Nghệ An: Cho ý kiến về mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
(Baonghean.vn) - Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung và mức chi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, các thành viên dự họp thống nhất cao và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ngày 5/10, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các dự thảo Nghị quyết để trình kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh sắp tới.
Tham dự có các đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Lê |
Mở đầu phiên họp, Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung và mức chi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã); các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh và cấp cơ sở; các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thống nhất nội dung, đối tượng, mức chi cụ thể để thực hiện nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT – BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến dự thảo các Nghị quyết. Ảnh: Thanh Lê |
Theo đó, nội dung và mức chi cụ thể như sau:
(1) Chi nghiên cứu, thảo luận, đánh giá và lựa chọn sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa quy định tại Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo và văn bản của tỉnh cho giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông: 60.000 đồng/người/buổi/môn. Thời gian không quá 6 buổi.
(2) Chi tổ chức để hội họp, đánh giá, lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chức chuyên môn đề xuất. Tổ trưởng: 128.000 đồng/người/buổi. Tổ phó, ủy viên, thư ký: 96.000 đồng/người/buổi.
(3) Chi Hội đồng thực hiện nhiệm vụ thẩm định, đối với Chủ tịch: 160.000 đồng/người/buổi; Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký: 120.000 đồng/người/buổi; Thời gian tối đa không quá 16 buổi.
(4) Thanh toán chế độ công tác phí: Áp dụng mức chi tại Nghị quyết số 197/2017/NQ ngày 20/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định một số mức chi công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh.
(5) Các khoản chi khác (văn phòng phẩm, tài liệu, thông tin liên lạc, thuê hội trường và các chi phí khác) để thực hiện nhiệm vụ: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
PGS.TS Thái Văn Thành làm rõ các ý kiến trao đổi của các đại biểu. Ảnh: Thanh Lê |
Kinh phí thực hiện: Từ nguồn sự nghiệp giáo dục phân bổ hàng năm theo phân cấp ngân sách; nguồn tài chính của các cơ quan, đơn vị; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung và mức chi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, các thành viên dự họp thống nhất cao và cho rằng việc ban hành Nghị quyết là phù hợp quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ trao đổi những nội dung các đại biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thanh Lê |
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần xem xét bổ sung thêm một số Nghị quyết, thông tư, công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính liên quan đến nội dung này; đồng thời phải làm rõ và đảm bảo tính thống nhất các quy định ở các điểm, khoản.
Đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh bày tỏ băn khoăn về triển khai các dự án đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Ảnh: Thanh Lê |
Cho ý kiến vào nội dung dự thảo “Nghị quyết cho ý kiến đối với kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An", các đại biểu đánh giá nội dung dự thảo Nghị quyết được xây dựng một cách chi tiết, đã bám sát các văn bản của Trung ương.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trường giải trình, làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm về bố trí các dự án đầu tư. Ảnh: Thanh Lê |
Tuy nhiên để phát huy hiệu quả Nghị quyết, một số ý kiến cho rằng nên lựa chọn những công trình ách yếu, bức bách nhất để đầu tư một cách tập trung, tránh sự dàn trải, kém hiệu quả; khảo sát lại tình hình sau lũ quét tại Kỳ Sơn để bố trí danh mục công trình và nguồn vốn một cách hợp lý. Rà soát lại danh mục các công trình giao thông để đảm bảo sự đồng bộ, cân đối giữa các địa phương trong vùng và trong tỉnh.