Nghệ An đã phân bổ hơn 2.700 tấn gạo hỗ trợ học sinh vùng khó khăn
(Baonghean.vn) - Đây là chính sách của Nhà nước dành cho con em học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện khó khăn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các trường phổ thông dân tộc bán trú.
Sáng 9/5, đồng chí Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cùng đoàn công tác đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để nắm tình hình hỗ trợ gạo dự trữ Quốc gia cho học sinh Nghệ An theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ - CP của Chính phủ.
Cùng đi với đoàn có đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Mỹ Hà |
Theo kế hoạch, trong năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Nghệ An có 20.244 học sinh được hỗ trợ gạo, tập trung tại 12 huyện là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa.
Thời gian qua, ngay khi có quyết định xuất gạo hỗ trợ học sinh của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phân bổ gạo và phối hợp với các sở, phòng và các huyện khẩn trương, kịp thời, vận chuyển, xuất cấp gạo đến địa điểm giao nhận tại các huyện theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Hiện, tổng số gạo được Tổng cục Dự trữ Quốc gia xuất hỗ trợ là 2.769,99 tấn. Nghệ An đã xuất phân bổ hỗ trợ là 2.729,310 tấn. Số còn lại hơn 40 tấn chưa phân bổ đang lưu tại kho Cục dự trữ Nghệ Tĩnh vì sau khi phân bổ số học sinh cần hỗ trợ giảm hơn so với khi làm kế hoạch (vì học sinh bỏ học, có biến động điều chỉnh về vùng).
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Nghệ An trong việc cung ứng đủ, kịp thời gạo cho đối tượng học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
Học sinh Nghệ An nhận gạo hỗ trợ. Ảnh tư liệu. |
Qua đó, đã tạo điều kiện cho con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo tham gia học tập, hạn chế tối đa học sinh bỏ học, bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn và góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng đã nghe ý kiến của Nghệ An về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện như việc vận chuyển khó khăn, quá trình xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế vì phải báo cáo sớm (thời điểm trước ngày 30/6) nên không sát đúng với thực tế; đơn giá vận chuyển gạo từ trung tâm về các cơ sở giáo dục chưa phù hợp vì giá Nhà nước thấp hơn thực tế…
Tất cả những ý kiến này cũng sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước cùng các thành viên trong đoàn tiếp thu để trên cơ sở đó có những điều chỉnh trong lần sửa đổi Nghị định tiếp theo.