Nghệ An đưa dịch vụ dân số về vùng khó

Mỹ Hà 03/05/2022 12:24

(Baonghean.vn) - Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và đưa dịch vụ về cơ sở là những nỗ lực của ngành Dân số sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid - 19.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và đưa dịch vụ về cơ sở là những nỗ lực của ngành Dân số sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid - 19. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm chuẩn bị cho tháng ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số năm 2022.

Đến với công nhân người lao động

Chương trình “Sức khỏe sinh sản” do Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với các đơn vị triển khai đúng vào dịp Tháng Công nhân năm 2022 với đối tượng hỗ trợ chính là công nhân và người lao động đang làm việc tại các nhà máy và các khu công nghiệp. Tại huyện Tân Kỳ, chương trình được thực hiện tại chi nhánh Nhà máy may Văn Minh với sự hưởng ứng của gần 400 công nhân và người lao động nữ.

Đây cũng là lần đầu tiên người lao động ở đơn vị này được các bác sỹ, nhân viên y tế đến trực tiếp thăm khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí. Chia sẻ về điều này, chị Phan Thị Thuận ở tổ phục vụ cho biết: “Tôi năm nay đã 43 tuổi và rất ít khi đi kiểm tra sức khỏe ở các cơ sở y tế, đặc biệt là kiểm tra sức khỏe sinh sản. Vì thế, khi biết có thông tin ngành Dân số sẽ đến hỗ trợ công nhân công ty để thăm khám sức khỏe chúng tôi rất mừng. Đây là lần đầu tiên tôi được theo dõi toàn diện về sức khỏe sinh sản và điều này là rất cần thiết, nhất là ở những người ở độ tuổi như chúng tôi”.

Tư vấn về SKSS cho công nhân trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ảnh: MH
Tư vấn về SKSS cho công nhân trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ảnh: MH

So với các chương trình khác, việc triển khai chương trình chăm sóc SKSS cho công nhân, người lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp có đặc thù riêng. Đây là đối tượng cần được chăm sóc nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ lại chưa có ý thức quan tâm, bảo vệ. Thực tế, thời gian qua, ngoài việc đến công ty làm việc, chị em công nhân ít có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin liên quan đến SKSS dẫn đến hiểu biết hạn chế về các biện pháp tránh thai, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn cao, không hiểu biết về các quyền mình được có trong quá trình thai sản và sinh đẻ.

Chị Lê Thị Dung - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy may Văn Minh Tân Kỳ chia sẻ: “Những năm qua, công đoàn công ty cũng đã nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và công nhân, người lao động. Tuy nhiên, chăm sóc SKSS cho người lao động trong ngành vẫn còn những khó khăn và hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhiều lao động cũng cho rằng, SKSS là chủ đề khá nhạy cảm. Vì vậy, với tâm lý e ngại, xấu hổ nên người lao động thường không chủ động đến các tổ chức y tế và các CLB để được thăm khám, cung cấp thông tin về lĩnh vực này”.

“Lâu nay tại các doanh nghiệp công tác khám sức khỏe cho công nhân mới chỉ tập trung vào các nội dung cơ bản như huyết áp, tim mạch, tai - mũi - họng, mắt, khám phụ khoa cho lao động nữ có gia đình.., việc khám chuyên sâu, tầm soát ung thư và các bệnh liên quan đến SKSS chưa được quan tâm nhiều.

Bên cạnh đó, đặc thù lao động tại các khu công nghiệp thường sản xuất dây chuyền, khoán sản phẩm nên thời gian làm việc khá chặt chẽ, người lao động khó khăn trong việc dành thời gian đi khám và điều trị bệnh do lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Đây chính là nguyên nhân khiến người lao động luôn trì hoãn việc tìm kiếm các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, chỉ đến khi nào tình trạng bệnh khiến họ không thể làm việc được nữa thì họ mới tìm kiếm đến các dịch vụ y tế.

Qua khảo sát thực tế, bà Thái Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân số - KHHGĐ (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh) cho biết

Công nhân lao nữ ở các nhà máy cần được quan tâm về SKSS. Ảnh: MH
Công nhân lao nữ ở các nhà máy cần được quan tâm về SKSS. Ảnh: MH

Để hỗ trợ cho công nhân và người lao động Chương trình “Sức khỏe sinh sản” do Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chủ trì có khá nhiều nội dung. Trong đó, ngoài việc khám, triển khai dịch vụ và cấp phát thuốc thì người lao động cũng được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề này. Hoạt động này cũng được Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh duy trì nhiều năm nay với mong muốn đưa dịch vụ đến trực tiếp với lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhằm trang bị, cung cấp cho họ nhận thức về SKSS và thực hiện thăm, khám, hỗ trợ cấp thuốc. Qua hoạt động này cũng nhằm vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện để nữ CNLĐ tìm hiểu kiến thức về SKSS/KHHGĐ, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền để CNLĐ hiểu quyền lợi của mình và tự nguyện tham gia”.

Năm nay theo kế hoạch, sẽ có khoảng 3.000 lao động nữ được Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh hỗ trợ với kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tập trung tại 3 huyện là Tân Kỳ, Diễn Châu và Yên Thành.

Bù đắp “khoảng trống” ở cơ sở

Hoạt động đưa dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ về cơ sở đang được ngành Dân số triển khai đồng bộ nhiều năm nay, trong đó, tập trung chính vào những đối tượng công nhân, người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng đặc thù hoặc những vùng có mức sinh cao. Đây cũng là những đối tượng không thường xuyên được quan tâm chăm lo về vấn đề SKSS và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều căn bệnh mãn tính khác.

Chị Trần Thị V ở xã Khánh Thành (Yên Thành) vừa hoàn thành ca phẫu thuật tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An với một kết quả khá buồn khi khối u ở tử cung của chị đã di căn ra nhiều bộ phận khác. Trước đó, khi Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh triển khai chương trình khám, tư vấn về SKSS ở địa phương, chị được thực hiện nội soi để tiến hành sàng lọc ung thư. Qua thăm khám, bác sỹ chỉ định chị có khối u và yêu cầu chị phải đi khám ở tuyến cao hơn để xác định chính xác bệnh. Bệnh nhân này cũng cho biết: Vì điều kiện khó khăn và do chủ quan nên nhiều năm nay chị không khám SKSS và cũng không phát hiện các biểu hiện bất thường.

Người dân huyện Anh Sơn tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: MH.
Người dân huyện Anh Sơn tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: MH.

Đây cũng là năm đầu tiên chương trình khám SKSS đến với các trường THPT và một số trường dạy nghề ở một số huyện miền núi. Tại một trường THPT trên địa bàn huyện Con Cuông, chỉ qua siêu âm các y, bác sỹ đã phát hiện ít nhất 2 trường hợp học sinh nữ có thai, thậm chí có trường hợp đã mang thai trên 5 tháng nhưng học sinh này vẫn không biết. Bác sỹ Thái Thị Sâm, người đã tham gia rất nhiều chương trình nói thêm: “Thường những nơi chương trình đến là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên lâu nay việc quan tâm chăm sóc đến vấn đề SKSS chưa được chú trọng và có rất nhiều người chưa khám SKSS lần nào. Vì thế, dù chỉ qua thăm khám ban đầu, nhưng số người mắc các bệnh viêm nhiễm và các bệnh liên quan đến SKSS rất nhiều. Đây là một khoảng trống rất lớn ở cơ sở và cần phải được tuyên truyền, hỗ trợ thường xuyên”.

Trong những năm gần đây, để nâng cao chất lượng của các dịch vụ, nhiều kỹ thuật như nội soi, tầm soát ung thu cũng được chương trình triển khai xuống cơ sở với đội ngũ y, bác sỹ có kinh nghiệm đến từ nhiều bệnh viện lớn trong tỉnh. Qua đó, cũng phát hiện tỷ lệ bệnh nhân bị mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo khá cao. Bác sỹ Thái Thị Sâm cũng nói thêm: “Ở cơ sở y tế tôi đang làm việc, cứ 100 bệnh nhân thì có khoảng 30 bệnh nhân có tế bào lạ và khoảng 10 - 15 bệnh nhân có những tế bào ung thư. Trong đó, có những người không có dấu hiệu lạ. Điều này cũng cho thấy, nếu thăm khám trên diện rộng, sẽ có nhiều người sớm được phát hiện bệnh để kịp thời có phương án điều trị tích cực”.

Khám sức khỏe cho học sinh trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: MH
Khám sức khỏe cho học sinh trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: MH

Trong năm 2022, đây cũng là mục tiêu mà ngành Dân số đang hướng tới nhằm mở rộng các đối tượng. BSCKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cũng cho biết: “Năm nay chúng tôi sẽ đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển, đảm bảo về chất lượng, đổi mới về nội dung, hình thức truyền thông, chú trọng kênh thông tin đại chúng; các sản phẩm truyền thông phù hợp với từng địa bàn. Bên cạnh đó, áp dụng các hình thức cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ phù hợp với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng ven biển, khu công nghiệp và các đối tượng khó tiếp cận”.

Mới nhất
x
Nghệ An đưa dịch vụ dân số về vùng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO