Nghệ An: Dịch bệnh gia súc tăng do thiếu thú y cấp xã

(Baonghean.vn) -Theo Nghị quyết số 22/2019 của HĐND tỉnh, từ tháng 1/2020, chức danh cán bộ thú y không còn nằm trong danh mục không chuyên trách cấp xã được trả lương. Sau gần một năm thực hiện, quy định này đã dần bộc lộ nhiều bất cập.
Hộ chăn nuôi gặp khó
Đứng trước căn lán trống hoác vốn là chuồng nuôi trâu, bà Ca Thị Lịch ở bản Vực - xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp không kìm được những giọt nước mắt. Chỉ trong vòng 4 ngày, 11 con trâu đang khỏe mạnh lăn đùng ra chết. “Nuôi hơn 8 năm nay rồi, họ đã trả 18 - 20 triệu đồng/con, vậy mà chúng bỏ ăn, sốt cao, thổ huyết rồi chết nhanh lắm. Tui đã nhờ người làm dịch vụ thú y trong xã đến tiêm nhưng không khỏi, họ cũng không biết trâu bị chi mà chết”. Không còn trâu, vợ chồng bà cũng gác lại giấc mơ sửa sang căn nhà sàn dột nát. “May có người đến hỏi mua, bán được mỗi con 1 triệu đồng” - bà Lịch khóc.  
Trong đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân này, các địa phương phải thuê đội ngũ thú y để thực hiện. Ảnh Xuân Hoàng
Trong đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân này, nhiều địa phương phải đi thuê cán bộ thú y. Ảnh Xuân Hoàng

Sau khi trâu chết do bệnh tụ huyết trùng, bà con đã bán ra ngoài thì xã mới nắm được thông tin và ngăn chặn, đưa 8 con trâu đi tiêu hủy, số còn lại thương lái đã đưa khỏi địa bàn, dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.

Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý

Ông Tuấn cho biết, cái khó nhất trong chăn nuôi hiện nay là không có cán bộ thú y. Lĩnh vực này ở xã Châu Lý đang được giao cho bà Nguyễn Thị Lam - công chức địa chính - nông nghiệp xã. “Tôi không có chuyên môn về thú y nên giám sát dịch bệnh, chẩn đoán lâm sàng rất khó khăn và hạn chế, thường phải nhờ đến sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn cấp huyện. Điều này gây mất thời gian, khó dập dịch trong diện hẹp, dễ khiến dịch lây lan nhanh, rủi ro cho người chăn nuôi là rất lớn” - bà Lam bộc bạch.

Không chỉ vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại các xã trung du, đồng bằng, việc chăm sóc, phòng trừ, giám sát dịch bệnh vật nuôi cũng không khả quan hơn là mấy.

Khi chỉ còn mấy ngày nữa sẽ đến ngày sinh, con lợn nái của gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở xóm 6, xã Thái Sơn, Đô Lương lăn ra ốm. “Thấy lợn ăn ít, tui đi kêu người làm dịch vụ đến tiêm, nhưng tiêm 3 ngày lợn vẫn không đỡ, 2 ngày sau nữa thì lợn chết”. Mãi khi nghe thông báo trên loa phát thanh, bà Thành mới biết lợn nhà mình chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Lợn chết mới chạy đi kêu xã, chứ cán bộ thú y nghe nói đã giải tán rồi, có ốm cũng không biết kêu ai” - bà Thành cho biết. 

Nhiều hộ gia đình. Ảnh: Phú Hương
Nhiều hộ gia đình chỉ còn biết trắng tay khi vật nuôi ốm chết do dịch bệnh. Ảnh: Phú Hương
Chính quyền lúng túng

Không chỉ các hộ chăn nuôi lo lắng, mà ngay cả chính quyền cấp xã cũng trở nên lúng túng, bị động. Bước sang gần giữa tháng 11, trên địa bàn huyện Đô Lương chỉ mới có một số xã như Trù Sơn, Đại Sơn, Minh Sơn… đã triển khai tiêm phòng vụ thu.

Theo ông Võ Đình Khoa - Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thì bên cạnh những lý do khách quan như dịch bệnh, mưa lụt, thì khó khăn nhất là mạng lưới thú y cơ sở không còn. Tiến độ tiêm phòng chậm, việc giám sát, xử lý dịch bệnh trong diện hẹp trở nên khó khăn trong khi cán bộ của huyện không thể đủ đáp ứng bởi số xã nhiều, địa bàn rộng.

“Nhiều trường hợp, khi chúng tôi nhận được tin báo, dịch đã lây lan sang các hộ khác thậm chí các xóm khác, rất khó để khoanh vùng dập dịch ở quy mô hộ như trước đây” - ông Khoa lo ngại.

Cấp hóa chất khử trùng cho người dân xã Xuân sơn, Đô Lương. Ảnh: Phú Hương
Cấp hóa chất khử trùng cho người dân xã Xuân sơn, Đô Lương. Ảnh: Phú Hương

“Chúng tôi phải tự lo ngân sách, giá thuê do người được thuê đặt ra, có khi cao gấp 2-3 lần và họ cũng không có trách nhiệm như khi còn là cán bộ thú y. Hiện tại đang là thời gian tiêm phòng định kỳ và dịch bệnh tái bùng phát, xã phải huy động toàn bộ cán bộ UBND xã vừa trực tiếp giám sát công tác tiêm phòng, vừa để có thể báo ngay cơ quan chức năng cấp trên khi có vật nuôi bị bệnh”

Ông Hoàng Văn Cơ -  Phó Chủ tịch UBND xã Thái Sơn - Đô Lương 

Với mức thu nhập đạt gần 40.000 tỷ đồng/năm, tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi hiện chiếm tới 48% nội ngành nông nghiệp, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành chăn nuôi nông hộ chiếm tới 80% tổng đàn của cả tỉnh.

Việc bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y cấp xã - qua gần một năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là đối với một tỉnh thuần nông và chăn nuôi phát triển như Nghệ An.

Nếu trước đây, toàn tỉnh có 460 cán bộ thú y cấp xã thì từ ngày 1/1/2020, các phường, xã, thị trấn buộc phải giao cho cán bộ nông nghiệp, địa chính, hội nông dân, thậm chí là đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, MTTQ kiêm nhiệm thêm công việc thú y trong khi hầu hết họ đều không có chuyên môn về lĩnh vực này.

Theo thống kê, trong đợt tiêm phòng vụ Xuân năm nay, toàn tỉnh có đến hơn 270 xã không tổ chức tiêm phòng được. Việc triển khai tiêm phòng bổ sung đợt 2 cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục chăn nuôi và thú y, ngoài nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19, còn do thiếu nguồn nhân lực.

Phun khử trùng tiêu độc chống dịch tại Diễn Châu. Ảnh Phú Hương
Phun khử trùng tiêu độc chống dịch tại Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương

Xem xét, sửa đổi phù hợp thực tế

Cán bộ thú y xã chính là lực lượng tham mưu cho chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Trong tiêm phòng, đây vừa là lực lượng triển khai, vừa trực tiếp tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm; khi dịch bệnh xảy ra, thì họ là người đầu tiên chịu trách nhiệm chẩn đoán lâm sàng, điều trị và phối hợp khoanh vùng dập dịch.

Không còn chức danh này nữa, các xã phải tìm đủ cách khắc phục nhưng vẫn khó đáp ứng yêu cầu. “Chúng tôi giao cán bộ thú y cấp huyện trực tiếp chỉ đạo theo vùng, tuy nhiên lực lượng mỏng không thể đáp ứng nổi nhu cầu. Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi, dịch LMLM, Tụ huyết trùng đã tái phát, huyện đang chỉ đạo khắc phục bằng cách thuê người phòng chống dịch; cử cán bộ nông nghiệp theo dõi, tổng hợp, tham mưu xử lý” - ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho hay. 

Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp, hầu hết cán bộ kiêm nhiệm không có chuyên môn; người làm dịch vụ không được gắn trách nhiệm cụ thể nên rất dễ ảnh hưởng chất lượng, tiến độ phòng chống dịch. 

Chăn nuôi Nghệ An đang phải chịu tác động của nhiều loại dịch bệnh. Ảnh: Quang An
Chăn nuôi Nghệ An đang phải chịu tác động của nhiều loại dịch bệnh. Ảnh: Quang An

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh Nghệ An xây dựng Nghị quyết số 22/2019 dựa trên cơ sở Nghị định 34/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung  bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y. Và thực tế đã có nhiều vấn đề bất cập xảy ra, nhất là tại những địa phương phát triển chăn nuôi, có tổng đàn lớn, tổ chức tiêm phòng rất khó khăn, trong chống dịch gặp nhiều lúng túng.  

 “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 khóa XII là chủ trương lớn của Đảng. Sắp tới, UBND sẽ trực tiếp đề xuất, trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung lại trong kỳ họp sắp tới cho phù hợp”.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.