu nên ảnh hưởng đến tính chủ động, kịp thời cho đơn vị.
Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh giá trị mua sắm từ 50 triệu đồng đã quy định tại Quyết định 3164 cho phù hợp, vì các thiết bị y tế thường có giá lớn hơn nhiều so với các hàng hóa thông thường khác.
Đối với thiết bị y tế bị hư hỏng đột xuất cần phải thay thế ngay để kịp thời khám và chữa bệnh bằng nguồn kinh phí đột xuất, quỹ phát triển sự nghiệp hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị thì đề nghị được UBND tỉnh cho phép được mua sắm trực tiếp, không phải mua sắm tập trung.
Tại các bệnh viện, việc nâng cao giá trị mua sắm thiết bị tập trung là rất cần thiết. Ảnh tư liệu |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại khẳng định thực hiện mua sắm tập trung là một phương thức mới, phù hợp và tiết kiệm được chi phí; tuy nhiên quá trình triển khai cũng đang phải gặp những khó khăn, vướng mắc, một số điểm quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Vì thế, đề nghị những năm tiếp theo, việc mua sắm tài sản tập trung phải đảm bảo đúng quy định, đồng thời phải kịp thời để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại đề nghị Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số quy định cho phù hợp thay thế Quyết định 3164.
Xuân Hoàng