Nghệ An đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công
(Baonghean) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có dịch vụ công. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Thực tế, việc đẩy mạnh thanh toán qua POS tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đã có những chuyển biến, song đối với dịch vụ công, các lĩnh vực được cho là “tiềm năng” như bệnh viện, trường học, tiền điện, tiền nước… việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu. Đây là bất cập mà chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai mở rộng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán.
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%,ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 241 phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Người dân đã quen dần việc thanh toán nhiều loại dịch vụ qua ngân hàng. Ảnh: Việt Phương |
Thực hiện Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/7/2018, Nghệ An có Quyết định 2996 ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đối với dịch vụ thu ngân sách 80% giao dịch nộp thuế tại thành phố Vinh được thực hiện qua ngân hàng, tại kho bạc nhà nước tỉnh, kho bạc tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ thu ngân sách nhà nước.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện: 70% đơn vị trực thuộc Điện lực Nghệ An chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; tại địa bàn thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai, Cửa Lò phấn đấu 70% số tiền được thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: 70% công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; phấn đấu 50% cá nhân, hộ gia đình tại thành phố Vinh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng.
Việc lưu thông tiền mặt đang là chủ yếu khiến nhiều cây ATM được sử dụng như là "chiếc ví lưu động". Ảnh: Việt Phương |
Đối với dịch vụ thanh toán học phí: 100% trường đại học, cao đẳng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng.
Đối với dịch vụ thanh toán viện phí, phấn đấu 50% bệnh viện tại TP. Vinh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai được thực hiện qua ngân hàng.
Theo đó, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa thông tin dữ liệu với các đối tượng để kết nối, chia sẻ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm phục vụ thanh toán các khoản tiền cũng như chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng.
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Nghệ An, hiện cả tỉnh có 1.691 đơn vị trả lương qua tài khoản, trong đó, số đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước trả lương qua tài khoản là 1.302 đơn vị. Tổng doanh số trả lương qua tài khoản là hơn 3.758 tỷ đồng, trong đó tổng doanh số trả lương qua tài khoản cho các đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước đạt gần 2.600 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.051 POS được lắp đặt, 946 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ, tăng mạnh so với năm 2016 (chỉ có 399 đơn vị chấp nhận).