Nghệ An ghi nhận 2 ca bệnh viêm não Nhật Bản mới ở 2 xã vùng cao
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn, tỷ lệ tử vong từ 25% đến 35%.
Thông tin từ Trung tâm Y tế Kỳ Sơn: Mới đây, trên địa bàn 2 xã Na Ngoi và xã Mường Típ xuất hiện 2 ca bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi ở xã Mường Típ 9 tuổi (xuất hiện triệu chứng vào ngày 4/7) và bệnh nhi ở xã Na Ngoi 8 tuổi (xuất hiện triệu chứng vào ngày 13/7).

Khi mắc bệnh, cả 2 trẻ đều có triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi. Tuy nhiên, gia đình đã không đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay mà tự điều trị tại nhà. Thấy tình trạng trẻ không thuyên giảm mới đưa đến Trung tâm Y tế Kỳ Sơn để điều trị.
Tiếp đó, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn đã chuyển tuyến cho 2 bệnh nhi xuống điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Xét nghiệm dịch não tủy 02 bệnh nhi cho kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản... Ở thời điểm hiện nay, cả 2 trẻ đều đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, vẫn còn có những di chứng do bệnh.

Sau khi phát hiện 2 ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn phối hợp cùng Trạm Y tế Mường Ải (thuộc địa bàn xã Mường Típ sau khi sáp nhập) và Trạm Y tế Na Ngoi tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát môi trường quanh khu vực nhà bệnh nhân; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy: Gia đình 2 trẻ đều thuộc hộ nghèo. Nhà cửa không được vệ sinh thường xuyên; không có nhà vệ sinh. Các hộ dân xung quanh nhà bệnh nhân có chăn nuôi trâu, bò. Trước khi mắc bệnh cả 2 trẻ đều chưa tiêm vắc xin viêm Não Nhật Bản... Hiện chưa phát hiện thêm ca bệnh nào ở 2 xã.
.jpg)
Hiện nay, các đơn vị y tế và cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể 2 xã đã và đang tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, giám sát véc tơ truyền bệnh; rà soát trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin, lập danh sách tiêm vét viêm não Nhật Bản.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường chỗ ở sạch sẽ; ngủ mắc màn; thường xuyên diệt muỗi; phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh môi trường xung quanh; thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ, khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, thay đổi ý thức, cần đưa đến cơ sở y tế kịp thời; cho trẻ tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ các mũi vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn, tỷ lệ tử vong từ 25% đến 35%. Nhiều bệnh nhân dù khỏi bệnh vẫn để lại di chứng nặng như: rối loạn tâm thần, vận động, nghe kém, thậm chí bại liệt, mất khả năng lao động. Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Viêm não Nhật Bản ở Việt Nam được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh lưu hành trên cả nước. Bệnh do một loại virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu, bò, ngựa,… và chim hoang dã. Bệnh lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex (muỗi ruộng), chủ yếu xuất hiện vào mùa hè (tháng 5–7 là thời gian muỗi sinh sôi mạnh).