Nghệ An: Gần 4.000 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá

08/04/2017 07:58

(Baonghean.vn) - Bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại trên diện rộng, toàn tỉnh hiện còn trên 3.877 ha nhiễm bệnh, rất dễ dẫn đến đạo ôn cổ bông ảnh hưởng nghiêm trọng năng suất lúa.

Tại Quỳnh Lưu, bệnh đạo ôn lá ở cây lúa đã phát sinh gây hại tại 10 xã, thị trấn của huyện trên diện tích gần 18 ha, chủ yếu là giống TBR225, Thiên Ưu 8, AC5, Q5, Nếp 97, Thái Xuyên 111… Trong đó, có 2,65ha nhiễm trung bình, 1,15ha nhiễm nặng và xuất hiện các ổ lụi ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa.

Huyện dự kiến có khoảng 300 ha lúa sẽ trỗ trước 10/4. Tuy nhiên theo dự báo, thời tiết trong tháng 4 tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu sáng sớm có sương mù, trưa chiều hửng nắng, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông và bạc lá vi khuẩn phát sinh gây hại.

Hay như ở Thành phố Vinh diện tích lúa không nhiều nhưng cũng đã có 20,3 ha lúa bị nhiễm bệnh trên tai lá đòng, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5- 7%, nơi cao 20-25%, cục bộ 70-80%.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới là thời điểm chuyển mùa nên diễn biến thời tiết khó lường, trong thời gian lúa trỗ có thể sẽ có mưa kéo dài, ẩm độ cao thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt trên những giống có mức độ nhiễm bệnh cao như Hương Ưu 98, AC 5, IR 1820, Xi, Thiên Ưu 8... Do đó những diện tích lúa trỗ trong thời gian này cần tập trung theo dõi sát diễn biến thời tiết để phun phòng kịp thời.

Vết đạo ôn. Ảnh: Phú Hương
Vết đạo ôn trên lúa. Ảnh: Phú Hương


Để chủ động hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo người dân cần phun thuốc phòng 2 lần trước và sau khi lúa trỗ bông, đặc biệt lưu ý những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá ở vùng đất giàu mùn, lúa rậm rạp, xanh đậm khi phun thuốc cần đảm bảo lượng nước 24 lít/ sào, phun vào chiều tối hoặc sáng sớm để tránh thời gian lúa đang phơi màu.

Trường hợp lúa trỗ gặp thời tiết khô, nắng nóng thì không cần thiết phải tổ chức phòng trừ đối với bệnh đạo ôn cổ bông.

Đồng thời, bà con cần thăm đồng thường xuyên nếu phát hiện bệnh bạc lá vi khuẩn thì giữ nước từ 3 – 5 cm, tuyệt đối không được bón các loại phân hóa học, phân bón qua lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Qua đó, nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng của vụ lúa chính trong năm.

Nông dân Quỳnh Diễn phun thuốc trừ sâu đối với những diện tích nhiễm bệnh. Ảnh: Hồng Diện
Nông dân Quỳnh Diễn phun thuốc trừ sâu đối với những diện tích nhiễm bệnh. Ảnh: Hồng Diện

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục Trưởng chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho hay: “Bên cạnh việc bám sát, chỉ đạo phát hiện phòng trừ kịp thời bệnh Đạo ôn lá và sắp tới là Đạo ôn cổ bông, hiện các ngành chức năng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh buôn bán cũng như sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn”.

Phú Hương - Hồng Diện

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Gần 4.000 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO