Nghệ An có gần 3.000 tổ hợp tác làm ăn, sản xuất
(Baonghean.vn) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, Nghệ An hiện có gần 3000 tổ hợp tác với hình thức đa dạng, phong phú.
Tổ hợp tác trồng rau, dưa sạch Nam Xuân Xanh ở Nam Xuân (Nam Đàn). Ảnh: Trân Châu |
Các tổ hợp tác ở Nghệ An hoạt động đa dạng trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, tổ hợp tác làng nghề chế biến hải sản, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gà, làm trang trại. Ngoài ra mới có thêm một loại hình tổ hợp tác làm đất, thu hoạch bằng máy.
Tổng số thành viên làm việc trong tổ hợp tác là 35.086 thành viên, số lao động tăng bình quân hàng năm khoảng 250 lao động, mức thu nhập của lao động trong tổ hợp tác khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/lao động/tháng; cá biệt thành viên tổ hợp tác đánh bắt thủy sản đạt 9- 10 triệu đồng/ tháng...
Điển hình có một số tổ hợp tác hoạt động hiệu quả như: "Tổ hợp tác sản xuất rau sạch" ở xã Nam Xuân (Nam Đàn), "Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn" ở xóm 8, xã Nghi Liên (thành phố Vinh), “Tổ hợp tác Chăn nuôi hươu” tại xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), “Tổ hợp tác Chăn nuôi gà cỏ” tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), “Tổ hợp tác Sản xuất lúa chất lượng cao” tại xã Hoa Thành (Yên Thành).
Hợp tác sản xuất măng tây ở xã Nghi Liên (thành phố Vinh). Ảnh: Trân Châu |
Ngoài ra còn có “Tổ hợp tác Sản xuất bánh đa” tại xã Đà Sơn (Đô Lương), “Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn” tại xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai); “Tổ hợp tác sản xuất nấm cho phụ nữ nghèo” tại xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), “Tổ hợp tác sản xuất gà cỏ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” tại xã Hạnh Lâm (Thanh Chương); “Tổ hợp tác sản xuất chổi đót” tại xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn), “Tổ hợp tác sản xuất đậu phụ an toàn” tại phường Bến Thủy (TP Vinh)...
Các tổ này là môi trường để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi làm ăn, nâng cao nhận thức, thông tin và đồng thời là tiền đề để thành lập các HTX, doanh nghiệp.
Trân Châu