Nghệ An chủ trương ban hành chính sách cho cán bộ luân chuyển 3 cấp

Mai Hoa 12/09/2023 15:05

(Baonghean.vn) - Chính sách đối với cán bộ luân chuyển, nhất là cán bộ từ huyện về cơ sở đang bất cập; mỗi địa phương một cách. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu xây dựng chính sách cán bộ luân chuyển để trình HĐND tỉnh. 

bna_ Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao đổi với người dân về hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả của người dân. Ảnh Mai Hoa..jpg
Cán bộ xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) được luân chuyển từ huyện về trao đổi, vận động xây dựng vườn cây có giá trị kinh tế. Ảnh: M.H

Nhiều bất cập từ thực tiễn

Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, trúng, được cấp ủy các cấp triển khai đảm bảo các mục tiêu: vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn; vừa giải quyết khâu yếu, khó khăn về cán bộ ở một số cơ sở; đồng thời, khắc phục những hạn chế do tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ.

Đối với cán bộ luân chuyển đều có tư tưởng và tâm lý vững vàng, chấp hành nghiêm việc điều động, luân chuyển của tổ chức, dù đến những địa bàn khó khăn, phức tạp cũng không nề hà.

bna_ Cán bộ xã Nga My, huyện Tương Dương về bản. Ảnh bài Mai Hoa.jpg
Cán bộ xã Nga My (Tương Dương) về cơ sở. Ảnh: CSCC

Dù vậy, hiện nay, cán bộ được luân chuyển và cả những người làm công tác cán bộ đang có một số tâm tư, băn khoăn liên quan đến chế độ, chính sách luân chuyển.

Xã Nga My cách trung tâm huyện Tương Dương 70 km. Không chỉ xa cách về địa lý mà đường sá đi lại, đặc biệt, vào mùa mưa lũ vô cùng khó khăn. Bởi vậy, cán bộ luân chuyển từ huyện về như Bí thư Đảng ủy xã Kha Văn Lập phải sống xa gia đình, điều kiện sống, sinh hoạt hoàn toàn tự túc và tạm bợ.

Đồng chí Kha Văn Lập cho biết: Ngoài được hưởng lương ở cơ quan trước khi luân chuyển và chế độ phụ cấp chuyển vùng công tác từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn thì không có thêm chính sách hỗ trợ nào đối với cán bộ luân chuyển.

bna_ Cán bộ xã Diên Lãm gặp gỡ, trao đổi với nhân dân. Ảnh bài Mai Hoa.jpg
Cán bộ xã Diên Lãm (Quỳ Châu) gặp gỡ, trao đổi với người dân về phát triển kinh tế. Ảnh: CSCC

Tương tự, đồng chí Lang Văn Đông, từ chức vụ Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Quỳ Châu luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Diên Lãm, ngoài chế độ lương từ cơ quan cũ chuyển về cơ sở và chế độ phụ cấp cán bộ tăng cường đến vùng đặc biệt khó khăn với 10 tháng lương tối thiểu (theo Nghị định 76, ngày 08/10/2019 của Chính phủ) thì cũng không có thêm chính sách gì.

Đồng chí Lang Văn Đông cho rằng: Cán bộ huyện luân chuyển về cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa vô cùng vất vả. Không chỉ quãng đường từ nhà đến nơi làm việc xa (khoảng hơn 35 km), mà môi trường làm việc, điều kiện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hoạt động không thuận lợi như ở huyện. Riêng việc đi lại, do địa hình miền núi và đặc điểm dân cư sống thưa thớt nên cán bộ xuống dân, xuống bản cũng khó khăn. Điều kiện, môi trường làm việc như vậy, nếu được các cấp quan tâm có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ luân chuyển thì sẽ là sự thấu hiểu và động viên tinh thần rất lớn đối với cán bộ luân chuyển cống hiến.

Trung ương và tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ luân chuyển thì sẽ là sự thấu hiểu và động viên tinh thần rất lớn đối với cán bộ luân chuyển cống hiến.

Đồng chí Lang Văn Đông - Bí thư Đảng ủy xã Diên Lãm

Đồng chí Trần Việt Đức – Bí thư Đảng ủy xã Châu Bính (Quỳ Châu) là cán bộ huyện tăng cường về xã nêu thêm một bất cập: Cùng là cán bộ huyện luân chuyển, tăng cường về xã, nhưng nếu ở xã thuộc vùng 135, xã 30a, xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên thì được chính sách xã 135, hưởng trợ cấp theo Quyết định số 56, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh. Nếu luân chuyển về xã đạt chuẩn nông thôn mới thì không có chính sách hỗ trợ nào dù xã nằm ở vùng xa hơn như Châu Bính.

Từ sự bất cập đó, đồng chí Trần Việt Đức kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu để ban hành chính sách cho cán bộ luân chuyển về cơ sở sát thực tiễn, đảm bảo công bằng về mặt chính sách.

bna_ MH.jpeg
Bộ mặt xã Châu Bính (Quỳ Châu) đang đổi thay; cán bộ xã Châu Bính trao hỗ trợ bò sinh kế cho hộ nghèo và trao đổi với đội ngũ bí thư chi bộ bên lề Hội thi "Bí thư chi bộ giỏi cấp xã". Ảnh: CSCC

Tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã vừa qua, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) Lê Viết Hùng cho biết: Cán bộ huyện hoạt động trong khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khi luân chuyển về cơ sở bị “cắt” 30% phụ cấp, đồng nghĩa với giảm thu nhập khi về xã công tác, đang đặt ra tâm tư đối với cán bộ luân chuyển.

Mỗi địa phương làm một kiểu

Quy định số 65, ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị và Quy định số 21, ngày 12/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về luân chuyển cán bộ; kể cả Quy định số 09, ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ trước đó đều có nội dung quy định về thực hiện chế độ, chính sách, bố trí nơi ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí đối với cán bộ luân chuyển (nếu có). Quy định “nếu có” nghĩa là tùy vào điều kiện của mỗi địa phương để hỗ trợ. Điều này dẫn đến, hiện nay chế độ hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển từ huyện về cơ sở đang mỗi huyện làm một kiểu.

bna_ Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện uỷ Thanh Chương gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tình hình chuẩn bị đại hội chi bộ và bầu xóm trưởng tại thị trấn. Ảnh Mai Hoa.jpg
Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương trao đổi với người hoạt động không chuyên trách ở khối. Ảnh: M.H

Như ở huyện Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết: Cơ chế hỗ trợ được Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương quyết định trong kế hoạch luân chuyển của huyện có 2 đối tượng: cho tập thể và cá nhân. Cụ thể, đối với đơn vị có cán bộ luân chuyển đến, trong một nhiệm kỳ được hỗ trợ mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho cán bộ luân chuyển làm việc không quá 50 triệu đồng/đơn vị/nhiệm kỳ. Đối với cán bộ luân chuyển, có 3 mức hỗ trợ: 3,5 triệu đồng; 3 triệu đồng và 2,5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo khoảng cách quãng đường xa, gần tính từ trung tâm huyện đi cơ sở.

Ở huyện Nghĩa Đàn, đồng chí Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Chủ trương được Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện đối với cán bộ huyện luân chuyển về cơ sở là được hỗ trợ một mức chung là 3 triệu đồng/người/tháng, thông qua cấp ngân sách cho xã để chi trực tiếp cho cán bộ luân chuyển. Ở một số địa phương có cơ chế hỗ trợ 1 lần, 1,5 lần mức lương cơ sở hoặc quy mức tiền cụ thể hàng tháng.

Bên cạnh một số huyện có cơ chế hỗ trợ cán bộ luân chuyển, ở các huyện khó khăn như Tương Dương, Quỳ Châu chưa có cơ chế hỗ trợ nào. Hay ở huyện Quỳnh Lưu, theo đồng chí Kiều Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, do Trung ương và tỉnh chưa có quy định nào cụ thể nên địa phương chưa có cơ sở bố trí và hỗ trợ kinh phí cho cán bộ luân chuyển.

bna_ MH2.jpg
Cán bộ xã Thanh Long (Thanh Chương) luân chuyển từ huyện về (thứ 3 trái sang) kiểm tra việc xây dựng thiết chế ở nhà văn hóa xóm. Ảnh: M.H

Tỉnh có chủ trương ban hành chính sách chung cho cán bộ luân chuyển

Thực tế mỗi nơi một kiểu như hiện nay, vừa không đảm bảo công bằng về mặt chính sách, vừa không khuyến khích, động viên cán bộ luân chuyển. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn Phan Tiến Hải và Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương Nguyễn Trọng Anh cho rằng: Trung ương và tỉnh cần quy định cụ thể về mức hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển theo mức tiền hoặc phụ cấp % mức lương cơ sở và cần phải bảo đảm tổng thu nhập khi luân chuyển về cơ sở bằng hoặc cao hơn vị trí công tác ở thời điểm trước khi luân chuyển.

Được biết, hiện nay, trên cơ sở Quy định số 21, ngày 12/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về luân chuyển cán bộ; UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tham mưu xây dựng để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý luân chuyển trên địa bàn tỉnh.

bna_ Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trao đổi với cán phường Quỳnh Thiện. Ảnh bài Mai Hoa.jpg
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trao đổi với cán bộ phường Quỳnh Thiện. Ảnh: CSCC

Hiện dự thảo nghị quyết đang quá trình lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ cấp cơ sở đến cấp huyện, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh xem xét thông qua thời gian tới.

Đối tượng hỗ trợ là cán bộ đang công tác trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được cấp có thẩm quyền luân chuyển theo quy định. Bao gồm luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống cơ sở; từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh; luân chuyển ngang giữa các huyện trong tỉnh và giữa các xã trong huyện. Dự thảo gồm 3 nhóm chính sách: hỗ trợ đi lại; bố trí nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền thuê nhà ở; hỗ trợ sinh hoạt phí.

Nghệ An chủ trương ban hành chính sách cho cán bộ luân chuyển 3 cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO