Nghệ An: Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch Thu - Đông
(Baonghean.vn) - Thời tiết sang Thu, đồng nghĩa ngành Du lịch bắt đầu chuyển sang mùa thấp điểm, lượng khách tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch sẽ giảm dần. Vì vậy, việc quảng bá sản phẩm du lịch Thu - Đông, duy trì lượng khách trong khoảng thời gian thấp điểm, đảm bảo nguồn thu nhập là hết sức cần thiết.
Chú trọng điểm đến văn hóa - tâm linh
Từ cuối tháng 8, khi thời tiết ở giai đoạn cuối Hè, đầu Thu, không khí bắt đầu trở lại mát mẻ, lượng khách đến với các điểm du lịch biển ở Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai bắt đầu có xu hướng giảm so với những tháng trước.
Đồng thời, các điểm du lịch sông, suối và thác nước ở các huyện miền Tây lượng khách cũng giảm rõ rệt, không còn cảnh nhộn nhịp như hồi tháng 6 và 7. Thực tế này đòi hỏi ngành Du lịch và các địa phương phải gấp rút xây dựng, khai thác và quảng bá sản phẩm du lịch Thu - Đông để thu hút du khách.
Hệ thống tư liệu, hiện vật có giá trị đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Công Kiên |
Nghệ An được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, bởi nơi đây chứa đựng khá đầy đủ đặc trưng về địa hình và tài nguyên của đất nước. Bên cạnh những bãi biển và sông, suối, thác nước đẹp thu hút du khách trong mùa nắng nóng, Nghệ An còn có nhiều nguồn tài nguyên để xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch mùa Thu - Đông.
Trước tiên, đây là vùng “địa linh nhân kiệt”, mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh cho đất nước không ít bậc anh hùng, hào kiệt. Chính điều này giải thích vì sao Nghệ An có nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc tâm linh, là điều kiện để thu hút khách du lịch và phát triển du lịch tâm linh.
Du khách tham quan Quảng trường Xô viết Nghệ -Tĩnh ở thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên |
Hiện là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - tâm linh. Cùng với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), Nghệ An còn có nhiều di tích và điểm đến gắn liền với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Đó là Bảo tàng Nghệ An với hơn 31.000 tài liệu, hiện vật có giá trị, giúp hình dung được dòng chảy lịch sử, văn hóa và đời sống hàng nghìn năm của vùng quê bên bờ sông Lam.
Hay Bảo tàng Xô viết Nghệ -Tĩnh với gần 16.000 tư liệu, hiện vật có giá trị, trong đó có nhiều bộ sưu tập hết sức quý giá và có ý nghĩa giáo dục tinh thần cách mạng. Bên cạnh đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Di tích Ngã ba Bến Thủy (thành phố Vinh), nơi ghi dấu sự kiện cuộc biểu tình lịch sử ngày 01 tháng 5 năm 1930, hơn 1.200 quần chúng công - nông. Ảnh: Công Kiên |
Đặc biệt là những di tích gắn với Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) và Cách mạng Tháng Tám (1945), có thể kể đến đình Trung, Tượng đài Công - nông Xô viết Trường Thi – Bến Thủy (thành phố Vinh), Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên), đình Võ Liệt (Thanh Chương)…
Ngoài ra, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) đã được đầu tư nâng cấp, những năm gần đây trở thành điểm đến tâm linh đối với du khách gần, xa. Đến với Truông Bồn, du khách sẽ cảm nhận được sự hy sinh anh dũng và tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ thanh niên xung phong thời chống Mỹ.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương). Ảnh tư liệu: Huy Thư |
Ông Trương Hải Linh - Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch cho biết: “Cùng với hệ thống di tích lịch sử cách mạng, Nghệ An còn có nhiều di tích đền, chùa nổi tiếng linh thiêng như đền Cờn, đền Quả, đền Cuông, đền Ông Hoàng Mười và chùa Đại Tuệ, chùa Gám…Các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng và tạ lễ dịp cuối năm sẽ thu hút một lượng khách khá lớn, tạo điều kiện cho loại hình du lịch văn hóa tâm linh phát triển”.
Khai thác “mỏ vàng” miền Tây
Nếu mùa Hè, các bãi biển trở thành nơi “giải nhiệt” lý tưởng thì các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng ở các huyện miền Tây là nơi trải nghiệm thú vị trong mùa Thu - Đông. Nói cách khác, miền Tây được xem là “mỏ vàng” để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch Thu – Đông, mang đến những điều mới mẻ và lý thú cho khách du lịch.
Vẻ đẹp hấp dẫn của núi rừng, khe, suối miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đình Tuyên |
Các sản phẩm và điểm đến được xây dựng từ những năm trước như điểm du lịch cộng đồng Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng (Con Cuông), Hoa Tiến (Qùy Châu) đã khẳng định được thương hiệu và sức hấp dẫn riêng. Một số sản phẩm, điểm đến mới được xây dựng như Cọ Muồng, Mường Đán (Quế Phong), Yên Hòa (Tương Dương) cũng bắt đầu thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Các điểm du lịch cộng đồng thường gắn với sản phẩm du lịch sinh thái như núi rừng, khe, suối, đồng lúa; cảnh quan tươi đẹp và thơ mộng, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên và đời sống văn hóa, phong tục đặc sắc của đồng bào các dân tộc luôn tạo nên sự hấp dẫn đối với những người đến từ các thành phố lớn.
Sức hút của du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đình Tuyên |
Đặc biệt, văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao, những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt bò giàng, lợn đen, gà đen và rượu men lá sẽ mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách trong mùa Thu - Đông.
Bên cạnh sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng, gần đây ở miền Tây Nghệ An đã hoàn thiện thêm một số sản phẩm mới thuộc loại hình du lịch mạo hiểm. Nổi bật là sản phẩm đi bộ kết hợp chèo thuyền trên sông Giăng vào khám phá vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông) và chinh phục đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn).
Những cánh đồng hoa ở miền Tây là điểm nhấn cho sản phẩm du lịch Thu – Đông của Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn |
Những sản phẩm này có sức hấp dẫn lớn đối với người trẻ, nhất là những người ưa khám phá, muốn khẳng định sức khỏe và bản lĩnh. Bởi hành trình khám phá, chinh phục có những lúc gặp gian nan, vất vả nhưng bù lại được thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng; được đắm mình giữa cảnh sắc thiên nhiên bao la, hòa mình với mây trời, non nước và cỏ cây, hoa lá…
Chưa kể, mùa Thu - Đông, những vườn mận, vườn đào của đồng bào Mông nở bung; những cánh đồng, thung lũng, đồi hoa ở Phủ Quỳ đua nhau khoe sắc; những vườn cây ăn quả chín mọng luôn gọi mời. Đây là dịp để du khách tìm về miền Tây Nghệ An để check-in và trải nghiệm cảnh đẹp, hoa thơm và hương vị của cây trái…
“Hiện tại, Sở đang xây dựng Kế hoạch quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch Thu – Đông năm 2022. Trọng tâm là tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch. Trong đó, chúng tôi tập trung quảng bá các điểm du lịch văn hóa – tâm linh và các sản phẩm du lịch đặc trưng ở miền Tây Nghệ An”.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An