Nghệ An: Dự kiến đầu tư hơn 356 nghìn tỷ cho phát triển công nghiệp

24/10/2017 11:12

(Baonghean.vn) - Tỉnh Nghệ An vừa có dự thảo quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2025, có tính đến năm 2030, theo đó nhu cầu vốn dự kiến là 356,7 nghìn tỷ đồng.

» Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP. Vinh làm rõ việc máy bơm tiêu úng không hoạt động

» Dự án FLC Nghệ An sẽ giải quyết việc làm cho 3.500 lao động địa phương

Sáng 24/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 10/2017 để nghe và cho ý kiến về các nội dung quan trọng. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TH
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc họp. Ảnh: TH

Phiên họp đã nghe và cho ý kiến về dự thảo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 có tính đến năm 2030.

Theo dự thảo, Nghệ An sẽ tập trung các nguồn lực thực hiện mục tiêu sớm đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp, có nền tảng kinh tế - văn hóa - xã hội và kết cấu hạ tầng đồng bộ; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh tăng từ 32,3% năm 2016 lên 40-41% năm 2020 và 47-48% vào năm 2025; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng cao.

Phát triển công nghiệp Nghệ An theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường bền vững trên cơ sở ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch không gây ô nhiễm đến môi trường.

Đóng hộp tại nhà máy Royal Foods Khu công nghiệp Nam Cấm (Khu Kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng
Đóng hộp tại nhà máy Royal Foods Khu công nghiệp Nam Cấm (Khu Kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng

Tỉnh Nghệ An sẽ tập trung phát triển: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim (bao gồm các sản phẩm hỗ trợ ngành cơ khí); Công nghiệp sản xuất hàng dệt may, da-giày (bao gồm công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành);

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất; Ngành công nghiệp điện - điện tử, công nghệ thông tin (bao gồm công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành); Công nghiệp năng lượng, sản xuất và phân phối nước; Công nghiệp sản xuất đồ uống (Rượu - Bia - NGK); Quy hoạch phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản...

Phó giám đốc sở Công thương Nguyễn Huy Cương báo cáo dự thảo quy hoạch công nghiệp. Ảnh: TH
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huy Cương báo cáo dự thảo quy hoạch công nghiệp. Ảnh: TH

Theo đó, nhu cầu vốn quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2025, có tính đến năm 2030 dự kiến là 356,7 nghìn tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn đến năm 2020 dự kiến là 119,9 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 236,8 nghìn tỷ đồng.

Về nội dung này, ý kiến các đại biểu dự họp cơ bản đồng tình, Sở Công Thương cập nhật những yếu tố mới, đảm bảo phát triển bền vững, quy hoạch thực hiện theo hướng mở. Trong đó, lưu ý sản phẩm bia, cần tính đến sau 2025 đối với vật liệu xây dựng, công nghiệp dược… Các nội dung khác bám định hướng của Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT phát biểu cho rằng dự thảo quy hoạch cần bổ sung phần phát triển sân bay Vinh, cụm cảng, cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn. Ảnh: TH
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ phát biểu cho rằng dự thảo quy hoạch cần bổ sung phần phát triển sân bay Vinh, cụm cảng, cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn. Ảnh: TH

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng dự thảo được chuẩn bị khá chu đáo, cơ bản nhất trí, đề nghị Sở Công Thương tiếp thu các ý kiến góp ý, và căn cứ thêm các nghị quyết đại hội, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, số liệu thống kê để hoàn chỉnh nội dung dự thảo, chuẩn bị tờ trình để thông qua HĐND tỉnh.

Tiếp đó, các đại biểu nghe và cho ý kiến về dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh quy định một số mức chi công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức chi các cuộc điều tra thống kê do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức kinh phí đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn; dự thảo quyết định thay thế quyết định số 64/2014/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 ban hành bảng giá đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản và di chuyển mồ mả trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tàu trọng tải lớn trên 70.000 tấn có thể cập cầu cảng Vissai ở Nghi Thiết - Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh Mạnh Hùng
Tàu trọng tải lớn trên 70.000 tấn có thể cập cầu cảng Vissai ở Nghi Thiết - Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh Mạnh Hùng

Các đại biểu cũng nghe và cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh triển khai Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020; Dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020;

Cũng trong sáng nay, Sở Nông nghiệp &PTNT báo cáo các Dự thảo: Dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định về phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống trên địa bàn tỉnh và đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp.

Dự thảo chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn lần này có mở rộng đối tượng hỗ trợ, trong đó ưu tiên hướng sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, đồng thời bỏ hỗ trợ đối với một số chính sách không còn phù hợp như: hỗ trợ máy cày đa chức năng, đóng tàu cá công suất thấp và hầm bảo quản đông lạnh trên các tàu đánh bắt hải sản...Ý kiến góp ý đề nghị bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ: chế phẩm sinh học xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; cơ chế phù hợp đối với phát triển cây dược liệu.

Kết luận các nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cơ bản thống nhất, đề nghị các ngành hoàn thiện dự thảo trên cơ sở góp ý của các đại biểu để trình HĐND tỉnh thông qua.

Riêng nội dung đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc liên doanh, liên kết để đổi mới, sắp xếp lại các nông, lâm trường là phương án tốt nhưng cần tối đa hóa sự liên doanh, liên kết với nông dân để nông dân vẫn giữ được đất và cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp. Đề nghị Sở NN&PTNT hoàn chỉnh đề án, thông qua BTV Tỉnh uỷ trong cuộc họp tới.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Dự kiến đầu tư hơn 356 nghìn tỷ cho phát triển công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO