Kinh tế

Nghệ An có khoảng 3.500 ha lúa chét

Văn Trường 10/06/2024 16:45

Vụ hè thu này Nghệ An có khoảng 3.500 ha lúa chét. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đây là những "ổ bệnh" nguy hiểm gây hại cho cây lúa.

van truong 3
Xã Quỳnh Giang, Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu) có trên 300 ha lúa chét. Ảnh: Văn Trường

Đi dọc các xã Quỳnh Giang, Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), thấy những cánh đồng mênh mông người dân không sản xuất lúa hè thu mà thay vào đó toàn lúa tái sinh, hay còn gọi là lúa chét. Từng thửa ruộng lá và bông lúa lơ thơ, bông xanh, bông chín nằm thưa thớt.

Chị Nguyễn Thị Minh ở xã Quỳnh Bá đang ra thăm đồng lúa chia sẻ: Gia đình có 3 sào lúa thì đều để lúa chét, so với lúa gieo cấy thông thường, để lúa chét có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, không phải làm đất gieo cấy, ít đầu tư phân bón và công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, tuy nhiên, năng suất thấp, hàng năm để lúa “chét” chỉ đạt 80-100 kg/sào, có khi mất mùa chỉ được 30-40 kg/sào.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá cho hay: Toàn xã Quỳnh Bá chỉ gieo cấy khoảng 10 ha lúa hè thu, còn lại trên 310 ha lúa chét. Nguyên nhân là nhiều bà con cho rằng, vụ hè thu hay xảy ra sâu bệnh, ngập lụt nên không sản xuất lúa hè thu, để lúa chét để giảm chi phí đầu tư.

Hầu hết diện tích lúa chét ở huyện Quỳnh Lưu không đạt năng suất. Ảnh: Văn Trường
Hầu hết diện tích lúa chét ở huyện Quỳnh Lưu không đạt năng suất. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu biết: Mặc dù huyện không đưa vào cơ cấu và không khuyến khích bà con để lúa chét, tuy nhiên, nhiều xã vẫn có thói quen để lúa chét, toàn huyện hiện có trên 1.500 ha lúa chét. Qua kiểm tra, vụ lúa chét năm nay không được mùa, dự kiến đạt năng suất rất thấp, khoảng 40-50 kg/sào. Thực tế để lúa chét hiệu quả thấp, không cải tạo đất được cho vụ sau, đặc biệt, sản xuất lúa chét nảy sinh nhiều sâu, bệnh gây hại chung đến sản xuất lúa của toàn vùng.

Đi dọc Quốc lộ 7B, 48 qua huyện Diễn Châu những ngày này cho thấy, 2 bên cánh đồng, bên cạnh một số diện tích đã được gieo cấy lúa hè thu, là những đám ruộng để lúa chét đang giai đoạn trổ bông. Ông Nguyễn Minh Quang ở xã Diễn Thái chia sẻ: Nguyên nhân người dân chúng tôi sản xuất lúa chét là do đồng đất nơi đây sâu trũng hay ngập lụt, thời gian qua phân bón tăng mạnh, nếu làm đất gieo cấy lúa hè thu sợ gặp rủi ro về thời tiết, để lúa chét không cần phải chăm sóc, cuối vụ may mắn kiếm được 70-80 kg/sào.

Một đám ruộng lúa chét thưa thớt ở huyện Diễn Châu còn nhiều vũng đất trống. Ảnh: Văn Trường
Một đám ruộng lúa chét thưa thớt ở huyện Diễn Châu còn nhiều vũng đất trống. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết thêm: Địa bàn huyện Diễn Châu hiện có trên 800 ha lúa chét, tập trung ở các xã Diễn Lâm, Diễn Thái, Diễn Mỹ, Diễn Đoài… Ngoài một số vùng sâu trũng người dân sợ lụt để lúa chét thì một số vùng cao như Diễn Lâm, Diễn Đoài nông dân vẫn sản xuất lúa chét là do vùng này hồ, đập cạn nước khó khăn sản xuất lúa hè thu nên người dân để lúa chét. Hầu hết diện tích lúa chét đều không hiệu quả. Huyện đang chỉ đạo các xã, tập trung tuyên truyền cho người dân đối với các vùng đất không gieo cấy lúa vụ hè thu thì cần chuyển đổi cây trồng khác hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết: Vụ hè thu này toàn tỉnh gieo cấy trên 79.000 ha lúa hè thu, mùa, trong đó, có khoảng 3.500 ha lúa chét tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Yên Thành.

van truong mm23
Một số diện tích lúa chét ở thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Văn Trường

Sản xuất lúa chét dễ làm thoái hóa đất, năng suất lúa thấp chỉ bằng 1/4 đến 1/3 so với lúa bình thường, thậm chí nhiều diện tích không cho thu hoạch. Đặc biệt, do để liền vụ là môi trường thuận lợi cho sâu bệnh hại lưu tồn gây hại lúa cho vụ sau. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động để người dân sau khi thu hoạch lúa xuân cần làm đất gieo cấy lúa hè thu tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

Với những diện tích đang để lúa chét, sau khi thu hoạch các địa phương cần hướng dẫn nông dân cày lật đất, bón vôi để tiêu hủy mầm mống sâu bệnh và cỏ dại nhằm hạn chế nguồn sinh vật gây hại tồn tại trên đồng ruộng, có nguy cơ lây nhiễm sang vụ lúa sắp đến.

Mới nhất

x
Nghệ An có khoảng 3.500 ha lúa chét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO