Nghệ An: Còn 4 doanh nghiệp không bán hết phần vốn Nhà nước để cổ phần hóa

Văn Trường 08/02/2018 11:32

(Baonghean.vn) - Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, về cơ bản các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, công nghệ còn lạc hậu, sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp nên tính hấp dẫn với các nhà đầu tư không cao.

Sáng 8/2, đoàn Giám sát của Quốc hội tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa tỉnh. Làm việc với đoàn, về phía UBND tỉnh có đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.

Đoàn Giám sát của Quốc hội tỉnh cho biết: Thời điểm này toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; 1 công ty TNHH hai thành viên; 12 công ty Cổ phần có vốn Nhà nước. Giai đoạn 2011-2016, tỉnh Nghệ An tiến hành cổ phần hóa 6 công ty theo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ phê duyệt.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Trường

Qua giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận thấy tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn tài sản của nhà nước trong các doanh nghiệp. Nội dung, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua đã đảm bảo các yếu tố như tính cấp thiết, kịp thời, phù hợp, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và tính hiệu lực, hiệu quả; khắc phục được các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy vậy, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế, đó là công tác báo cáo của một số doanh nghiệp cho Sở Tài chính và UBND tỉnh còn chậm trễ. Đối với những doanh nghiệp vi phạm về thời hạn báo cáo và tái diễn nhiều lần chưa có chế tài xử lý cụ thể và thiết thực để xem xét trách nhiệm người đại diện tại các doanh nghiệp vi phạm. Việc công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội báo cáo tại cuộc họp. ảnh: Văn Trường

Riêng về việc thực hiện cổ phần hóa tại các doanh nghiệp, chỉ có Công ty TNHH MTV Cấp nước Cửa Lò và Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An bán được hết phần vốn nhà nước đúng theo phương án cổ phần hóa, 4 công ty còn lại không bán hết phần vốn nhà nước như phương án cổ phần hóa. Đoàn giám sát nhận thấy, về cơ bản các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, công nghệ còn lạc hậu, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp nên tính hấp dẫn với các nhà đầu tư không cao.

Đoàn đề nghị UBND có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cổ phần, thoái vốn nhà nước để đảm bảo phương án cổ phần hóa. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ như bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước, thu hút cổ đông, cổ đông chiến lược.

Trong buổi làm việc, đại biểu của các sở, ngành đã phát biểu các ý kiến, làm rõ thêm kết quả thanh tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn; quá trình tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa; việc bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự, chức danh các vị trí trong các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: Việc Quốc hội quyết định tiến hành giám sát chuyên đề việc chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 nhằm chỉ ra những mặt tích cực cần phát huy và hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua.

Vùng nguyên liệu của Công ty CP mía đường sông Lam. Ảnh minh họa: Văn Trường

Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là xem xét, điều chỉnh lại cách thức tổ chức thực hiện, chỉ đạo, điều hành để có thể đem lại những kết quả thiết thực, cụ thể hơn trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đã ghi nhận việc Đoàn giám sát có nhiều ý kiến trao đổi giúp UBND tỉnh thực hiện tốt hơn những vấn đề liên quan trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Các ý kiến của thành viên trong Đoàn, UBND tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ.

Thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện các đề xuất của Đoàn giám sát; có đề xuất với Chính phủ đề nghị, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã được sắp xếp cơ cấu lại, đối với các doanh nghiệp còn lại sẽ tiến hành cổ phần hóa theo đúng kế hoạch.

Mới nhất

x
Nghệ An: Còn 4 doanh nghiệp không bán hết phần vốn Nhà nước để cổ phần hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO