Nghệ An - điểm sáng về phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP

Trân Châu 17/03/2022 06:39

(Baonghean.vn) - ​Chương trình OCOP đã triển khai từ Trung ương tới địa phương được 3 năm và Nghệ An là tỉnh tiềm năng lợi thế đã thể hiện những bứt phá lớn. PV Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh về vấn đề này.

- PVThưa ông, xin ông cho biết kết quả phát triển của các sản phẩm OCOP ở Nghệ An sau hơn 3 năm thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hồ Lâm: Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gọi tắt là (OCOP) là một Chương trình còn khá mới mẻ. Chúng ta thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn: Xuất phát điểm thấp, ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn lực hạn chế, trong khi đó nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân bước đầu còn hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà, cơ chế chính sách chưa kịp thời.

Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân. Đến nay, chương trình thực sự đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa lớn, khẳng định đây là một chủ trương đúng ý Đảng, hợp lòng dân.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP. Ảnh: Xuân Hoàng

Sau 3 năm thực hiện, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 05 sao và 04 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 03 của cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh) và được bình chọn 1 trong 10 kết quả nổi bật năm 2021 của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,7% và 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, gà đồi Thanh Chương, dược liệu Pù Mát, rượu Mú Từn, lạc Diễn Châu, tương Sa Nam, trà túi lọc Giảo cổ Lam của Công ty CP Dược liệu Pù Mát, trà túi lọc dây thìa canh của Công ty CP Dược liệu Pù Mát, sản phẩm dệt thổ cẩm: Khăn, chân váy, khăn trải bàn của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, chè xanh Thanh Chương của HTX NN và chế biến chè Thanh Đức, nước mắm hạ thổ của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, hương trầm Liên Đức, trà linh chi ATC, rượu đông trùng hạ thảo của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma, tảo xoắn Spirulina michio của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma, sản phẩm đậu tương lên men Nattokinaza của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma,...

Sản xuất sản phẩm tảo xoắn của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma. Ảnh: Trân Châu

Hay các sản phẩm khác như: Cam bù Kim Nhan của Tổ HT trồng cây cam bù Kim Nhan, chè Gay Cao Sơn của HTX chè Gay Cao Sơn, trà xanh Minh Sáng của HTX Minh Sáng, gà Thanh Chương của HTX chăn nuôi gà Thanh Chương, muối ăn liền, trà lá sen của HTX Sen Quê Bác, Tinh bột nghệ Hoàng Mai của HTX dịch vụ NNTH Đồng Tâm, các làng du lịch sinh thái cộng đồng…

Có được kết quả trên chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm đó là: Ở đâu có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp quyết liệt, thường xuyên, liên tục; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình vượt lên để trở thành nhà sản xuất, kinh doanh có uy tín và thương hiệu trên thị trường chính là nhân tố, động lực thúc đẩy chương trình OCOP phát triển và ngược lại.

Sản phẩm OCOP tinh bột nghệ của TX Hoàng Mai. Ảnh: Trân Châu

PV: Xin ông cho biếtchính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Hồ Lâm: Chính sách tại Nghị định 98/2008 cơ sở pháp lý chung để các địa phương ban hành cụ thể chi tiết cho phù hợp vào tình hình thực tiễn của từng địa phương mình khi triển khai chương trình OCOP. Tại Nghệ An, chính sách được cụ thể tại Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm có 04 nội dung hỗ trợ sau đây:

- Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kếttối đa không quá 200 triệu đồng cho chủ trì liên kết;

- Hỗ trợ 30% hạ tầng phục vụ liên kết tối đa không quá 4 tỷ đồng/ đề án hoặc hợp đồng liên kết;

- Hỗ trợ 100% kinh phí cho tập huấn và đào tạo nghề của hợp đồng, dự án liên kết và 50% chi phí giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 02 chu kỳ sản xuất;

- Hỗ trợ 40% và không quá 300 triệu đồng chi phí chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ;

Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đến nay đã tỉnh ta có 30 Dự án/Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2022 là hơn 40 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các Dự án/Kế hoạch liên kết là 8.656 hộ, tổng quy mô thực hiện liên kết là 2.844 ha.

Nhờ đó mà đã có 6 HTX có sản phẩm OCOP gồm: HTX Dược liệu Pù Mát, HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất & chế biến chanh Nam Kim, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, HTX nông sản sạch xứ Nghệ Hoàng Mai, HTX Nông nghiệp Quyết Tiến gạo thảo dược Vĩnh Hòa…

Sản phẩm thổ cẩm của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Quang An

Đến nay, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.

PV:HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã thông qua Nghị quyết 25/2020/NQ - HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ và thưởng thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể đó là những chính sách gì thưa ông?

Ông Nguyễn Hồ Lâm:Các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 25/2020/NQ - HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnhgồm có 04 chính sách chính đó là:

- Hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh và chỉ hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn (2021 -2025);

- Hỗ trợ 50% tổng chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nhưng không quá 300 triệu đồng/điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP và chỉ hỗ trợ 01 điểm cho mỗi huyện, thị xã và tối đa 02 điểm cho thành phố Vinh trong giai đoạn 2021-2025;

- Hỗ trợ 50% tổng chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa, nhưng không quá 50 triệu đồng/sản phẩm và được hỗ trợ cho mỗi lần nâng hạng sao;

- Khen thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, với mức thưởng như sau:

a) Sản phẩm đạt hạng 3 sao: Thưởng 30 triệu đồng/sản phẩm;

b) Sản phẩm đạt hạng 4 sao: Thưởng 40 triệu đồng/sản phẩm;

c) Sản phẩm đạt hạng 5 sao: Thưởng 80 triệu đồng/sản phẩm.

Ngoài ra, theo Thông tư 08 của Bộ Tài chính cho phép lồng ghép các chương trình dự án như: Chương trình NTM; Nghị định 52 (06/2019); Nghị quyết 13 liên kết; Nghị quyết 06 (làng nghề; NQ18/2021 về phát triển nông nghiệp nông thôn).

- PV: Xin cảm ơn ông.

Theo (thực hiện)
Copy Link
Mới nhất
x
Nghệ An - điểm sáng về phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO