Nghệ An còn 110 ngàn dân khu vực nông thôn chưa được dùng nước sạch
(Baonghean.vn) - Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 kết thúc từ năm 2015 nhưng trên địa bàn Nghệ An hiện vẫn còn 15 dự án nước sạch đầu tư đang thi công dang dở bị dừng vì thiếu nguồn vốn đầu tư.
Cụ thể, trong số 15 dự án nước sạch nông thôn được thi công thì có 6 dự án bị dừng hẳn khiến mùa hè đến nhưng gần 110.000 dân khu vực nông thôn thiếunước sạch hợp vệ sinh để dùng. Để sinh hoạt, người dân buộc phải dùng với giá cắt cổ, từ 50 đến 80 ngàn đồng/m3.
Hạng mục bể lắng lọc nước của Dự án nước sạch Quỳnh Thọ hơn 5.000 m2 đã được đầu tư khá hoàn chỉnh. Dù đã thi công được 11 trên tổng số 27 tỷ đồng nhưng buộc phải dừng lại từ năm 2018 vì thiếu vốn. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trước thực tế trên, bước vào nhiệm kỳ 2016-2020, tỉnh Nghệ An đã có nỗ lực cố gắng, qua đó bố trí, lồng ghép được 41 tỷ đồng cho các dự án, trong đó có 16,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) và 24,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh (riêng năm 2020 bố trí 3,9 tỷ đồng) cho các dự án nước sạch.
Để người dân nông thôn có nước sạch hợp vệ sinh để dùng rất cần sự chung tay của các nhà doanh nghiệp. Trong ảnh: Học sinh Tiểu học Mường Lống (Kỳ Sơn) nhờ sự tài trợ của các doanh nghiệp đã có nước sạch để dùng. Ảnh: Nguyễn Hải |
Nhờ vậy, đã có 7 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; 2 dự án đã thực hiện đấu nối, cấp nước đến hộ gia đình trong năm 2020 và 2021 là dự án cấp nước sinh hoạt xã Liên Thành (Yên Thành) với 674 hộ và dự án cấp nước sinh hoạt xã Diễn Minh (Diễn Châu) trên 400 hộ; 6 dự án đang thi công dang dở buộc phải dừng lại.
Dự án nước tại xã Diễn Minh (Diễn Châu) được ngân sách hỗ trợ vượt mức dự toán với 120% nhưng nguồn đối ứng từ địa phương còn thiếu nên mới chỉ đấu nối cho 400 hộ trên tổng số 900 hộ theo thiết kế. Ảnh: Tư liệu |
Theo kế hoạch vốn được duyệt, từ năm 2012 đến năm 2021, tỉnh Nghệ An đầu tư 291,652 tỷ đồng để triển khai 15 dự án cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn, trong đó ngân sách hỗ trợ 189,9 tỷ đồng; vốn địa phương, người dân và huy động khác 101,716 tỷ đồng.
Quang cảnh hoang tàn của Nhà máy nước Quỳnh Thọ sau 3 năm bị tạm dừng vì thiếu vốn đầu tư và đối ứng. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đến tháng 5/2021, tỉnh đã huy động được 144 tỷ đồng trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ là 122,556 tỷ đồng, vốn các địa phương, người dân và huy động khác là 22,753 tỷ đồng triển khai các hạng mục cho 15 dự án trên.
Hiện nguồn còn thiếu là 146,3 tỷ đồng, trong đó phần ngân sách hỗ trợ đầu tư 67,385 tỷ đồng và vốn địa phương, người dân và huy động khác là 78,9 tỷ đồng.
Trong khi người dân xóm Thọ Nhân và Thọ Phú phải mua nước với giá 80 ngàn đồng/m3 thì nước ngọt tại bể chứa Dự án nước sạch xã Quỳnh Thọ được các hộ dân bên cạnh bơm dùng để nuôi tôm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Từ đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm đã tiến hành rà soát và đã tham mưu, đề xuất với tỉnh bổ sung, cân đối ngân sách để trả nợ quyết toán các công trình đã làm xong; bổ sung ngân sách để hoàn thành dứt điểm 3 dự án là cấp nước sinh hoạt tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), Tây Thành và Minh Thành (Yên Thành). Bên cạnh đó, xem xét, cho chuyển đổi sang đầu tư PPP đối với 3 dự án cấp nước tại xã Diễn Quảng (Diễn Châu); Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) và Phúc Thành (Yên Thành).
Do thiếu nước ngọt sạch và hợp vệ sinh nên người dân nông thôn vùng bãi ngang, cuối nguồn nông giang Diễn Châu và Quỳnh Lưu phải thuê khoan giếng để lấy nước dùng. Ảnh: Quang An |
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết để tái khởi động các dự án dang dở, Nghệ An cần nguồn vốn khoảng 147 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 2/3 còn lại là các địa phương đối ứng, đầu tư xã hội hóa hoặc vay ưu đãi...
Theo thông tin mới đây, bức bách về nước sinh hoạt trong hè này, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cấp bổ sung 20 tỷ đồng đưa vào kế hoạch nguồn vốn trung hạn 2021 để thi công tiếp 2 dự án Nhà máy nước Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) và xã Minh Thành (Yên Thành).
Bể lắng lọc Nhà máy nước Quỳnh Thọ năm 2020 bị một hộ chiếm dụng để nuôi thủy sản, nay đã trả lại cho Ban quản lý Dự án nhưng vẫn để rêu mọc. Ảnh: Nguyễn Hải |