Nghệ An công khai các khoản thu trong năm học 2023 – 2024
(Baonghean.vn) -Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh, việc triển khai các khoản thu trong năm học này gồm: Các khoản thu theo quy định, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường và các khoản thu – chi tự nguyện.
Cụ thể:
Các khoản thu theo quy định gồm: Học phí, Bảo hiểm y tế và khoản thu dịch vụ trông giữ xe đạp
Về học phí: Theo đó, trong năm học này các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên tạm thu học phí năm học 2023 - 2024 như năm học 2021 - 2022, do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành. Mức thu học phí sẽ được chia thành 4 khu vực và có sự khác nhau đối với từng vùng, từng bậc học. Trong đó, bậc mầm non lần lượt từ 45.000 đồng đến 280.000 đồng, bậc THCS từ 35.000 đồng đến 130.000 đồng, bậc THPT và bổ túc THPT từ 45.000 đồng đến 230.000 đồng.
Việc thu Bảo hiểm y tế và dịch vụ trông giữ xe đạp được thực hiện theo quy định.
Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường gồm:
Dạy học 2 buổi/ngày hoặc dạy thêm, học thêm cấp học Trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), bổ túc trung học phổ thông và Trường Phổ thông thực hiện thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao.
Mức thu:
+ Cấp THPT và bổ túc THPT không vượt quá 10.000 đồng/Học sinh/tiết dạy;
+ Trường Phổ thông thực hiện thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao không vượt quá 20.000 đồng/học sinh/tiết dạy.
Khoản thu để tổchức bán trú trong các cơ sở giáo dục gồm:Tiền ăn của học sinh; Chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn và chi phí tổ chức bán trú; Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực buổi trưa; Chi phí vật tư; Chi phí khấu hao tài sản cố định; Mua sắm vật dụng dùng chung và đồ dùng cá nhân cho học sinh bán trú và các chi phí khác (nếu có).
Ngoài ra, còn có chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở giáo dục công lập vào các ngày nghỉ, ngày Hè. Mức thu tối đa: 60.000 đồng/học sinh/ngày.
Các khoản thu để thực hiện Chương trình, hoạt động giáo dục tăng cường:
+Việc thu để thực hiện các chương trình như tăng cường dạy học, chương trình tăng cường dạy môn Tin học, phát triển năng lực theo môn học, chương trình dạy Toán và khoa học bằng tiếng Anh; chương trình giáo dục STEM…; Chương trình giáo dục kỹ năng mềm, giáo dục kỹ năng sống; Chương trình phát triển năng khiếu thể thao (bơi, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông,…), phát triển năng khiếu nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật…); mức thu tối đa 25.000 đồng/học sinh/tiết dạy.
+Thu để thực hiện dạy ngoại ngữ tăng cường (bố trí không quá 20 học sinh/lớp). Trong đó, giáo viên là người Việt Nam, mức thu tối đa: 40.000 đồng/học sinh/tiết dạy;
+Giáo viên là người nước ngoài, mức thu tối đa: 50.000 đồng/học sinh/tiết dạy;
+ Giáo viên là người bản ngữ, mức thu tối đa: 60.000 đồng/học sinh/tiết dạy.
Khoản thu dịch vụ phục vụ học sinh:
Đây là khoản thunhằm phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh học sinh có nhu cầu mua sắm các loại đồ dùng phục vụ trong quá trình học tập tại nhà trường như: Phù hiệu, thẻ học sinh; sổ liên lạc điện tử, thẻ điểm danh thông minh, sổ theo dõi trẻ điện tử và các loại văn phòng phẩm, học phẩm phục vụ kiểm tra, phô tô đề kiểm tra định kỳ; tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp nhằm để nâng cao kỹ năng làm bài thi tuyển sinh, tốt nghiệp đối với cấp THCS, THPT và bổ túc THPT.
- Phù hiệu, thẻ học sinh: Mức thu tối đa 15.000 đồng/học sinh/năm học;
- Sổ liên lạc điện tử, thẻ điểm danh thông minh (có tích hợp sổ điểm điện tử và học bạ điện tử): Mức thu tối đa 100.000 đồng/học sinh/năm học;
- Sổ theo dõi trẻ điện tử (dùng cho trẻ mầm non), mức thu tối đa 40.000 đồng/học sinh/năm học;
- Học phẩm phục vụ thi, kiểm tra:
+ Phô tô đề kiểm tra định kỳ: mức thu tối đa 60.000 đồng/học sinh/năm học;
+ Tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp: mức thu tối đa 50.000 đồng/học sinh/môn thi.
Các khoản thu – chi theo hình thức tự nguyện gồm:
Tài trợ cho các cơ sở giáo dục.Theo quy định, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm), không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).
Thu kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh và Quỹ Đoàn, Đội:
Trong đó, về kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, về nguyên tắc thu: Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
Việc thu, chi kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường./.