Nghệ An cơ bản hoàn tất việc chuyển đổi thuê bao từ 2G sang 4G
Thông tin từ các nhà mạng lớn trên địa bàn Nghệ An như VinaPhone, Viettel, MobiFone cho biết, việc chuyển đổi sim và máy điện thoại từ 2G sang 4G được thực hiện trong thời gian qua, đến nay đã cơ bản hoàn tất.
Chính thức tắt sóng 2G
Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, bắt đầu từ hôm nay (15/10), các nhà mạng sẽ chính thức dừng công nghệ 2G trên toàn quốc. Các thuê bao đang sử dụng thiết bị công nghệ 2G sẽ bị khóa hai chiều, không thể tiếp tục sử dụng.
Sau hơn 30 năm triển khai ở Việt Nam, công nghệ 2G đã dần trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế. Việc nâng cấp lên 4G, 5G giúp người dân được chuyển sang sử dụng các dịch chất lượng cao hơn; trong đó có nhiều dịch vụ tiện ích như: hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng khi truy cập internet; góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam.
Theo thống kê của các nhà mạng, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 370.080 thuê bao di động 2G hoạt động, chủ yếu là các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone… Đây cũng là những người sử dụng điện thoại 2G Only hay còn gọi là điện thoại “cục gạch”.
Thực hiện chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã sớm ban hành Công văn số 357/STTTT-CĐS ngày 29/02/2024 chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn triển khai tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, người lao động và nhân dân về chủ trương, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G; thực hiện chuyển đổi máy điện thoại 2G only sang sử dụng điện thoại 4G, smartphone để phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 15/10, tại trung tâm dịch vụ các nhà mạng lớn trên địa bàn Nghệ An như VinaPhone, Viettel, MobiFone đều có khách hàng đến nhờ hỗ trợ chuyển đổi sang công nghệ 4G. Ông Nguyễn Bá Hùng, phường Trường Thi, TP. Vinh cho biết: Tôi sử dụng điện thoại cục gạch nhiều năm rồi, sau khi nghe thông tin điện thoại 2G sẽ bị cắt sóng, sợ bị khóa sim, không nghe gọi được nên phải nhờ đến nhờ các nhân viên hỗ trợ chuyển đổi sang 4G để tiếp tục sử dụng.
Bà Lê Thái Hà - Phó Giám đốc Kinh doanh VNPT VinaPhone Nghệ An cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông; VinaPhone Nghệ An đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi 2G lên 4G cho người dân trên địa bàn từ đầu năm đến nay qua nhiều hình thức. Bên cạnh tư vấn trực tiếp qua các cuộc gọi, tin nhắn, các trang thông tin của VinaPhone thì đơn vị cũng phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, trực tiếp đến các nhà văn hóa khối, xóm để hỗ trợ người dân, kết hợp với hệ thống bưu điện, điểm bán điện thoại trên toàn tỉnh để hỗ trợ người dân nâng cấp lên công nghệ 4G.
“Tính đến 15/10, đã có trên 25.000 thuê bao sử dụng công nghệ 2G của VinaPhone trên địa bàn Nghệ An được hỗ trợ chuyển đổi lên 4G. Số ít còn lại chủ yếu là những thuê bao không hoạt động hoặc chưa liên lạc được và sẽ được liên hệ để hoàn tất chuyển đổi trong thời gian sớm nhất”, bà Lê Thái Hà chia sẻ.
Trên địa bàn Nghệ An, nhà mạng Viettel có số lượng thuê bao sử dụng 2G nhiều nhất. Đại diện Viettel Nghệ An cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel Nghệ An đã chuyển đổi thành công gần 99% khách hàng sử dụng 2G lên 4G, cơ bản hoàn tất. Đối với các thuê bao còn lại phần lớn là người dân có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực vừa trải qua thiên tai, bão lũ chưa có điều kiện nâng cấp 4G sẽ được tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi miễn phí trong thời gian tới.
Đối với nhà mạng MobiFone tại Nghệ An, theo thống kê có khoảng 15.000 thuê bao 2G hoạt động, đại diện nhà mạng này cho biết việc chuyển đổi sang công nghệ 4G cũng đã được thực hiện quyết liệt trong những tháng cao điểm vừa qua, đến nay cũng đã cơ bản hoàn thiện việc chuyển đổi sang 4G theo chỉ đạo.
Hỗ trợ tối đa cho người dân
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G của các nhà mạng trong thời gian qua dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên việc triển khai ở cơ sở đối với các thuê bao còn lại vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Đại diện nhà mạng VinaPhone Nghệ An cho biết: Số thuê bao chưa được chuyển đổi hiện nay chủ yếu là người già, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là những đối tượng khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, gặp rào cản về thu nhập nên khó khăn khi thay thế điện thoại. Vì vậy, việc thuyết phục người dùng di động từ bỏ điện thoại “cục gạch” 2G cũng gặp rào cản. Chưa kể đến hiện nay các đối tượng lừa đảo qua điện thoại rất nhiều, có trường hợp nhân viên nhà mạng liên hệ để tư vấn chuyển đổi sang 4G nhưng người dân hoài nghi, không tin tưởng.
Ông Hoàng Xuân Hạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Kỳ cho biết: Chủ trương chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G là hoàn toàn hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, do đó, khi các nhà mạng triển khai tại cơ sở, huyện cũng đã chỉ đạo các xã tăng cường phối hợp để công việc này diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Mặc dù vậy, do địa bàn vùng núi, đời sống người dân còn khó khăn, một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của chủ trương này, do đó, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cũng gặp một số rào cản nhất định.
Mặc dù vậy, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, đại diện các nhà mạng cho biết, sau ngày 15/10 vẫn sẽ triển khai tăng cường cán bộ, nhân viên hỗ trợ liên tục 24/24 cho người dân chuyển đổi sang 4G miễn phí. Song song với đó, các nhà mạng có những chính sách hỗ trợ người dân như tặng điện thoại công nghệ 4G đối với các hộ khó khăn, hỗ trợ kinh phí mua điện thoại feature phone 4G hoặc smartphone 4G, ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi.
Đáng chú ý, ngoài việc ưu đãi cước data, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị các dòng điện thoại 4G giá rẻ khoảng 400.000 đồng/máy chỉ dùng cho dịch vụ thoại, nhắn tin, phù hợp với túi tiền đại đa số người tiêu dùng. Đặc biệt, các khách hàng lớn tuổi, người khuyết tật, ốm đau, gặp khó khăn trong việc đi lại sẽ được nhân viên các nhà mạng hỗ trợ tận nhà.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương, các nhà mạng viễn thông cùng sự đồng lòng của người dân, chuyển đổi công nghệ di động từ 2G lên 4G trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần nâng cao hạ tầng số và chỉ số chuyển đổi số của tỉnh, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường mạng với tốc độ cao./.