Nghệ An: Doanh nghiệp gạch không nung gặp khó

11/05/2016 19:27

(Baonghean)- Chính phủ đã giao cho các Bộ, ban, ngành của các tỉnh thực hiện quyết liệt các chính sách xoá bỏ lò gạch nung thủ công và thay thế dần bằng các loại vật liệu xây không nung (VLXKN). Tuy nhiên, trên Địa bàn Nghệ An, trong quá trình triển khai đã gặp phải một số vấn đề khó khăn, trong đó khó khăn về thói quen tiêu dùng luôn là vấn đề nan giải.

Dừng hoạt động do không bán được sản phẩm

Địa bàn tỉnh ta những năm qua cho ra nhiều mẫu gạch không nung với giá thành hợp lý, tuy nhiên vẫn khó tiêu thụ, làm cho không ít doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung lao đao, thậm chí là phá sản. Điển hình như Công ty cổ phần VLXD- NTT xã Sơn Thành, Yên Thành, từ năm 2007 đã đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng sản xuất gạch không nung với công suất 100 triệu viên/năm.

Ông Nguyễn Hữu Thi - Giám đốc Công ty cổ phần VLXD- NTT cho biết: So với gạch đất sét nung, gạch không nung có các ưu điểm vượt trội, như ít phát thải khí nhà kính; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu; nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt; đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm giá thành từ 6 - 8%. Trong năm 2011, công ty đã sản xuất “mẻ” đầu tiên 1 triệu viên, bán cho một số hộ dân xây dựng nhà, tuy nhiên đầu ra khó khăn nên từ năm 2011 đến nay công ty đã dừng sản xuất.

Cũng cùng hoàn cảnh đó, Công ty CP Đầu tư - Phát triển Lũng Lô 2.1 (tại Vinh Tân - TP. Vinh) từ năm 2008 đã mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng sản xuất gạch không nung bằng công nghệ tạo bọt của Đức, và trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ bằng công nghệ mới.

Công ty CP VLXD NTT đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung  ở xã Sơn Thành (Yên Thành).
Công ty CP VLXD NTT đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung ở xã Sơn Thành (Yên Thành).

Sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ cho toà nhà chung cư cao tầng do đơn vị làm chủ đầu tư. Vì khó đầu ra nên dây chuyền đã “chết yểu”, ngừng sản xuất từ tháng 5/2012. Bên cạnh đó, là Công ty gạch không nung Tân Hoàng An, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai có công suất 15 triệu viên/năm từ năm 2011 đến nay đi vào hoạt động, công ty này sản xuất được 6 triệu viên và hiện còn hơn 30.000 viên chưa bán được.

Được biết trong năm 2011, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở chủ yếu là các hộ tư nhân sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng (táp lô). Trong đó có gần 10 nhà máy quy mô vừa và nhỏ sản xuất gạch cốt liệu (gạch Bloook), gạch bê tông bọt, gạch không nung làm từ đất theo công nghệ Polime hóa... sản xuất gạch xây không nung trên địa bàn cả tỉnh ước khoảng 135 triệu viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có 4 nhà máy dừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng.

Theo ông Hoàng Trọng Kim - Giám đốc Sở Xây dựng thì Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đúng lúc kinh tế suy thoái, thị trường VLXD nói chung bị thu hẹp kể cả đối với gạch đất nung.

Cần giải pháp đồng bộ

Giải pháp đặt ra hiện nay là, về cơ chế chính sách, cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn (riêng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXKN). Từng bước hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện tỉnh ta, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng vật liệu không nung.

Tăng cường công tác tuyên truyền để các nhà quản lý chính quyền, đặc biệt là chính quyền đô thị, các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng và mọi người dân khi có liên quan đến xây dựng cần được phổ biến ưu điểm và ưu đãi đối với sản xuất và sử dụng VLXKN, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung vẫn tồn tại trong quá trình xây dựng.

Để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Công ty CP  VLXD NTT đầu tư dây chuyền sản xuât  gạch khoongnung ở Sơn Thành - yên Thành (1)
Một cơ sở sản xuất gạch không nung đắp chiếu.

Thông tư 09 quy định cụ thể: Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ, trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây); Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% loại vật liệu không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Và các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 thì phải sử dụng 100%.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Doanh nghiệp gạch không nung gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO