Dấu ấn nhiệm kỳ 2015-2020: Kỳ 2 – “Chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư

Để công tác CCHC có sự chuyển biến rõ rệt, đạt kết quả tốt, tỉnh Nghệ An đã, đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính bằng các mục tiêu cho từng giai đoạn.

Trong đó, tỉnh tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm là cải cách TTHC; nâng cao chất lượng dịch vụ công; ứng dụng công nghệ thông tin với yêu cầu tiên quyết là phải có quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. Chính sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo về kết quả cải cách hành chính.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Điểm nổi bật là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí, thời gian thực hiện TTHC. Công tác rà soát, công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được thực hiện kịp thời, minh bạch, đúng quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.679 TTHC đang có hiệu lực và được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp. Bên cạnh đó, giai đoạn 2011-2020 đã có 573 TTHC với tổng thời gian được cắt giảm là 2.541,5 ngày; trong đó có 26 TTHC được đơn giản hóa thành phần hồ sơ, hợp lý hóa quy trình thực hiện. Đặc biệt trong năm 2019 có 307 thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản hóa với tổng thời gian được cắt giảm là 1.424 ngày.

Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC, kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC trọng tâm; thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động kiểm soát TTHC trên toàn tỉnh; kiểm soát chất lượng bộ TTHC của các ngành; kiểm soát chất lượng kết quả rà soát, đơn giản hóa TTHC; chỉ đạo các sở, ngành rà soát, hệ thống, cập nhật TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của ngành.

Ngày 2/10/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An chính thức đi vào vận hành, hoạt động, Trung tâm có chức năng là đầu mối tập trung để các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan Trung ương tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh bố trí cán bộ, công chức, viên chức đến thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức…

“Những kết quả đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đã tiết kiệm thời gian và các chi phí về mặt tiền bạc cho tổ chức và cá nhân. Nhìn rộng hơn, điều này sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đào Quang Thiền đánh giá và cho biết thêm: “Với việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, Nghệ An quyết tâm sẽ rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính khi chỉ đến một nơi duy nhất để giao dịch”.

Xác định CNTT là vấn đề quan trọng, là đòn bẩy phục vụ công tác CCHC, Nghệ An đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác cùng phát triển hạ tầng mạng viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để người dân và doanh nghiệp tiếp cận. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT vào việc giải quyết các TTHC đã giúp giải quyết công việc nhanh, chính xác hơn, dễ thống kê hơn, hiệu quả công việc cao hơn và kiểm soát công việc của cán bộ viên chức rõ ràng hơn. Điển hình như với ngành Y tế để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, ngành đã tăng cường ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh và cải cách TTHC trong quá trình thanh toán bảo hiểm y tế giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh. Nhờ đó, đáp ứng kịp thời hơn công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, tạo sự đồng tình hưởng ứng cao trong dư luận nhân dân.

Các đại biểu cắt băng khánh thành hệ thống tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp; Trao giải cuộc thi “Tìm hiểu hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và cung cấp, sử dụng dịch vụ công”.
Các đại biểu cắt băng khánh thành hệ thống tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp; Trao giải cuộc thi “Tìm hiểu hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và cung cấp, sử dụng dịch vụ công”.

Đặc biệt từ đầu năm 2017, Nghệ An chính thức khai trương “Cổng Dịch vụ Công trực tuyến tỉnh Nghệ An”, đồng thời triển khai thành công Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đến 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, cơ sở y tế công trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng các yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp gồm: Chính phủ – tỉnh – huyện – xã.

Bên cạnh đó, với hệ thống phần mềm Một cửa điện tử VNPT- IGate đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Điểm ưu việt của dịch vụ là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24h trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet.

“Từ khi có Cổng thông tin điện tử ra đời giúp ích nhiều cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian đi lại làm các thủ tục hồ sơ thành lập như sửa đổi đăng ký kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng; bây giờ các thủ tục đó chúng tôi có thể ngồi tại văn phòng và thực hiện. Việc xử lý công văn đi đến qua mạng hạn chế gây phiền hà cho người dân”, ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Công ty CP Tâm Tầm Tài đánh giá.

20 sở, ngành đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 491 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 55 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gồm các đơn vị (Sở GTVT 6 thủ tục; Sở TN&MT 3 thủ tục; Sở LĐTB&XH 2 thủ tục; Sở Tài chính 2 thủ tục; Sở Tư pháp 3 thủ tục; Sở VH&TT 31 thủ tục; Sở NN&PTNT 5 thủ tục; Sở Công Thương 1 thủ tục; Sở Thông tin và Truyền thông 2 thủ tục). Đối với cấp huyện, có 21/21 huyện, thành phố, thị xã cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 gồm: 141 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… Thông qua ứng dụng CNTT, các hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến UBND các tỉnh; từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, các ngành cũng được tổ chức, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Mặt khác, tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian và các tổ chức bên trong. Nghệ An đã giảm 4 chi cục, 11 phòng chuyên môn thuộc sở, ban ngành; 111 đơn vị sự nghiệp; chuyển 43 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ về chi thường xuyên, giảm 4.396 người làm việc hưởng lương trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

Đánh giá về kết quả công tác CCHC tỉnh thời gian qua, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An nhận định: “Cải cách hành chính của Nghệ An có bước tiến nổi bật. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ là thành công rất ấn tượng và kết quả thật chứ không phải hình thức. Điều này tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Nghệ An. Tuy nhiên, Nghệ An không vì vậy mà “thở phào”, cần phải tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa cho công tác CCHC”.

Xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PaPi) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Nghệ An trong 5 năm qua so với  63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PaPi) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Nghệ An trong 5 năm qua so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để có những kết quả trên, thực hiện chương trình CCHC của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã xây dựng, ban hành và thực hiện Chương trình CCHC theo từng giai đoạn đạt kết quả khá toàn diện. Đặc biệt năm  2019, UBND tỉnh chọn là Năm CCHC nhằm tạo ra những động lực, đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết: Năm 2019 lần đầu tiên Nghệ An công bố kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND 21 huyện, thành, thị do Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thực hiện nhằm hướng đến việc tạo động lực cạnh tranh thực sự giữa các ngành, địa phương trong cải cách hành chính, đặc biệt là cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư.

UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) và Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh, trong đó đánh giá đầy đủ các tồn tại, yếu kém, phân tích sâu, khách quan các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao từng chỉ số thành phần. Đồng thời tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đơn vị đảm nhận thực hiện các chỉ số thành phần; đề ra lộ trình tăng các chỉ số cụ thể theo từng năm để phấn đấu và chuẩn bị các nguồn lực thực hiện.

Ảnh trên xuống, trái sang: Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An; Khu kinh tế Đông Nam; Một góc Khu công nghiệp VSIP.
Ảnh trên xuống, trái sang: Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An; Khu kinh tế Đông Nam; Một góc Khu công nghiệp VSIP.

Theo ông Trần Anh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An đánh giá: Nhìn lại công tác CCHC ở tỉnh Nghệ An thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở các cấp được củng cố, kiện toàn, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính,… tạo thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giao dịch. Tỷ lệ hài lòng về dịch vụ hành chính công và dịch vụ sự nghiệp công do các cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp tăng hàng năm. Ông Trần Anh Sơn cũng cho rằng: Để cải cách hành chính hiệu quả hơn, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, cần phải cải cách bộ máy, sắp xếp lại con người cho đúng người đúng việc, lựa chọn thêm nhân tài, thực hiện giảm biên, giảm chi ngân sách, nhằm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp. Trong công tác cải cách hành chính thì con người là trung tâm, chúng ta nên lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho sự hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức.

(Còn nữa)