Nghệ An: Gần 23.000ha lúa nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn

10/08/2017 15:20

(Baonghean.vn) - Hiện trên địa bàn Nghệ An có gần 23.000 ha lúa bị bệnh bạc lá, khô vằn và diện tích lúa nhiễm bệnh tiếp tục tăng nhanh.

Hiện nay, trên 95 nghìn ha lúa Hè thu - Mùa của Nghệ An đang ở các giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng - trỗ - chín. Xuất hiện từ đầu tháng 7, hiện bệnh bạc lá vi khuẩn đang phát sinh gây hại nặng trên diện rộng và tăng nhanh diện tích nhiễm. Cách trước một tuần, toàn tỉnh mới có 1.662 ha lúa bị bạc lá, thì đến ngày 9/8, con số đó đã tăng lên trên 2.682 ha, trong đó có 942,3 ha nhiễm nặng. Diện tích nhiễm tập trung tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên với tỷ lệ bệnh nơi cao 10-20%, cá biệt 60 – 100% lá bị hại.

Kiểm tra tình hình bệnh bạc lá trên lúa hè thu tại huyện Diễn Châu
Kiểm tra tình hình bệnh bạc lá trên lúa hè thu tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, ông Nguyễn Văn Quang cho hay: Đã có 1/3 diện tích lúa hè thu bước vào giai đoạn trổ, số còn lại ôm đòng chuẩn bị trổ. Bệnh bạc lá phát sinh gây hại mạnh từ sau cơn bão số 2 và lây lan với tốc độ khá nhanh, nguyên nhân do tác động bất lợi của thời tiết cộng thêm tư tưởng chủ quan, ít phòng ngừa của người dân...

Hiện toàn huyện Nghi Lộc có trên 500 ha nhiễm bệnh, trong đó khoảng 50 ha nhiễm nặng đã cháy khô phần ngọn lá, tập trung nhiều ở các xã vùng bán sơn địa như Nghi Hưng, Nghi Kiều, Nghi Mỹ… Huyện này đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phun phòng trừ trên những diện tích lúa chưa trổ và bị nhẹ để tránh lây lan.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này bệnh khô vằn cũng đã phát sinh gây hại lúa trên diện rộng, toàn tỉnh hiện có 20.218,5 ha lúa nhiễm bệnh, trong đó có trên 3.311 ha nhiễm nặng. Tỷ lệ bệnh nơi cao 20-30%, cục bộ lên tới 50-70% cây bị bệnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh, ngành chuyên môn đã có những khuyến cáo cụ thể đối với từng loại bệnh. Với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, không bón thúc đạm đối với những diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Khuyến cáo nông dân thực hiện phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện hoặc khi phát hiện có giọt dịch vi khuẩn (vết bệnh chưa hình thành rõ) bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Oxolinic acid (Starner 20WP,…); Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP,…); Bismerthiazol (Xanthomix 20WP,…); Ningnamycin (Bonny 4SL, Kozuma 5WP...); Kasugamycin (Kasumin 2SL,…); … phun theo lượng khuyến cáo và phun lại lần 2 cách 5 – 7 ngày nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh, phát triển.

Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không bón thêm đạm, không sử dụng kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá trên diện tích lúa đã và đang nhiễm bệnh.

Chủ đại lý kinh doanh thuốc BVTV tư vấn cho nông dân loại thuốc cần sử dụng  và cách phun. Ảnh: Phú Hương
Chủ đại lý kinh doanh thuốc BVTV tư vấn cho nông dân loại thuốc cần sử dụng và cách phun. Ảnh: Phú Hương

Với bệnh khô vằn, những diện tích lúa nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 5-10% trở lên cần hướng dẫn nông dân giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất như Validamycin (Jinggang meizu 5-10WP, Validacin 3-5L, Vida 5WP…); Hexaconazole (Anvil 5SC, …); … pha theo liều hướng dẫn và phun đều vào phần thân và gốc lúa. Ruộng bị bệnh nặng nên phun kép 2 lần, lần hai cách lần một từ 5 - 7 ngày để đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Gần 23.000ha lúa nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO