Nghệ An: Chuyển động sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp
(Baonghean.vn) - Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với tư duy đột phá, quyết liệt đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo của từng cấp ủy, tổ chức Đảng... đã tạo ra được một số kết quả rõ nét ở từng cấp, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp để tạo sự thay đổi tích cực hơn.
Những con số “biết nói”
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, song với tư duy đột phát, quyết liệt đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, sâu vấn đề, sát cơ sở, gần dân, có trách nhiệm với dân của từng cấp ủy, tổ chức Đảng đã tạo ra được một số kết quả rõ nét ở từng cấp, địa phương, góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra.
Nổi bật, thu hút đầu tư có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Riêng năm 2022, tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt hơn 41.872 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó đã cấp mới cho 95 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 28.538 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD.
Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: T.C |
Thu ngân sách tăng trưởng hàng năm; nếu như năm 2019 thu 16.400 tỷ đồng, thì năm 2020 là 17.836 tỷ đồng, năm 2021 là 19.993 tỷ đồng; năm 2022 này, thu ngân sách tiếp tục tăng với kết quả thực hiện 20.370 tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2021. Đây là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.
Biểu đồ: Thu ngân sách nhà nước của tỉnh Nghệ An từ năm 2019 - 2022. Đồ họa: H.Q |
Về thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tính đến thời điểm năm 2021, toàn tỉnh đã có 299 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,74%; có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 5,02% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai và các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu.
Bộ mặt nông thôn mới xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa |
Kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2022, thông qua thẩm định của tỉnh, dự kiến có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Đô Lương, Diễn Châu.
Như vậy, lũy kế tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 309 xã/411 xã, đạt 75,18%; 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 14,23% xã nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, gồm thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu.
Chuyển động ở từng cơ sở
Xã Kim Liên (Nam Đàn) là một trong những điển hình về xây dựng nông thôn mới với nhiều thành quả đáng ghi nhận. Qua trao đổi, đồng chí Trần Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên cho biết: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Kim Liên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020 và đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021.
Đạt được kết quả trong thời gian ngắn như vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền đặt ra yêu cầu thực hiện các tiêu chí phải đảm bảo tiệm cận tiêu chí nông thôn mới nâng cao; xây dựng nông thôn mới nâng cao phải tiệm cận tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu phải đảm bảo tính bền vững, xây dựng miền quê nông thôn đáng sống, xứng đáng với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sen ở xã Kim Liên (Nam Đàn) được bảo tồn và chế biến thành hàng hóa. Ảnh tư liệu: Thanh Lê |
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, xã Kim Liên chú trọng công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào quê hương Bác trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân để cùng góp sức xây dựng quê hương; lấy cán bộ, đảng viên làm lực lượng tiên phong “nói đi đôi với làm”; phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của khối Mặt trận và các đoàn thể; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của từng chi bộ và vai trò giám sát, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền cấp xã. Ngoài tích cực, tự nguyện đóng góp hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, chỉnh trang vườn tược, ngõ lối; người dân xã Kim Liên đã tạo dựng và duy trì nề nếp “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm tổng dọn vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, xây dựng từng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình.
Ở huyện Nam Đàn, mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch theo Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những mục tiêu trọng tâm được chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở. Huyện cũng tập trung cao cho công tác quy hoạch vùng huyện, thị trấn, thị tứ, quy hoạch sử dụng đất; gắn với thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, khu đô thị, dự án phát triển du lịch...; chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng.
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, các nhiệm vụ chỉ đạo của cấp ủy đều được gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Như trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, hàng quý, Thường trực, Ban Thường vụ đều nghe kết quả để bổ cứu giải pháp và tổ chức giao ban chuyên đề với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã để đôn đốc; gắn trách nhiệm của từng đồng chí uỷ viên ban thường vụ phụ trách lĩnh vực, điểm và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã.
Lãnh đạo huyện Nam Đàn tìm hiểu mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thượng Tân Lộc. Ảnh: Mai Hoa |
Các nhiệm vụ chỉ đạo của cấp ủy đều được gắn trách nhiệm của người đứng đầu".
Hay để đảm bảo các xã đều xây dựng được sản phẩm OCOP, Thường trực Huyện ủy Nam Đàn đã mời lãnh đạo các xã chưa có sản phẩm OCOP làm việc và giao nhiệm vụ cụ thể. Đến thời điểm này, huyện Nam Đàn có tổng 57 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao và có 16/19 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP. Có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu ngân sách hàng năm tăng 15 - 16%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 91,14%.
Thị xã Hoàng Mai được xác định là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm từ sau đại hội đến nay là quyết liệt giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng. Thị xã tập trung chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới trước thời hạn 1 năm (mục tiêu hoàn thành vào năm 2023), trong đó, xây dựng 2 xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc thành phường, riêng xã Quỳnh Liên đã hoàn thành các tiêu chí phường để làm hồ sơ công nhận. Ở 5 phường chỉ đạo thực hiện phường đạt chuẩn văn minh đô thị, trong đó, 2 phường Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí; gắn chỉ đạo thực hiện các tiêu chí đô thị loại III của thị xã.
Cán bộ các cấp ở thị xã Hoàng Mai trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư. Ảnh: Mai Hoa |
Cách làm của thị xã Hoàng Mai, theo chia sẻ của đồng chí Lê Trường Giang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy, đó là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời, tăng cường đối thoại với nhân dân, tạo sự đồng thuận. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, thị xã luôn đặt ra yêu cầu giải quyết đồng thời 2 nhiệm vụ, vừa đảm bảo sự ổn định, vừa thúc đẩy phát triển. Bởi vậy, sau Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai đã rà soát, xây dựng kế hoạch giải quyết 22 vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài thuộc thẩm quyền và đến nay đã có 10/22 vụ việc được giải quyết; đồng thời, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã giải quyết 21 vấn đề, vụ việc thuộc thẩm quyền cấp xã. Thị xã cũng đặt ra yêu cầu trách nhiệm người đứng đầu, từng đồng chí trong các ban thường vụ, ban chấp hành ở các cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; kể cả từng đảng viên bằng việc phân công nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ từng hộ dân trong khu dân cư, tránh tình trạng đảng viên chỉ phát biểu trong các cuộc họp chi bộ mà không tham gia họp dân, không có trách nhiệm với phong trào địa phương.
Cách làm của thị xã Hoàng Mai, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời, tăng cường đối thoại với nhân dân, tạo sự đồng thuận".
Từ năm 2020 đến nay, thị xã Hoàng Mai đã cho ý kiến thống nhất đề xuất đầu tư 20 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng; trong đó, có 8 dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tiêu biểu như Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô của Tập đoàn Ju Teng, có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất gia công giày, dép xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Lợi, có tổng mức đầu tư 56 triệu USD...
Phối cảnh Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng của Công ty TNHH Công nghệ điện tử Ju Teng Việt Nam khởi công tại KCN Hoàng Mai 1, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng |
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những chỉ tiêu, nhiệm vụ đang đặt ra nhiều khó khăn. Cấp ủy các cấp luôn yêu cầu trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó, có cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết các vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân...; nhưng đến nay vẫn chưa có sự cụ thể hóa trong đánh giá, kiểm điểm người đứng đầu trong các vấn đề này. Mặt khác, tính tiên phong, gương mẫu ở một số cán bộ, đảng viên thể hiện chưa rõ nét... đây là những vấn đề cần có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục để tiếp tục tạo ra bước chuyển trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới.