Nghệ An có 403 sản phẩm đạt sao OCOP, đứng thứ 2 cả nước

Quang An 29/03/2023 12:00

(Baonghean.vn) - Sáng 29/3, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025. Dự họp có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành cùng đại diện các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại

Sau 4 năm triển khai chương trình, mặc dù thực hiện trong điều kiện khó khăn do điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, dịch bệnh hoành hành, nhưng đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập người dân ngày càng cao, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Quang An

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá công nhận (trong số sản phẩm 3 sao có 9 điểm du lịch nông thôn). Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận.

Việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương trong tỉnh hết sức quan tâm, đã tổ chức được 71 hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó 51 Hội chợ; 17 cuộc kết nối cung cầu; 3 cuộc triển lãm trưng bày triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP… góp phần làm nên thành công của chương trình.

Cam Vinh là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Nghệ An. Ảnh: Quang An

Sau 4 năm triển khai, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện đề án

Theo đề án, trong giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm.

Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình bày đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Quang An

Nghệ An chú trọng phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá các sản phẩm OCOP. Ảnh: Quang An

Tại cuộc họp, đại diện các ban, ngành, địa phương đã có những ý kiến để đóng góp vào đề án. Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho rằng dù sản phẩm OCOP Nghệ An đạt số lượng tốt nhưng chất lượng vẫn cần phải hoàn thiện. Ngoài ra quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu mặt bằng, có trường hợp kết nối được với đơn vị tiêu thụ nhưng cơ sở không đạt công năng sản xuất, sản lượng theo yêu cầu mà họ đề ra.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho rằng các đơn vị, địa phương cần tích cực hỗ trợ, đưa các sản phẩm OCOP của HTX, doanh nghiệp đi quảng bá, tham dự các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu...

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng cần bổ sung các quy định, nghị định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vạch...và các văn bản liên quan vào đề án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình xây dựng, sản xuất các sản phẩm OCOP.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao thành quả mà các ban, ngành, địa phương đã đạt được trong thực hiện chương trình OCOP. Ảnh: Quang An

Lãnh đạo huyện Yên Thành cho rằng, các sản phẩm OCOP đa số là nông nghiệp, theo mùa vụ, trong khi để vào được siêu thị, các hệ thống thì mặt hàng phải đảm bảo quanh năm có mặt trên kệ hàng, đây là khó khăn, thách thức trong sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững...

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những thành quả trong thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đối với Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, sau khi nghe các ý kiến đóng góp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các ban ngành, cơ quan soạn thảo văn bản tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án để sớm ban hành, đảm bảo căn cứ để thực hiện.

Kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Quang An

Về chương trình mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện. Trong đó, việc nâng hạng sao các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm quan trọng hơn hơn so với việc tăng số lượng sản phẩm. Ngoài ra, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT cần làm việc với nhau để thống nhất kinh phí thực hiện chương trình trong những năm tới.

Mới nhất

x
Nghệ An có 403 sản phẩm đạt sao OCOP, đứng thứ 2 cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO