Nghệ An: Độc chiêu săn cua đá kiếm tiền triệu mỗi ngày

Việt Hùng 21/03/2018 17:27

(Baonghean.vn) - Thời gian này, ngư dân ở vùng biển Quỳnh Lưu, Hoàng Mai đang vào vụ săn bắt cua đá với những chiếc bẫy hết sức đơn giản, nhưng có thể thu về tiền triệu mỗi ngày.

 Để săn cua biển, ngư dân Trần Xuân Âu ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) sử dụng bẫy « bóng cua » thả vào các hang đá. Ảnh: Việt Hùng
Để săn cua biển, ngư dân Trần Xuân Âu ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) sử dụng bẫy "bóng cua" thả vào các hang đá. Ảnh: Việt Hùng

Bắt đầu từ giữa tháng 3 là thời điểm bà con ngư dân vùng biển Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) tập trung săn bắt đặc sản cua đá biển. Để săn được loại đặc sản này, ngư dân phải có độc chiêu mới có thể bẫy được con mồi.

Ngoài dùng bẫy săn cua đá, ngư dân còn săn bắt bằng thả lưới. Ảnh: Việt Hùng
Ngoài dùng bẫy săn cua đá, ngư dân còn săn bắt bằng thả lưới. Ảnh: Việt Hùng

Anh Trần Xuân Âu có kinh nghiệm đi biển hơn 10 năm cho biết, cua đá là loại đặc sản thường xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 7 DL. Để săn được chúng, ngư dân phải sắm hàng trăm chiếc "bóng cua" để đặt vào các hang đá dưới nước; đặc biệt để thu hút chúng vào bẫy, người dân phải chế hộp mồi bằng cách bỏ cá tạp vào lồng rồi thả xuống biển.

"Cua biển thường sinh sống ở dưới hang đá, vào mùa hè, chúng thường xuất hiện nhiều và ngoi ra ngoài nên dễ dàng đánh bắt được. Vào chính mùa, sau 1 đêm đặt bẫy, chúng tôi có thể săn được khoảng 70 - 90 kg cua đá, thu về gần chục triệu đồng” - Anh Âu cho biết.

Bên trong bẫy, ngư dân chế hộp đựng mồi là cá tạp để dụ cua đá vào ăn. Ảnh: Việt Hùng
Bên trong bẫy, ngư dân chế hộp đựng mồi là cá tạp để dụ cua đá vào ăn. Ảnh: Việt Hùng

Cua đá sập bẫy. Ảnh Việt Hùng
Cua đá sập bẫy. Ảnh Việt Hùng

Theo kinh nghiệm của ngư dân săn cua đá, loại đặc sản này thường sinh sống ở những vùng biển có đá ngầm. Người dân phải dùng thuyền chèo ra các bãi đá ở biển để thả từng lồng bẫy xuống. Thường thì 5 giờ chiều đi thả, đến 5 giờ sáng hôm sau kéo lên.

Hiện chưa vào đại mùa nên mỗi ngày, ngư dân đánh được khoảng 10 - 20 kg. Bắt đầu sang tháng 3 ÂL, thời tiết nắng nóng, cua đá sẽ xuất hiện nhiều, ngư dân có thể đánh được khoảng từ 50 - 100 kg. Với giá bán 100.000 đồng/kg, thời gian vào mùa, ngư dân ở đây thu nhập từ 5 -10 triệu đồng/ngày.

 Cua đá có 2 loại, loại mầu đỏ sẫm, càng to giá 100.000 đồng/kg ; còn loại cua đá màu ghẹ, càng nhỏ giá 40.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Cua đá có 2 loại, loại mầu đỏ sẫm, càng to giá 100.000 đồng/kg ; còn loại cua đá màu ghẹ, càng nhỏ giá 40.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng

Theo anh Hồ Văn Hưng, ở vùng biển Quỳnh Lập ngư dân có truyền thống làm nghề săn cua đá, sau mỗi chuyến đi biển về, toàn bộ đặc sản cua đá được thương lái đến thu mua rồi phân phối đi các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

“Nếu so sánh với các vùng biển khác, vùng biển Quỳnh Lập có nhiều cua đá nhất. Vào mùa du lịch, là dịp hàng chục hộ dân làm nghề săn cua đá ở địa phương hái ra tiền vì nhu cầu sử dụng tăng cao" - anh Hưng cho biết thêm.

Sau khi đánh bắt về, thương lái khắp nơi tìm đến thu mua và nuôi trữ trong nước. Ảnh: Việt Hùng
Sau khi đánh bắt về, thương lái khắp nơi tìm đến thu mua và nuôi trữ trong nước. Ảnh: Việt Hùng

Trên địa bàn xã Quỳnh Lập, hiện có khoảng 20 hộ tham gia đánh bắt hải sản gần bờ kết hợp săn cua đá tập trung ở xóm Tân Minh và Đồng Minh. Ngoài ra, một số ngư dân ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cũng thường hay săn bắt loại này bằng đánh lưới, hoặc ra các hang đá để đặt bẫy; thậm chí có nhiều người lặn xuống biển để tìm bắt.

cua
Cua đá hấp dẫn nhất là món nướng, luộc, rang muôi tiêu.. rất thích hợp trong mùa hè. Ảnh: Việt Hùng

Cua đá là một loài cua sống ở ven biển, vỏ màu tím sậm, mình rắn chắc, càng cái ngắn và to, con nặng trung bình từ 100 - 200gr. Loài cua này thường đi ăn vào ban đêm, ngày trú ẩn trong các hang đá dọc theo các bờ biển. Bộ phận ngon nhất ở cua biển là càng cái, thịt vừa săn chắc và ngọt, chứa rất nhiều đạm. Cua đá hấp dẫn nhất là món nướng, luộc, rang muối tiêu... rất thích hợp trong mùa hè.

Mới nhất
x
Nghệ An: Độc chiêu săn cua đá kiếm tiền triệu mỗi ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO